Nhận thức về tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) đến môi trường sống cần được thể hiện xuyên suốt trong quá trình lập và quản lý quy hoạch xây dựng, đặc biệt là phải đánh giá tác động trên cơ sở tổng hòa của các yếu tố tác động.
Quy hoạch xây dựng hợp lý, người dân sẽ ít phải chịu tác động của thiên nhiên hơn (ảnh chụp tại ngã tư Hùng Vương - Trần Hưng Đạo, TP Tuy Hòa). - Ảnh: A.BANG
BĐKH với các biểu hiện chính là sự nóng lên toàn cầu, mực nước biển dâng kèm theo những thay đổi bất thường của thời tiết, làm ảnh hưởng đến cuộc sống con người ở mọi nơi, nhất là đối với các vùng ven biển, lưu vực sông, các vùng có độ dốc lớn. Khái niệm BĐKH hiện không còn là dự báo mà dần trở thành hiện thực với những tác động bất thường của các hiện tượng thiên nhiên như lũ lụt, hạn hán, triều cường, xâm thực mặn… diễn ra với tần suất và cường độ ngày càng mạnh, vượt mức trung bình của những số liệu thống kê trong mấy chục năm qua.
Công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch xây dựng có ý nghĩa quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của một địa phương vì đó là cơ sở để xác định mục tiêu đầu tư, khả năng cải thiện điều kiện sống và các giải pháp huy động nguồn lực cho phát triển bền vững. Đặc thù của sản phẩm quy hoạch là phục vụ cho tương lai và mang tính chất dự báo, định hướng. Do đó, khả năng tiếp cận, phân tích và xử lý các số liệu đầu vào để đưa ra phương án đáp ứng các mục tiêu định trước chính là yêu cầu cốt lõi của một quy hoạch mang tính khả thi cao.
Việc tiếp cận và xử lý số liệu trong lập quy hoạch theo cách làm lâu nay là đánh giá qua các dữ liệu thống kê trong nhiều năm để đưa ra chỉ số trung bình làm cơ sở xây dựng định hướng phát triển đã xuất hiện nhiều bất cập và không còn phù hợp, nhất là dự báo về hạ tầng kỹ thuật, vệ sinh môi trường, kiến trúc cảnh quan vì dưới tác động của BĐKH thì những số liệu thống kê trong nhiều năm qua ít nhiều mất đi ý nghĩa. Chẳng hạn, việc xác định cốt san nền và kết cấu hạ tầng kỹ thuật dựa vào các chỉ số như: tần suất lũ, chế độ mưa, chênh lệch mực nước, diện tích lưu vực… theo số liệu thống kê nhiều năm qua sẽ kém chính xác vì dưới tác động của BĐKH, nạn phá rừng, khai thác cát lòng sông, việc đầu tư các đập thủy điện… đã làm cho các hiện tượng thời tiết biến đổi vượt ra ngoài khả năng dự báo của các nhà chuyên môn.
Để các đồ án quy hoạch mang tính thích ứng cao với BĐKH thì việc đánh giá sự tác động của các yếu tố như: nhiệt độ, chế độ mưa, mực nước biển dâng cao, độ che phủ rừng, biến động dòng chảy và các tác nhân tự nhiên khác lên vị trí quy hoạch cần được xem xét ở cả hai dạng đơn biến và đa biến. Việc áp dụng các kịch bản về nhiệt độ, chế độ mưa và mực nước biển dâng cao do Bộ Tài nguyên - Môi trường xây dựng cả ở mức trung bình và mức cao trong định hướng quy hoạch xây dựng là cần thiết. Tuy nhiên, nếu xét riêng rẽ sự tác động của mỗi tác nhân sẽ có kết quả thiếu tin cậy vì trên thực tế các tác nhân này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Ví dụ: để tính toán khả năng thoát lũ hay xác định các khu vực có nguy cơ sạt lở, xâm thực cần xét đến sự tác động của các tác nhân sau đây: mực nước biển, dòng chảy ở hạ lưu, độ che phủ rừng, chế độ mưa, việc xây dựng các hồ chứa nước, đập thủy điện và tình trạng khai thác cát ở lòng sông. Nếu xét riêng rẽ sự tác động của từng tác nhân sẽ cho kết quả khác nhau và đôi khi không thực tế. Một kết quả đáng tin cậy hơn nếu như ta xét tác động đa chiều của tất cả các tác nhân trên theo những kịch bản riêng mà mỗi tác nhân lần lượt đóng vai trò là trọng số.
Việc tính toán bài toán với nhiều biến số đầu vào đòi hỏi khả năng chuyên môn và tốn nhiều công sức của những người làm công tác quy hoạch. Một yếu tố quan trọng nữa là độ tin cậy của những số liệu thống kê để làm cơ sở xây dựng kịch bản, nhất là các số liệu có tính linh động cao như độ che phủ rừng, độ dốc lưu vực, lưu lượng dòng chảy...
Thạc sĩ HUỲNH LỮ TÂN
(Sở Xây dựng Phú Yên)