Giá cả tăng cao, người tiêu dùng đắn đo nhiều hơn khi đi mua hàng. - Ảnh: N.XUÂN |
Tại chợ Tuy Hòa, mới gần 10g sáng, nhiều sạp hàng thực phẩm tươi sống đã trống, khách mua hàng lác đác vài người. Nhiều người bán chỉ biết ngồi tán gẫu cho hết buổi chợ. Đây là tình trạng chung của nhiều tiểu thương trong thời gian qua, khi giá cả các mặt hàng đua nhau leo thang. Chị Bé, bán rau củ tại chợ Tuy Hòa than thở: “Dạo này chợ ế quá. Chúng tôi không dám nhập nhiều hàng”.
Theo các tiểu thương, sở dĩ giá các loại rau xanh tăng đáng kể là do tiền điện, nước, xăng lên cao, kéo theo chi phí phân bón, điện tưới, vận chuyển tăng cao. Thêm vào đó, một số loại rau đang vào cuối vụ, khan hàng nên cũng đẩy giá lên. Hiện dưa leo 15.000 đồng/kg, khổ qua loại nhỏ 15.000 đồng/kg, măng chua 30.000 đồng/kg, bí đỏ 10.000 đồng/kg…
Bên cạnh đó, thịt heo vẫn là mặt hàng luôn trong tình trạng khan hiếm và khá đắt đỏ. Tiểu thương Trần Thị Đào cho biết: “Giá thịt heo tăng cao quá nên thay vì bán 40-50kg thịt mỗi ngày, tôi chỉ lấy còn 20-30kg. Tốt nhất là bán hết thịt trong buổi sáng để tránh tình trạng ế hàng, phải bán với giá rẻ, lỗ vốn”. Hiện giá thịt heo đạt đỉnh cao nhất từ trước đến nay, thịt đùi 90.000-100.000 đồng/kg, thịt ba rọi 85.000 đồng/kg, sườn non 110.000 đồng/kg…
Thời gian này, trời động liên tục khiến các mặt hàng hải sản cũng tăng giá liên tục. Hiện cá thu nguyên con từ 110.000-120.000 đồng/kg, tôm sú 150.000-160.000 đồng/kg; mực nhỏ 60.000-70.000 đồng/kg; mực lớn150.000-200.000 đồng/kg.
Trước việc giá cả các loại kéo nhau tăng cao, người tiêu dùng cũng chỉ biết bấm bụng chạy theo mức giá “trên trời”. Tuy nhiên, để cân đối chi tiêu, nhiều bà nội trợ đã phải cắt giảm những khoản chi không cần thiết như mua sắm, ăn vặt, kể cả bữa ăn hàng ngày. Chị Kiều Thị Loan, phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa chia sẻ: “Từ khi giá tiêu dùng tăng cao, mọi khoản chi tiêu trong gia đình tôi đều phải suy xét rất kỹ. Nếu thấy cái gì thật cần thiết mới dám chi, chứ với đồng lương hơn 3 triệu đồng/tháng của hai vợ chồng thì thực sự không đủ sống”.
Anh Trần Văn Nhất, ở huyện Phú Hòa bức xúc: “Tôi nghe thông tin Chính phủ liên tục chỉ đạo kiềm chế lạm phát nhưng thực tế nhiều mặt hàng vẫn tăng liên tục. Đầu tháng 4, giá xăng dầu, gas tăng lên đột ngột, thật khó khăn trong hạch toán chi tiêu”.
Sau một thời gian im hơi lặng tiếng, đến nay nhiều mặt hàng thực phẩm tại các siêu thị cũng đã điều chỉnh tăng giá theo từng nhóm sản phẩm. Bà Nguyễn Bích Ly, Giám đốc Siêu thị Co.opMart Tuy Hòa, cho biết: “Hiện nay, một số nhà cung cấp đã yêu cầu điều chỉnh tăng giá từ 5-10% ở mỗi mặt hàng. Tuy nhiên, việc tăng giá sẽ không thực hiện đồng loạt mà chỉ thay đổi dần dần ở từng nhóm hàng, theo phương thức gối đầu. Nhưng để giúp người tiêu dùng vượt qua thời điểm khó khăn này, Co.opMart Tuy Hòa thường xuyên tổ chức một số chương trình giảm giá, khuyến mãi để khách hàng có thể mua hàng với giá rẻ”.
Hiện một số mặt hàng thực phẩm tại siêu thị bán mức giá ngang bằng hoặc thấp hơn một chút so với giá ở các chợ nên đã thu hút một lượng lớn khách hàng về mua sắm. Đây cũng là một biện pháp nhằm hạn chế mức tăng giá bất hợp lý bên ngoài.
XUÂN NGÔ