Nhiều ngày qua, giá thuốc liên tục tăng khiến nhiều người lo lắng, nhất là với những gia đình có người thân bị bệnh hiểm nghèo, bệnh mãn tính.
Giá thuốc liên tục tăng khiến người tiêu dùng lo lắng. - Ảnh: N.XUÂN
Theo một số nhà thuốc bán lẻ ở Phú Yên, từ đầu năm đến nay, khi mới “phong phanh” thông tin một số mặt hàng thiết yếu tăng giá thì một số mặt hàng thuốc “rục rịch” tăng giá trước, trong đó có các sản phẩm sản xuất trong nước. Đại diện nhà thuốc Thành Đạt cho hay: “Tăng mạnh và sớm nhất là các loại thuốc đông dược với mức tăng khoảng 10%, thuốc tân dược tăng từ 5-7%”. Còn bà Trần Thị Kim Nga, hiệu thuốc Hiệp Hưng TP Tuy Hòa cho biết: “Từ đầu năm đến nay, một số nhà sản xuất như Traphaco, Nhất Nhất, Bảo Long, OPC đã tăng giá từ 5-10%/sản phẩm. Thuốc nhiệt miệng PV từ 38.000 đồng/lọ tăng lên 45.000 đồng/lọ; thuốc Tâm Thất (OPC) từ 24.000 đồng lên 42.000 đồng/lọ, hoạt huyết dưỡng não tăng 9.000 đồng/hộp (hộp 5 vỉ), bổ phế Nam Hà tăng 8.000 đồng/lọ, thuốc bắc tăng 5.000-10.000 đồng/thang…”.
Nói về nguyên nhân giá thuốc liên tục tăng, các nhà thuốc lý giải, việc các sản phẩm thuốc tăng giá nằm trong xu thế chung. Đa số các nhà thuốc nhập hàng từ TP Hồ Chí Minh về bán lại, mua giá cao thì bán phải cao.
Trong khi đó, theo ông Phạm Ngọc Chương, Trưởng phòng Quản lý dược, Sở Y tế Phú Yên, đến nay các bệnh viện công vẫn chưa có thông báo về việc điều chỉnh giá thuốc. Hiện giá thuốc tại các bệnh viện vẫn ổn định và không có tình trạng khan thuốc. Ông Chương cho biết thêm, ở nước ta, Nhà nước quản lý thuốc thông qua giá nhập khẩu. Các doanh nghiệp nhập khẩu thuốc sẽ dựa trên giá thuốc nhập khẩu vào, cộng với các chi phí khác như thuế, chi phí vận chuyển, nhân công bán hàng… rồi bán ra với giá hợp lý. Riêng các doanh nghiệp tự sản xuất thuốc thì dựa vào giá nguyên liệu, chi phí sản xuất, nhân công… mà định giá thuốc. Tại thị trường dược phẩm Phú Yên, từ đầu năm đến nay, Công ty TNHH Thái Nakorn Patana – Việt Nam đã đề nghị tăng giá thuốc nhưng hiện vẫn chưa được chấp nhận nên các loại thuốc của công ty này vẫn đang được bán với giá cũ. Riêng Công ty cổ phần PYMEPHARCO đến nay vẫn chưa đề nghị tăng giá. Còn việc các công ty này có bán tăng giá hay không thì chưa thể xác định được.
Trước việc thuốc cứ liên tục tăng giá trong thời gian qua, nhiều người dân “bở hơi tai” chạy theo giá thuốc. Đối với những người ít bị bệnh tật hoặc thỉnh thoảng mới bị cảm sốt thì việc thuốc tăng giá là “chuyện nhỏ”. Tuy nhiên, đối với một số người bị bệnh mãn tính hay bệnh hiểm nghèo thì đây là vấn đề lớn. Chị Kiều Thị Loan, ở xã An Hòa (huyện Tuy An) băn khoăn: “Con gái tôi bị hen suyễn nặng, mỗi tháng phải tốn cả triệu đồng tiền thuốc. Nay giá thuốc lên cao, gia đình tôi khó mà xoay trở nổi”. Bà Phạm Thị Huệ, ở xã Hòa Thành (huyện Đông Hòa) bức xúc: “Vừa rồi hai đứa con tôi bị sốt phát ban. Hôm trước đi mua thuốc cảm cho thằng em, nhà thuốc bán 10.000 đồng/liều, nhưng ngày hôm sau, cũng với loại thuốc đó đã tăng lên 15.000 đồng. Thật không biết giá cả ra sao nữa”.
Theo ông Phạm Ngọc Chương, Thông tư liên tịch số 11/2007 của Bộ Y tế - Bộ Tài chính - Bộ Công Thương quy định: “Cơ sở sản xuất, nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ thuốc có quyền tự định giá thuốc do cơ sở kinh doanh, đồng thời có trách nhiệm thực hiện đầy đủ theo hướng dẫn về kê khai, kê khai lại giá thuốc…” do đó, Sở Y tế không thể can thiệp hoặc có biện pháp xử lý đối với các nhà thuốc bán lẻ. Sở Y tế chỉ có thể kiểm tra, nhắc nhở các nhà thuốc bán lẻ với giá hợp lý theo hóa đơn mua thuốc. Sắp tới, Sở Y tế sẽ tổ chức một đợt thanh tra các cơ sở sản xuất thuốc, các nhà thuốc bán lẻ để kiểm tra tình hình kê khai giá bán, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Nếu có trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.
NGÔ XUÂN