Thứ Bảy, 05/10/2024 18:09 CH
Mô hình bẫy cây trồng:
Diệt chuột hiệu quả
Thứ Bảy, 09/04/2011 07:30 SA

Lần đầu tiên Trạm Bảo vệ thực vật TP Tuy Hòa thực hiện mô hình bẫy cây trồng trên cây lúa, cho kết quả khả quan trong việc diệt chuột bảo vệ mùa màng.

bay-chuot110409.jpg
Nông dân tham quan mô hình bẫy cây trồng tại HTX Nông nghiệp Hòa Kiến 3 (xã Hòa Kiến, TP Tuy Hòa). - Ảnh: T.HƯƠNG

Nhiều năm nay, tình trạng chuột phá hoại mùa màng diễn ra trên khắp các cánh đồng ở Phú Yên, gây thiệt hại khá lớn cho nông dân và ngành Nông nghiệp. Theo thống kê từ Trạm Bảo vệ thực vật TP Tuy Hòa, trong hai vụ lúa đông xuân và hè thu từ năm 2009-2011, lượng chuột bị nông dân diệt ngày càng nhiều nhưng diện tích lúa bị cắn phá lại không giảm. Năm 2009 có khoảng 39ha lúa bị chuột cắn phá với tỉ lệ hư hại từ 3-20%, đến năm 2010 tăng lên 52ha và tỉ lệ hư hại tăng lên từ 3-60%. Điều này cho thấy, những biện pháp diệt chuột thủ công hay sử dụng thuốc hóa học như lâu nay bà con sử dụng có mang lại hiệu quả nhưng khả năng bảo vệ đồng ruộng lại không cao và nông dân vẫn tiếp tục bị thiệt hại.

Nghiên cứu vị trí và tỉ lệ lúa bị chuột hại từ nhiều năm trước, Trạm Bảo vệ thực vật TP Tuy Hòa chọn khu đồng Cải Tạo rộng 10ha để đặt bẫy và chọn khu đồng Cổng, Gò Máng có tổng diện tích 10ha thuộc xã Hòa Kiến làm khu đồng đối chứng. Khu đồng đặt bẫy và khu đồng đối chứng đều nằm gần quốc lộ 1 và mương tiêu, nơi có nhiều chuột ẩn náu và liên tục cắn phá với tỉ lệ cao ở những mùa vụ trước. Hai khu đồng được gieo sạ cùng thời điểm với cùng giống lúa chủ lực ML68. Trong khu đồng đặt bẫy, trạm đã chọn một thửa ruộng ở vị trí gò cao (tạm gọi là ruộng bẫy), xuống giống sớm hơn các ruộng lúa khác từ 15-20 ngày với loại giống có hương thơm nhẹ và đặt bẫy cây trồng diệt chuột. Bà Nguyễn Thị Lơn, Trưởng trạm Bảo vệ thực vật TP Tuy Hòa, cho biết: “Với đặc điểm khu đồng chưa được xuống giống, chuột thiếu thức ăn, gặp ruộng bẫy có lúa mộng hoặc lúa non là thức ăn mà chuột rất thích nên chúng kiếm chỗ, chui vào các lỗ hom của bẫy, nhờ vậy chúng ta bắt được”.

Theo quan sát của Trạm Bảo vệ thực vật TP Tuy Hòa và chủ ruộng bẫy, ở thời kỳ đầu giai đoạn lúa mạ và đẻ nhánh, trung bình mỗi đêm có 4 con chuột chui vào các bẫy hom. Sang tháng tiếp theo, khi nông dân tiến hành gieo sạ đại trà, số chuột vào bẫy giảm, trung bình 2 con/đêm. Qua 4 tháng thực hiện mô hình, có gần 200 con chuột bị bắt tại ruộng bẫy; ở khu đồng đặt bẫy, cây trồng bị chuột cắn phá muộn hơn, tỉ lệ hư hại thấp hơn 15 lần, diện tích bị cắn phá giảm hơn 7 lần so với khu đồng đối chứng. Ông Lương Hạ, chủ ruộng bẫy, hồ hởi cho biết: “Vì ruộng nằm trên gò cao, dọc quốc lộ nên nhiều vụ trước chuột cắn phá rất dữ, gần như mùa nào cũng hư hại hơn 50%, có vụ gần như mất trắng. Vụ đông xuân năm nay, tôi tiên phong thực hiện thí điểm mô hình bẫy cây trồng trên thửa ruộng của gia đình và nhờ vậy mà ruộng lúa của tôi ít bị chuột cắn phá nữa”.

Không chỉ riêng gia đình ông Lương Hạ mà nhiều nông dân có ruộng trong khu đồng đặt bẫy đều phấn khởi. Bà Nguyễn Thị Thơ vui mừng nói: “Nhờ có bẫy cây trồng mà tụi tui bắt được rất nhiều chuột. Vì vậy, các ruộng xung quanh từ khi bắt đầu gieo sạ cho đến lúc lúa trổ, số diện tích và tỉ lệ bị chuột cắn phá giảm đáng kể”. Ông Võ Kim Quy, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Hòa Kiến 1 cho biết: “Từ lúc Trạm Bảo vệ thực vật TP Tuy Hòa thực hiện mô hình bẫy cây trồng, tôi thường xuyên đến theo dõi mô hình và thấy hiệu quả rất cao. Gần như đêm nào cũng có chuột vào bẫy. Vụ mùa sắp tới tôi sẽ cân đối tài chính của HTX, vận động thêm nguồn hỗ trợ để tiến hành đặt từ 1-2 bẫy cây trồng trên đồng ruộng của HTX”.

Bà Nguyễn Thị Lơn, Trưởng trạm Bảo vệ thực vật TP Tuy Hòa, cho biết: “Biện pháp này có nhiều ưu điểm, đặc biệt là có thể dẫn dụ và tiêu diệt được rất nhiều chuột trước khi xuống giống nên bảo vệ được nhiều diện tích đồng ruộng của nông dân khi bắt đầu gieo sạ đại trà. Tuy nhiên mô hình diệt chuột bằng bẫy cây trồng này vẫn còn một số hạn chế như kinh phí đặt bẫy cao, tốn nhiều công, chỉ áp dụng được ở những nơi có tập quán gieo cấy tập trung và có thời gian trống tương đối dài giữa hai vụ lúa. Đây là biện pháp đòi hỏi tính tập thể cao, rất cần chính quyền địa phương đứng ra vận động, tổ chức và sự hướng dẫn về kỹ thuật của các cơ quan chuyên môn, đặc biệt là sự hợp tác giữa các chủ ruộng trong cùng khu đồng… Bước đầu thực hiện, mô hình cần được sự hỗ trợ tích cực từ ngành chức năng”.

TUYẾT HƯƠNG - HOÀI NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek