Giá xăng tăng cao làm cuộc sống của “cánh” xe ôm thêm phần khó khăn. - Ảnh: X.HUY |
Xăng dầu tăng giá, giới xe ôm, taxi là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi số tiền mà họ kiếm được phụ thuộc vào chi phí xăng xe hằng ngày. Anh Trần Văn Nghĩa, một người chạy xe ôm ở TP Tuy Hòa cho biết: “Để đảm bảo thu nhập, chúng tôi buộc phải tăng giá dịch vụ lên từ 2.000-4.000 đồng/km nhưng chẳng mấy khách đi, đâm ra ế ẩm. Do đó, để giữ mối, giữ nghề, tôi phải chấp nhận “gánh” cho khách phần chi phí phát sinh”.
Để có thu nhập, nhiều người chạy xe ôm phải tìm cách tiết kiệm xăng, chiều lòng khách cũng như hạn chế tối đa thời gian đưa đón khách. Anh Nguyễn Văn Thân, một người chạy xe ôm trước cổng Bến xe liên tỉnh (TP Tuy Hòa) than vãn: “Chạy xe ôm mỗi lúc một khó khăn bởi nhà nào cũng có xe máy, lại phải cạnh tranh với xe buýt, taxi… trong khi giá xăng, dầu tăng liên tục. Trước kia, mỗi ngày đổ 2,5 lít xăng chỉ mất 39.000 đồng, thu nhập sau khi trừ chi phí khoảng 70.000 đồng/ngày. Nay cũng với lượng xăng trên nhưng số tiền bỏ ra lên đến 55.000 đồng, tiền chạy xe kiếm được chỉ còn khoảng 45.000 đồng/ngày”.
Chung cảnh ngộ với giới xe ôm là những tài xế taxi. Với các chủ doanh nghiệp taxi, nếu tăng cước quá cao, lượng khách hàng sẽ giảm, mất thời gian và tốn phí xây dựng biểu giá, lập trình hệ thống, điều chỉnh đồng hồ tính cước, khai báo, in ấn... Trong khi đó, cánh tài xế taxi gần như “lãnh đủ” bởi định mức khoán doanh thu quá cao. Nhiều tài xế phải thương lượng, năn nỉ khách cho thêm tiền. Thay vì chạy lòng vòng tìm khách, họ chỉ đỗ một chỗ và đợi trung tâm báo địa điểm đón khách. Nhưng điều mà giới xe ôm và taxi lo lắng nhất là việc giá cả các mặt hàng khác cũng tăng quá cao, trong khi thu nhập của họ lại giảm nên cuộc sống càng thêm khó bội phần.
HOÀNG XUÂN