Thứ Sáu, 04/10/2024 10:26 SA
Mừng, lo cây sắn leo đồi
Thứ Bảy, 05/03/2011 07:30 SA

Giá sắn tăng cao trong thời gian gần đây đang khuyến khích nông dân các địa phương mở rộng diện tích trồng sắn. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt lợi trước mắt, nếu không có một chiến lược cũng như giải pháp canh tác bền vững thì việc phát triển cây sắn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất lợi.

 

BIET110305.jpg

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Ý (xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh) cuốc cỏ chăm sóc cây sắn. - Ảnh: L.BIẾT

 

LỢI ÍCH TRƯỚC MẮT

 

Chưa bao giờ người trồng sắn lại vui mừng như hai năm qua bởi giá sắn ở mức rất cao. Từ chỗ sắn tươi chưa đến 1.000đồng/kg trong năm 2009, đến cuối năm 2010 đã lên đến 2.400đồng/kg. Không chỉ cung cấp cho các nhà máy chế biến tinh bột, sắn tươi còn phục vụ đắc lực cho các nhà máy chế biến cồn thực phẩm trong nước và một lượng lớn sắn lát khô xuất khẩu qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Giá sắn tăng cao, người trồng sắn thu lãi lớn. Bình quân 1ha sắn nông dân có thể lãi 12-20 triệu đồng sau khi trừ chi phí đầu tư. Dễ trồng, đầu tư thấp, tiêu thụ dễ dàng là những yếu tố kích thích người nông dân đầu tư phát triển trồng sắn. Ông Nguyễn Văn Ý, nông dân xã Đức Bình Tây (huyện Sông Hinh) giải thích: “Nếu tôi làm 1ha sắn, cộng tất cả chi phí ban đầu khoảng 10 triệu đồng, với giá sắn khoảng 2.000đồng/kg, năng suất vào loại thấp nhất là 15 tấn củ/ha thì tôi đã thu về 30 triệu đồng. Nếu khi nhà máy chế biến tinh bột sắn thu mua không hết, tôi xắt lát phơi khô bán cho tư thương xuất sang Trung Quốc thì vẫn an tâm”.

 

Theo quy hoạch phát triển cây sắn của tỉnh Phú Yên đến năm 2015 chỉ ổn định diện tích sắn trong khoảng 14.000ha. Tuy nhiên, đến thời điểm này diện tích sắn đã tăng lên rất nhanh và dự kiến năm 2011 có thể sẽ lên 18.000ha, thậm chí 20.000ha. Thực tế này đang diễn ra ở tất cả các xã thuộc các huyện miền núi Phú Yên và đang phá vỡ quy hoạch của nhiều loại cây trồng khác. Ông Phạm Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh cho biết: “Việc nông dân đổ xô trồng sắn là có thật, riêng xã Đức Bình Tây người dân cũng mở rộng diện tích sắn lên gấp đôi. Chúng tôi biết vậy, nhưng dân tự phát trồng trên đất Nhà nước giao cho họ, chúng tôi không thể quản lý”.

 

HẬU QUẢ LÂU DÀI

 

Ngay sau khi kết thúc vụ thu hoạch sắn 2010, nông dân đã xuống giống đến đầu tháng 3/2011 gần 11.000ha. Riêng tại huyện Sông Hinh diện tích sắn đã phát triển từ 3.000ha lên đến hơn 5.800ha. Đáng lo hơn, cây sắn leo cả những vạt đồi có độ dốc từ 20-30 độ. Tại một số địa phương đang diễn ra thực tế đáng lo ngại là người dân phá rừng trồng sắn theo kiểu da beo. Tại huyện Sơn Hòa, báo cáo của ngành NN-PTNT cho thấy, trung bình một tuần có từ 10-20 vụ phá rừng làm nương rẫy, trong đó chủ yếu là bà con phá rừng trong khu vực rừng cấm Krông Trai và quanh lòng hồ thủy điện Sông Ba Hạ. Nhiều vụ đã được ngành chức năng đưa ra xét xử nhưng tình trạng này vẫn không giảm.

 

Ông Ma Nhíp, một nông dân xã Ea Bia, đưa ra hình ảnh rất sống động khi được hỏi về sự phát triển của cây sắn trên vạt rừng mà ông khai phá mấy năm trước: “Năm đầu mới phát xong, cây sắn nhà tui cao phủ đầu người, năm tiếp theo nó còn ngang lưng và năm thứ 3 chỉ còn ngang bắp chân mà thôi. Khi nó không lên được thì phải tìm đất khác vì không làm thì lấy gì mà cho vào bụng”. Việc canh tác liên tục cây sắn không bổ sung nguồn dinh dưỡng cho đất, đất trở nên bạc màu và hoang hóa nhanh chóng.

 

Trước tình hình này, nhiều địa phương đang tìm những giải pháp canh tác sắn sao cho hiệu quả nhất, hạn chế làm đất bạc màu. Một giải pháp mà hai xã Đức Bình Tây và Ea Ly (huyện Sông Hinh) đưa ra là trồng luân canh hoặc trồng xen cây sắn với cây họ đậu, nhất là đậu đỏ. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là biện pháp tình thế bởi với tập quán canh tác cũ, bà con không mạnh dạn làm.

 

Về chủ trương trồng cây sắn ở địa phương, ông Trần Thanh Định, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, khẳng định chủ trương nhất quán của huyện là giảm diện tích sắn, tăng diện tích mía và các cây công nghiệp khác như cao su, cà phê.

 

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương, Viện Nghiên cứu nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ, cho rằng: “Tại các tỉnh nghèo miền Trung, cây sắn đã phát triển với tốc độ cực nhanh, có nhiều nơi người dân đã tự ý phá bỏ nhiều loại cây trồng như mía, chè để trồng sắn”. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương khuyến cáo, chỉ sau 3-4 năm trồng sắn liên tiếp, cây sắn sẽ cằn cỗi dần và khó phát triển. Các loại cây khác cũng không thể sống được trên khu vực đất đã trồng sắn lâu năm. Rễ cây sắn ngoài lấy đi các chất hữu cơ trong đất còn thải ra một loại a-xít có hại cho cây trồng, đồng thời làm chai cứng nền đất và hủy diệt các vi sinh vật có lợi cho cây trồng.

 

Hiện tại việc phát triển trồng sắn đang góp phần giúp người dân các địa phương tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo ở Phú Yên. Tuy nhiên phát triển bao nhiêu và giải pháp canh tác ra sao để tránh những hậu quả về lâu dài thì cần có sự kiểm soát chặt chẽ từ phía các địa phương và ngành nông nghiệp. Đặc biệt, phải có giải pháp hiệu quả hạn chế tình trạng phá rừng để trồng sắn như đang diễn ra tại một số xã ở các huyện miền núi Phú Yên trong thời gian qua.

 

LÊ BIẾT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Chấn chỉnh hoạt động xe buýt, taxi
Thứ Sáu, 04/03/2011 14:30 CH
Thi công cầm chừng
Thứ Sáu, 04/03/2011 14:30 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek