Trong giai đoạn đầu, quyền sở hữu vàng miếng của tổ chức, cá nhân vẫn được thừa nhận song không cho phép lưu thông trên thị trường tự do
Ảnh minh họa từ internet
Cuối tuần qua, tại hội nghị giao ban Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã báo cáo về tinh thần của Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng mà cơ quan này đang dự thảo. Theo các thông tin ban đầu, lộ trình thực hiện quản lý thị trường vàng dự kiến sẽ được triển khai theo 2 giai đoạn.
NHNN SẼ TRỰC TIẾP NHẬP VÀNG
NHNN cho biết, giai đoạn đầu được thực hiện trong vòng từ 6 tháng đến một năm. Trong khoảng thời gian này, quyền sở hữu vàng miếng của tổ chức, cá nhân vẫn được thừa nhận song không cho phép lưu thông trên thị trường tự do. Giao dịch vàng miếng sẽ được thực hiện một chiều. Nghĩa là, những người sở hữu vàng miếng chỉ được bán cho một số đầu mối thu mua mà không được phép mua lại. Các đầu mối này sẽ do NHNN chỉ định là các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp có kinh nghiệm trong hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng. Các đầu mối này sẽ thực hiện thu mua vàng trong dân và bán lại cho NHNN hoặc cho các doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ làm nguyên liệu sản xuất.
Sang tới giai đoạn sau, tất cả giấy phép sản xuất vàng miếng đã cấp cho doanh nghiệp từ trước tới nay sẽ bị thu lại. Bên cạnh đó, các đầu mối thu mua vàng miếng như đã nói ở trên lúc này chỉ được bán vàng cho NHNN mà không được bán lại cho bất kỳ bên nào khác. Đầu vào của các doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ theo quy định là nguồn vàng thu mua tại chỗ.
Trong trường hợp doanh nghiệp trong nước làm gia công cho các doanh nghiệp nước ngoài sẽ được xem xét cho tạm nhập, tái xuất vàng nguyên liệu như các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, vàng nhập khẩu sẽ do NHNN thực hiện trực tiếp hoặc thông qua các đầu mối chỉ định. Khi đó, các doanh nghiệp gia công trang sức có thể mua lại qua các đầu mối này.
DOANH NGHIỆP NHANH CHÓNG CHUYỂN HƯỚNG
Nếu Nghị định quản lý thị trường vàng "chốt" theo tinh thần trên thì các doanh nghiệp đang sản xuất vàng miếng hiện nay sẽ bị thu hồi giấy phép sản xuất. Hoạt động sản xuất vàng miếng sẽ bị ngưng hoàn toàn, kéo theo dây chuyền và công nghệ sản xuất vàng miếng của các doanh nghiệp hiện nay sẽ phải chuyển hướng hoặc thanh lý.
Cho tới thời điểm này, đã có nhiều doanh nghiệp lên tiếng về việc sẽ chuyển hướng kinh doanh. Đơn vị cung cấp nguồn vàng miếng lớn nhất ra thị trường và gia công vàng cho nhiều đơn vị khác là Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) cho biết đang khẩn trương chuyển hướng mạnh sang sản xuất, chế tác, kinh doanh vàng nữ trang. SJC đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng xưởng gia công nữ trang quy mô lớn đồng thời tìm hướng đầu tư mới.
“Hiện nay, SJC đã sẵn sàng ngừng hoạt động giao dịch vàng miếng khi có yêu cầu của các cơ quan chức năng”, ông Nguyễn Thành Long - TGĐ SJC thông tin. Phó TGĐ công ty Vàng bạc Phú Nhuận (PNJ) bà Nguyễn Thị Cúc cũng cho biết, sẽ tập trung vào thế mạnh của công ty là vàng nữ trang.
Công ty vàng bạc đá quý Ngân hàng Sacombank (SBJ) có hơn 50% tổng doanh thu năm 2010 là từ vàng miếng cũng đã lên kế hoạch chuyển hướng theo phương án, rút dần mảng vàng miếng để tăng cường sản xuất chuyên sâu hơn vào các dòng sản phẩm nữ trang mới. Phương án chuyển sang kinh doanh các mảng khác cũng đang được để ngỏ.
Với đề án trên của NHNN, hầu hết các doanh nghiệp cho rằng ngoài việc quy định đầu mối nhập khẩu vàng, NHNN nên xem xét thành lập Quỹ vàng từ việc nhập vàng trực tiếp hoặc thu mua vàng miếng trong dân. Đề xuất thành lập sàn giao dịch vàng quốc gia tại Hà Nội và TP HCM giống như mô hình sàn chứng khoán hiện nay cũng nhận được nhiều kiến nghị.
Theo TNVN