Ngày 13/4, ngày đầu tiên quy định áp trần lãi suất huy động USD ở mức 3%/năm của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực, nhiều ngân hàng đã đồng loạt đưa lãi suất loại ngoại tệ này về mức 3%/năm.
Ảnh minh họa
Cụ thể, ngày 13/4, Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) đã áp mức lãi suất huy động USD 3%/năm cho các kỳ hạn từ 1 - 60 tháng.
Tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), ở biểu thông thường phổ biến là 2,9%/năm, nhưng mức 3%/năm có ở tất cả các kỳ hạn của sản phẩm “Tiết kiệm chọn kỳ lãnh lãi” - kỳ hạn 36 tháng.
Tương tự, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn-Thương Tín (Sacombank) cũng đã giảm đồng loạt xuống còn 3% cho các kỳ hạn từ 1-24 tháng.
Chiều 13/4, Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt
Đối với ACB, lãi suất sản phẩm huy động USD thả nổi cũng đồng loạt bằng 3%/năm không phân biệt kỳ hạn và số tiền gửi.
Như vậy, so với trước ngày 13/4, lãi suất tiết kiệm USD đã giảm mạnh từ mức cao nhất 6%/năm xuống còn một nửa là 3%/năm.
Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank Phạm Huy Hùng cho rằng, việc giảm lãi suất huy động USD xuống 3%/năm là hợp lý. Bởi, lãi suất USD nước ngoài ở mức dưới 1%/năm, trong khi lãi suất trong nước lên đến 5,5 - 6%/năm là quá cao.
Việc lãi suất USD giảm và mức cao nhất chỉ còn 3%/năm, trong khi lãi suất huy động VND vẫn giữ ở mức 14%/năm đã khiến người dân bắt đầu tính toán đến việc sẽ chuyển từ tiết kiệm USD sang gửi tiết kiệm tiền đồng.
Các chuyên gia cũng cho rằng khi tâm lý găm giữ USD của các tổ chức, người dân giảm, thị trường sẽ xuất hiện sự chuyển dịch xu hướng từ huy động/cho vay sang mua/bán ngoại tệ.
Theo chinhphu.vn