Chủ Nhật, 06/10/2024 03:07 SA
Quản lý rầy nâu bằng “Công nghệ sinh thái”
Thứ Hai, 14/02/2011 14:00 CH

Hiện nay, ruộng lúa Phú Yên đang đối mặt với rầy nâu và rầy lưng trắng - hai đối tượng phát tán virút gây bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và lùn sọc đen. Để hạn chế tác hại của rầy, Cục Bảo vệ thực vật triển khai chương trình “Công nghệ sinh thái” dựa trên kết quả của IPM (chương trình quản lý dịch hại tổng hợp), là biện pháp quản lý rầy tốt nhất hiện nay. Báo Phú Yên làm việc với ông Đặng Văn Mạnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên, đã trình bày về nội dung này.

 

Ray110214.jpg

Cán bộ Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Yên kiểm tra, phát hiện rầy tại một cánh đồng ở xã An Ninh Tây (huyện Tuy An). - Ảnh: H.NAM

 

* Giải pháp mới trong quản lý dịch hại theo “Công nghệ sinh thái” là gì, thưa ông?

 

- Năm 1989, nhà sinh thái học người Mỹ Dr Odum đã xác định công nghệ sinh thái như là “sự kết cấu của xã hội loài người với môi trường tự nhiên của nó vì sự lợi của cả đôi bên”. Đó chính là sự thiết kế lại hệ thống ruộng lúa sao cho kết cấu giữa thực vật và động vật hài hòa, phong phú, từ đó tạo được chuỗi thức ăn và mạng lưới thức ăn trong sự biến động nhưng cân bằng. Các hoạt động này còn được gọi là “dịch vụ sinh thái”. Từ chuỗi dịch vụ sinh thái này, các thiên địch sẽ tấn công các loài sâu hại và giữ mật số của dịch hại ở mức thấp nhất, không gây ra sự mất mát năng suất và con người không cần phải sử dụng thuốc trừ sâu.

 

Ngày nay, nếu con người có thể áp dụng thành công “công nghệ di truyền” để điều khiển bộ gen của cây trồng nhằm tạo ra các giống cây mới có đặc tính mong muốn, thì tương tự, cũng có thể áp dụng công nghệ sinh thái để kiến thiết đồng ruộng theo nhu cầu của hệ sinh thái. Chúng ta sử dụng quan điểm “dịch vụ sinh thái” để bổ sung cái còn thiếu trong hệ sinh thái, tạo sự cân bằng bền vững trong hệ sinh thái.

 

Trên cơ sở đó, các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế IRRI đã đưa ra các mô hình quản lý dịch hại nông nghiệp nói chung và dịch hại lúa nói riêng. Nội dung chính của mô hình công nghệ sinh thái là việc trồng các loại cây có hoa trên các bờ ruộng. Cây hoa này có phấn và mật sẽ thu hút các loài thiên địch đến cư trú, sinh sản. Ở giai đoạn trưởng thành, chúng cần ăn thêm mật và phấn hoa để bổ sung năng lượng cho sự sinh sản. Sự hiện diện của thiên địch sẽ giúp khống chế sự tấn công của sâu hại. Trồng và chăm sóc các loài cây nhỏ có nhiều hoa và hoa phát triển quanh năm sẽ thu hút nhiều côn trùng có ích.  

 

* Ông có thể cho biết lợi ích khi áp dụng mô hình “Công nghệ sinh thái”?

 

- Biện pháp này thu hút ong mật và ong ký sinh đến bảo vệ ruộng lúa. Các loài ong ký sinh có xu tính ăn thêm mật hoa nên chúng bị thu hút đến các mô hình công nghệ sinh thái. Ngoài ra, nhện, kiến ba khoang… cũng phát triển mạnh trong hệ sinh thái cân bằng và chúng được sử dụng như một đội quân bảo vệ lúa, trực tiếp tấn công các loài sâu hại, tạo sự đa dạng sinh học, bảo vệ sự cân bằng hệ sinh thái. Không cần phải phun thuốc cho cánh đồng có hoa trồng dọc theo bờ ruộng vì ong ký sinh thường xuyên bay từ ruộng vào bờ tìm mật hoa để ăn, sau đó bay trở lại ruộng tìm sâu hại để đẻ trứng (ký sinh theo bản năng). Đặc biệt, trứng rầy nâu sẽ bị ong ký sinh hơn 80% ở những ruộng sử dụng “công nghệ sinh thái”, theo kết quả của Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam thực hiện tại Tiền Giang vụ đông xuân 2009-2010.

 

Ngoài tiết kiệm chi phí sử dụng thuốc trừ sâu, một nguồn lợi được tăng lên từ việc trồng cây mè, cây đậu bắp hoặc cây ngắn ngày khác cho nhiều hoa. Đặc biệt, mô hình này rất thích hợp đối với những vùng lúa gần khu vực nuôi trồng thủy sản hay khu ruộng nuôi trồng kết hợp lúa - cá, lúa - tôm. Không những thế, mô hình còn góp phần tạo cảnh quan nông thôn.

 

Khi thực hiện mô hình, cần chú ý chọn loại hoa dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, ra hoa quanh năm và nhiều hoa, có nhiều màu sắc sặc sỡ. Một số loại cỏ có hoa được chọn để triển khai trong việc nhân rộng mô hình là: sài đất (wedilia chinensis), xuyến chi (bidens pilosa), cúc gót (colobogyne sp.) và cỏ cứt lợn (agelatum conyzoides). Chúng có nhiều hoa với mật, phấn hoa và hương thơm thu hút nhiều côn trùng thiên địch, lại dễ trồng, ít chăm sóc, không che rợp lúa và ra hoa quanh năm.

 

Ngoài ra, tùy điều kiện cụ thể ở địa phương, bà con nông dân có thể trồng một số loại cây có giá trị kinh tế như cây mè, cây đậu xanh, đậu bắp.

 

* Phú Yên đã ứng dụng mô hình “Công nghệ sinh thái” như thế nào?    

  

- Từ năm 1992, khi chương trình Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bắt đầu được triển khai tại Phú Yên, nông dân đã hiểu về sự cân bằng các yếu tố trong hệ sinh thái và thiên địch là yếu tố quan trọng để tiêu diệt sâu hại nhằm tạo ra sự cân bằng đó. Chương trình IPM đã làm thay đổi tập quán canh tác của nông dân trong toàn tỉnh, tạo nên một biện pháp canh tác mới với sự hạn chế tối đa hóa chất bảo vệ thực vật. Trên cơ sở kết quả của IPM, chúng ta có thể triển khai các mô hình “Công nghệ sinh thái” bằng cách trồng các loại cây có hoa trên bờ ruộng để chủ động thu hút thiên địch đến cư trú và phát triển.

 

Hiện nay, ruộng lúa Phú Yên đang đối mặt với sự gây hại của rầy nâu và rầy lưng trắng, đồng nghĩa với việc đồng ruộng có nguy cơ cao nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và lùn sọc đen. Để hạn chế tác hại của chúng, việc quản lý rầy là cần thiết và mô hình “Công nghệ sinh thái” là biện pháp quản lý rầy tốt nhất hiện nay.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

MẠNH HOÀI NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek