Thứ Bảy, 05/10/2024 06:23 SA
Chương trình mía đường ở Phú Yên:
Phát huy thành tựu, giải quyết tồn tại để phát triển bền vững
Thứ Sáu, 15/04/2011 14:00 CH

I- THÀNH TỰU:

 

Chương trình mía đường của Chính phủ phát động và chỉ đạo từ năm 1995 với mục tiêu đến năm 2000 đưa sản lượng đường sản xuất trong nước từ 300.000 tấn lên 1 triệu tấn. Qua 15 năm thực hiện, theo báo cáo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, sản lượng đường năm 2010 mới đạt được 904.000 tấn.

 

mia110415.jpg

Nông dân huyện Sơn Hòa thu hoạch mía. - Ảnh: V.NGUYÊN

 

Chủ trương của chính phủ là đúng vì nước ta là nước nông nghiệp, có điều kiện trồng mía tốt, sản xuất 1 triệu tấn đường cho nhu cầu của hơn 80 triệu dân là một kế hoạch khiêm tốn. Hiệp hội Mía đường còn dự báo nhu cầu đường của cả nước đến năm 2020 là 2 triệu tấn. Trải qua 15 năm cả nước phấn đấu gian nan vất vả mà chưa đạt đến con số 1 triệu tấn, có thể coi chương trình 1 triệu tấn đường chưa thành công.

 

Tuy nhiên ở Phú Yên, tổng kết 10 năm thực hiện chương trình mía đường của tỉnh do Ban chỉ đạo tổ chức được đánh giá là thành công.

 

Theo tài liệu báo cáo tổng kết 10 năm của Ban chỉ đạo mía đường Phú Yên thì diện tích vùng nguyên liệu mía từ 14.000 ha (năm 2000) đã tăng lên 20.000 ha (năm 2010). Cũng tương tự thời điểm như vậy, năng suất mía từ 20-25 tấn/ha đã tăng lên 50 tấn/ha. Tổng sản lượng mía ước 1 triệu tấn, sản xuất ra được 100.000 tấn đường (10% chương trình quốc gia).

 

Quy hoạch phát triển ngành sản xuất mía đường của tỉnh Phú Yên được thực hiện một cách hoàn hảo nhất.

 

Quy hoạch xác định xây dựng vùng nguyên liệu mía ở 3 huyện miền núi (Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân), miền tây Tuy Hòa và một số vùng ở Tuy An, diện tích đất quy hoạch trồng mía khoảng 20.000 – 25.000ha. Kết quả thực hiện 20 ngàn ha.

 

Quy hoạch định hướng hình thành 3 cụm công nghiệp mía đường (Tây Hòa, Củng Sơn, La Hai) với quy mô công suất thiết bị từ 6.000 – 7.000 tấn mía/ngày. Kết quả thực hiện: hình thành 3 cụm công nghiệp như quy hoạch với công suất thiết bị 7.250 tấn/ngày và từng bước xây dựng các nhà máy sau đường như: nhà máy chế biến cồn, nhà máy phân vi sinh, nhà máy ván ép, nhà máy phát điện đốt bằng bã mía.

 

Quy hoạch chọn cây mía là cây xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào miền núi, qua thực tiễn sản xuất 10 năm, nông dân vùng mía khẳng định: Cây mía không chỉ là cây xóa đói, giảm nghèo mà là cây làm giàu.

 

Thật vậy, như ở Sơn Hòa, xưa thiếu đói triền miên, nay đã có nhiều nông dân trở thành tỉ phú nhờ trồng mía.

 

Cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư khang trang hơn trước.

 

Báo cáo tổng kết 10 năm của Nhà máy Đường KCP – Sơn Hòa: Trong vòng 10 năm – từ khi Nhà máy Đường KCP di dời từ Huế vào Củng Sơn: 8.000 hộ nông dân trong vùng nguyên liệu của nhà máy đã bán cho nhà máy 4,1 triệu tấn mía, thu được 2.245 tỉ đồng tiền bán mía, tiếp nhận đầu tư 335 tỉ đồng cho vùng nguyên liệu, 17,8 tỉ đồng cho các phúc lợi xã hội nông thôn. KCP còn nộp 167 tỉ đồng tiền thuế. Ở nhiều vùng, nông dân làm ra được 50 triệu đồng trên 1 ha là khó, nhưng người nông dân trồng mía có thể làm ra được 100 triệu đồng.

 

Được tận mắt thấy những khuôn mặt tươi vui, rạng rỡ của nhiều bà con nông dân nhận những phần thưởng như xe Honda, tủ lạnh, TV màn hình phẳng trong buổi lễ khai trương vụ ép năm 2010 – 2011 của Nhà máy Đường KCP càng khẳng định sự thành công của chương trình mía đường Phú Yên.

 

Nghiên cứu khoảng thời gian 15 năm thực hiện chương trình mía đường quốc gia ở Phú Yên, chúng ta thấy cây mía Phú Yên cũng nếm trải đủ bao nỗi nhọc nhằn, cay đắng của cây mía cả nước. Có thể chia quãng thời gian 15 năm làm 2 giai đoạn. giai đoạn (1995-2000) và giai đoạn (2000-2010).

 

Giai đoạn từ 1995-2000 là giai đoạn bi đát nhất của ngành sản xuất mía đường Phú Yên. Phú Yên đã có vùng mía 14.000ha nhưng công nghiệp chế biến mới có Nhà máy Đường Tuy Hòa công suất 1.250 tấn/ngày và Nhà máy Đường Đồng Xuân 100 tấn/ngày cùng với khoảng 3.500 che ép thủ công. Vì vậy, Bộ NN-PTNT cho phép Tổng Công ty mía đường II lập dự án đầu tư xây dựng nhà máy 3.500 tấn/ngày tại Sơn Hòa. Dự án đã hoàn tất đang trình Chính phủ phê duyệt, nhưng trong thời gian này giá đường rớt liên tục, giá mía chỉ còn 60.000 – 70.000 đồng/ tấn (tiền bán mía không đủ trả tiền thuê nhân công chặt). Nhiều hộ huy động nhân lực chặt mía chất thành đống, chờ mãi không ai mua, đành phải đốt.

 

Nước mắt người nông dân rơi trên từng ruộng mía. Dân khóc, cán bộ khóc. Mặc dù nghe “tin dữ”: Chính phủ không phê duyệt cho triển khai dự án Nhà máy Đường Sơn Hòa, nhưng họ không bỏ cây mía mà chỉ giảm diện tích trồng mía. Vì họ khẳng định: đất này không trồng cây gì có thể có lợi hơn trồng cây mía. Họ cắn răng chờ thời với tâm niệm: “Hết cơn bĩ cực, tới hồi thái lai”.

 

Nếu như ở Phú Yên trồng mía không có nhà máy chế biến, thì ngược lại ở Huế, Nhà máy Đường KCP không có mía cho nhà máy hoạt động (3 năm liền nhà máy chỉ chạy được 17% công suất – báo cáo của KCP). Tình cảnh của Công ty KCP lúc này như lời ông tổng giám đốc KCP nói: “10 năm trước, KCP chẳng khác nào anh nông dân trắng tay bởi mấy vụ mất mùa liên tiếp”. Có thể nói giai đoạn này là giai đoạn bám trụ để chờ thời cơ.

 

Giai đoạn 2000-2010 là giai đoạn khẳng định sức sống, đón nhận thời cơ và phát triển của ngành sản xuất mía đường Phú Yên.

 

Thủ tướng Chính phủ cho phép và tạo điều kiện cho KCP di dời nhà máy đường từ Huế vào Sơn Hòa. Sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhà máy đường của KCP di dời từ Huế vào được đặt đúng vị trí dự án xây dựng nhà máy 3.500 tấn/ngày vừa bị đình chỉ. Sau này, sự trùng hợp ngẫu nhiên lại xảy ra một lần nữa. Năm 2010, Công ty KCP mua Nhà máy Đường Quảng Nam đưa về lắp đặt tại Đồng Xuân làm cho quy hoạch mía đường của Phú Yên được thực hiện một cách hoàn hảo. Tình cảnh người nông dân trồng mía Phú Yên và KCP ở Huế lúc ấy như 2 kẻ sắp chết đuối, nhưng nhờ “chiếc phao cứu sinh” của Chính phủ đã giúp họ hồi sinh. Có lẽ, vì thế hơn ai hết họ hiểu giá trị của sự nương tựa, hợp tác cùng tồn tại và phát triển. Nông dân trồng mía không có nhà máy thì họ điêu đứng và nhà máy không có mía thì nhà máy sẽ chết. Vì vậy, mối quan hệ giữa họ vượt lên trên mối quan hệ lợi ích kinh tế thông thường mà còn là mối quan hệ tương sinh gắn bó.

 

Nói về chương trình mía đường Phú Yên, không thể không nói đến KCP. Ngày nay, KCP là doanh nghiệp nước ngoài đáng được coi là một điển hình để nghiên cứu.

 

Bởi lẽ, KCP không chỉ là một điển hình vượt khó vươn lên, từ buổi đầu khó khăn nằm bên bờ vực phá sản, sau 10 năm phấn đấu đã trở thành doanh nghiệp thành đạt, có uy tín trên thương trường, mà còn là doanh nghiệp nước ngoài duy nhất có các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể của quần chúng được thành lập và phát triển. Chi bộ Đảng, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Công đoàn, tổ chức dân quân tự vệ và Ban giám đốc cùng tồn tại, đồng hành công việc, không có một chút gượng ép.

 

Vì sao trong khi hầu hết các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư ở Việt Nam không xây dựng được các tổ chức Đảng và tổ chức quần chúng mà chỉ có ở công ty KCP? Các tổ chức Đảng, đoàn thể quần chúng ở đó hoạt động như thế nào? Phương thức, nội dung, thời gian hoạt động ra sao? Để lý giải những câu hỏi ấy cần đến các chuyên gia của các cơ quan tổ chức Đảng và đoàn thể.

 

Tìm hiểu về hai lĩnh vực được cho là khá phức tạp và nhạy cảm, đó là lĩnh vực quản trị nhân sự và lĩnh vực mua bán nguyên liệu, hay nói rộng hơn là quan hệ giữa nông dân và nhà máy (KCP) thì thấy như sau:

 

Xung quanh việc quản trị nhân sự: Cán bộ, công nhân, lao động, mọi người đều cảm thấy hài lòng về việc làm và tiền lương, những phúc lợi mà họ được hưởng, cũng như mối quan hệ “chủ - thợ”. Không nghe tiếng kêu than hoặc oán trách như “bóc lột sức lao động” hay hà hiếp, ngược đãi công nhân. Mặc dù có những trường hợp tổng giám đốc chấm dứt hợp đồng, sa thải nhân viên, nhưng mọi việc đều giải quyết thỏa đáng, công khai, đúng luật.

 

Về quan hệ: mua, bán mía.

 

Người nông dân bán mía hay than phiền họ bị nhà máy gian lận hạ chữ đường, tỉ lệ phần trăm tạp chất bị trừ cao, rồi nạn “phe” vận chuyển mía, ép giá mía của nông dân thấp. Đó là chuyện thường ngày của mỗi vụ ép, ở hầu hết các nhà máy. Những năm trước đây, ở KCP cũng có tình trạng đó.

 

Để khắc phục những nhược điểm trong khâu thu mua mía nguyên liệu nói trên, KCP không ngừng cải tiến các thủ tục và công tác quản lý, kể cả việc sa thải nhân viên khi phát hiện nhân viên đó thông đồng, móc nối với “phe” mía gây khó dễ cho nông dân bán mía. Nhưng xem ra đó chỉ là những biện pháp chắp vá, chống đỡ chứ không cơ bản. Mới đây, ban lãnh đạo nhà máy áp dụng cơ chế mới mua mía xô tại ruộng. Có thêm cơ chế này rộng đường cho người trồng mía lựa chọn hình thức bán mía, được nông dân hoan nghênh.

 

Muốn làm được điều đó, cán bộ nông vụ của nhà máy bám hộ sản xuất mía, bám ruộng mía rất sát. Thật đáng khen, đáng để chúng ta học tập. Các chuyên gia Ấn Độ, là người nước ngoài không cùng ngôn ngữ, chưa thông thạo phong tục, tập quán của ta, thế mà họ gần gũi với cán bộ cơ sở, gần gũi với người trồng mía, thấu hiểu nỗi trăn trở của người trồng mía hơn cán bộ khuyến nông của ta.

 

Mua mía xô tại ruộng rủi ro rất cao. Nhưng có lẽ các chuyên gia của họ hiểu quá kỹ từng loại giống mía, từng thửa ruộng mía, lịch nông vụ và cả thời tiết từng năm nên họ dự đoán tương đối chính xác sản lượng, chất lượng (chữ đường) để thỏa thuận mua mía xô với nông dân.

 

Suy rộng ra, liên hệ với mô thức phối hợp 4 nhà, vai trò của KCP đảm trách 3 nhà trong một (nhà máy, nhà khoa học, nhà buôn) để giữ mối quan hệ với nhà nông thật tuyệt vời. Đó cũng là cách thức họ quản lý vốn, giống, vật tư phân bón mà nhà máy đã đầu tư cho hộ trồng mía.

 

Rõ ràng 2 vấn đề trên, trước đây các doanh nghiệp Nhà nước bị cơ chế, quy chế ràng buộc, ban lãnh đạo doanh nghiệp không thể nào giải quyết được thì nay cách giải quyết của KCP rất thành công có thể coi là một điển hình. Thật thú vị khi nghe tổng giám đốc công ty này nói: “Phương châm kinh doanh của công ty chúng tôi là đặt lợi ích của bà con nông dân lên hàng đầu”. Còn một đại diện nông dân trồng mía ở Sơn Hòa nói rằng: “Nhờ có KCP dời về Sơn Hòa mà chúng tôi từ một nông dân nghèo nay giàu có. Chúng tôi sống chết với cây mía cùng với KCP”.

 

(Còn nữa)

 

TS NGUYỄN THÀNH QUANG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek