Nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân sống ven quốc lộ 1A, thuộc thôn Cần Lương (xã An Dân, huyện Tuy An) phải sống trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, trong khi đó công trình nước tự chảy do Nhà nước đầu tư nằm “chỏng chơ” không hoạt động. Người dân bức xúc kiến nghị lên HÐND tỉnh, nhưng đến nay vấn đề này vẫn chưa được giải quyết.
Gia đình chị Nguyễn Thị Quang ở thôn Cần Lương bỏ hơn 1,5 triệu đồng tự “thiết kế” đường ống dẫn nước về nhà. - Ảnh: P.NAM
Từ bao đời nay, người dân thôn Cần Lương sống nhờ vào nguồn nước mạch trên núi cao gần chùa Đá Trắng. Cách đây hơn 5 năm, Nhà nước đầu tư công trình nước sinh hoạt tự chảy gồm 2 hồ chứa và hệ thống đường ống dẫn nước về từng hộ gia đình, bà con vô cùng phấn khởi vì không còn phải vất vả gánh từng đôi nước. Thế nhưng, chỉ sau một năm đi vào hoạt động, công trình gần như không còn tác dụng, nằm phơi nắng cho đến nay. Chị Nguyễn Thị Quang, ở thôn Cần Lương rầu rĩ: “Khi nước sạch về tận nhà, bà con mừng lắm, ai ngờ chỉ sau một thời gian ngắn là tắc tị. Hàng ngày tôi phải đi hơn nửa cây số gánh từng thùng nước từ giếng nước ở dốc Vườn Xoài”.
Hiện hàng trăm hộ dân ở thôn Cần Lương đang sống nhờ vào nguồn nước từ giếng chùa Đá Trắng và giếng Vườn Xoài. Mùa nắng hạn, giếng chùa quá tải, giếng Vườn Xoài trơ đáy, mọi người phải tranh nhau từng gàu nước. Ông Nguyễn Ca, người bảo quản hồ chứa số 1, công trình nước tự chảy thôn Cần Lương cho hay: “Hiện tại, nước trong hồ vẫn có nhưng không thể cung cấp đến hộ dân vì đường ống bị hư hỏng gần như hoàn toàn”. Ông Ca cho biết thêm, hồ chứa số 2 nằm trên đất thổ cư của ông Bùi Lựu cũng trong tình trạng “nắng cạn, mưa tràn”, nước không thể về với bà con. Nguyên nhân là do trong quá trình khắc phục sự cố sụt lún quốc lộ 1A, đoạn qua dốc Vườn Xoài, thuộc thôn Cần Lương, đơn vị thi công làm hư hỏng đường ống chính, sau đó đã trả tiền bồi thường cho địa phương, nhưng đến nay vẫn chưa thấy sửa chữa gì.
Theo thống kê, năm 2008, tỉ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh theo kế hoạch là 52%, kết quả đạt được là 56,9%; năm 2009, kế hoạch là 62%, kết quả đạt được là 66,7% và năm 2010 tỉ lệ này lên đến 70%.
Tuy mới bắt đầu mùa khô, nhưng tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở thôn Cần Lương đã lên đến đỉnh điểm. Không còn cách nào khác, người dân phải tự mua đường ống có đường kính 1,2cm dẫn nước từ nguồn nước mạch trên chùa Đá Trắng về nhà sử dụng. Chị Nguyễn Thị Quang cho biết: “Gia đình khó khăn nhưng chúng tôi đành bấm bụng vay hơn 1,5 triệu đồng mua 500m ống dẫn nước về nhà”. Ban đầu vài hộ, rồi đến hàng trăm hộ, đường ống dẫn nước chằng chịt trong vườn nhà, dưới mương thoát nước, trên cành cây, thậm chí cả trên đường dây điện thắp sáng, điện thoại… vắt qua quốc lộ 1A vô cùng nguy hiểm. Thực trạng này đã diễn ra nhiều năm nhưng không thấy các ngành chức năng can thiệp. Người dân địa phương cho hay, “sáng kiến” này cũng chỉ tạm đủ nước dùng trong mùa mưa, vào thời điểm nắng nóng thì gần như khô kiệt, tiết kiệm lắm cũng chỉ đủ uống, còn tắm giặt phải cầm chừng. Ông Nguyễn Ca cho biết: “Năm 2009, có đoàn khảo sát về khoan thăm dò nước sạch ở dưới chân ruộng để bơm lên hồ chứa, bà con mừng lắm, nhưng không hiểu sao cho đến bây giờ vẫn chưa thấy làm gì”.
Khi được hỏi về tình hình nước sinh hoạt tại địa phương trong mùa khô hạn, bà Phạm Thị Thùy Lê, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An, chia sẻ: “Không những chỉ ở thôn Cần Lương, mà các thôn Phú Thọ (xã An Thạch), vùng 2 (xã An Xuân) và hàng trăm hộ ở xã An Thọ… cũng thiếu nước trầm trọng, trong khi đó các công trình cấp nước sinh hoạt bị xuống cấp, hư hỏng nặng, có nơi không còn hoạt động. Địa phương đã nhiều lần kiến nghị đầu tư khắc phục, nhưng đến nay vẫn chưa có gì chuyển biến”.
Các công trình cung cấp nước sinh hoạt tập trung có giá trị hàng tỉ đồng tỉ liên tục được đầu tư xây dựng, sửa chữa, vậy mà “điệp khúc” thiếu nước sinh hoạt, hoặc chất lượng nước không đảm bảo trong mùa khô cứ lặp đi, lặp lại nhiều năm qua. Trong khi đó, theo báo cáo của các ngành chức năng thì tỉ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh lại tăng theo hàng năm, điều này khiến dư luận nghi ngờ: Liệu đây có phải là con số thật (?!).
PHƯƠNG