Sau khi xăng, dầu tăng giá, vé xe khách, taxi, xe buýt cũng đồng loạt tăng theo. Trong khi hành khách, nhất là những người lao động, học sinh, sinh viên kêu thì các nhà xe cho rằng họ vẫn còn bị lỗ.
Hành khách đi xe tại Bến xe liên tỉnh Phú Yên - Ảnh: M.NGUYỆT |
Nhiều hành khách đi xe tuyến Tuy Hòa – TP Hồ Chí Minh và ngược lại đã không khỏi “choáng” khi giá vé tăng cao. Anh Huỳnh Lê Việt, ở xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa than thở: “Sau tết tôi trở lại TP Hồ Chí Minh làm thợ hồ, tưởng rằng qua rằm vé sẽ hạ ai ngờ xăng dầu tăng giá, vé xe cũng tăng theo. Giờ muốn có một chỗ ngồi phải mất 190.000 đồng (chưa có cơm ăn) còn đi giường nằm tốn 220.000 đồng/người”. Trong khi đó, theo một người bạn anh Việt nhà ở huyện Sơn Hòa thì anh còn phải mất thêm 20.000 đồng so với anh Việt nếu mua vé của các nhà xe có thương hiệu ở Phú Yên để đi từ Sơn Hòa vào TP Hồ Chí Minh. Vì vậy nhóm thợ hồ của anh Việt quyết định ra đón các xe “chợ” từ miền Bắc vào để trở lại chỗ làm. “Đi như vậy vất vả lắm nhưng bọn mình là người lao động không có đủ tiền để mua vé xe giá cao” – anh Việt cho biết.
Người lao động đã vậy, học sinh, sinh viên cũng gặp nhiều khó khăn khi vé xe buýt tăng. Hiện tất cả các tuyến xe buýt của tỉnh đã đồng loạt tăng giá với mức tăng 20% so với trước đây. Em Trần Lê Bảo Nhi, sinh viên Trường Đại học Phú Yên, cho biết: “Trước đây từ nhà ở xã Xuân Lộc, TX Sông Cầu vào trường chỉ tốn 25.000 đồng/lượt, giờ vé đã 30.000 đồng/lượt. Nhiều thứ khác cũng tăng giá ào ạt trong khi ba má ở nhà làm không ra tiền nên để tiết kiệm chi tiêu nay cứ nửa tháng thay vì mỗi tuần một lần em mới về nhà”.
Taxi là loại phương tiện hầu như chỉ dành cho những người có thu nhập khá. Thế nhưng việc cước taxi tăng từ 7.500 đồng lên 8.500 đồng/km đối với đường trường, từ 10.000 đồng lên 12.000 đồng/km đối với 30km đầu... thì nhiều hành khách buộc phải cân nhắc khi gọi taxi. Nhiều hành khách cho rằng việc tăng giá của các loại hình dịch vụ vận tải sau khi xăng dầu tăng giá là tất yếu nhưng tăng với mức như hiện nay thì cần phải xem lại vì nhiên liệu chỉ chiếm một phần trong việc duy trì hoạt động của phương tiện. Không thể có chuyện xăng dầu tăng 20% thì cước vận tải cũng tăng tương ứng.
Giải thích về tăng giá vé, ông Hồ Trư, Chủ Doanh nghiệp tư nhân Vận tải và du lịch Cúc Tư, đơn vị có nhiều xe khách, xe buýt nhất Phú Yên hiện nay cho biết: “Không chỉ có xăng, dầu tăng giá mà tất cả các loại phụ tùng như xăm lốp, mỡ nhờn, lương nhân viên, tài xế, lãi vay ngân hàng đều tăng cao. Ngay cả những thứ nhỏ nhặt nhất như phí đậu đỗ, lệnh xuất bến cũng ở mức mới, nếu không tăng giá vé ở mức như vậy thì doanh nghiệp sẽ bị lỗ nặng”. Ông Trư phân tích thêm: trước đây chi phí của một chuyến xe từ Tuy Hòa đi TP Hồ Chí Minh và ngược lại khoảng 6 triệu đồng thì nay phải 8 triệu đồng. Trên tuyến vận tải hành khách liên tỉnh này, Cúc Tư có đến 21 xe giường nằm và ghế ngồi hoạt động trong khi qua ngày 15 tháng Giêng lượng khách đã ít hẳn, nhiều lúc các xe phải chạy rỗng về (không có khách).
Nếu xăng, dầu cứ ở mức giá như hiện nay thì càng nhiều xe hoạt động càng bị lỗ. Chúng tôi đang tính toán để “nhốt” bớt xe ở nhà, giảm lỗ.
Ông Tô Kỳ Hỷ, Giám đốc điều hành xe khách taxi của Công ty cổ phần Thuận Thảo, cho biết: “Hiện giá của nhiều loại mặt hàng có liên quan đến dịch vụ vận tải nhất là vận tải khách đã tăng từ trước tết dẫn đến việc thu nhập của tài xế, lợi nhuận của doanh nghiệp bị giảm nhưng chúng tôi vẫn cố cầm cự. Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đều muốn giá xăng, dầu ổn định để ổn định giá vé thu hút hành khách nên tăng cước vận tải là việc chẳng đặng đừng. Khi nào xăng dầu hạ giá, doanh nghiệp sẽ hạ giá vé ngay để hành khách không còn khó khăn khi đi lại”.
HOÀI TRUNG