Chủ Nhật, 06/10/2024 13:29 CH
Góp thêm hương sắc cho đời thêm xuân
Thứ Ba, 08/02/2011 19:07 CH

Cuộc sống dẫu tất bật, vất vả đến đâu, khi xuân về, mọi người đều lắng lòng lại để cảm nhận nhịp bước khẽ khàng của thời gian, những thay đổi đầy biến ảo của đất trời. Và đặc biệt hơn, khi mùa xuân về, ta càng không quên những người dân chân đất lặng lẽ góp nhặt hương sắc cuộc đời, tô thắm mùa xuân... 

 

gth110129.jpg

Người dân phường 6 (TP Tuy Hòa) thu hoạch rau vụ tết - Ảnh: X.H

 

NHỮNG LÀNG NGHỀ VÀO TẾT

 

Những ngày cuối năm, không khí khẩn trương, hối hả đang hiện hữu tại các hộ làm bánh mứt truyền thống ở phường 1 (TP Tuy Hòa). Phảng phất trong gió xuân dịu dàng là hương thơm đầy quyến rũ của gừng, của bí, của dừa.... tạo cảm giác đến ngất ngây. Tại đây, hàng chục con người đang say sưa làm mứt gừng người cầm dao hì hục cạo lớp vỏ mỏng bên ngoài và thả gừng vào chậu nước, người thì rửa sạch gừng và để ráo, người thì lo chụm lửa nồi nước sôi, chuẩn bị luộc gừng. Cách đó khoảng vài mét, một tốp thợ khác cũng đang hăng say làm mứt bí đao, mứt dừa… Họ như những người nghệ sĩ tài hoa với đôi bàn tay khéo léo cứ đung đưa thoăn thoắt, nhịp nhàng, không một động tác thừa và chính xác đến kinh ngạc. Làm xong lô bánh, mứt đầu tiên, họ lại tiếp tục bắt tay vào làm tiếp, không một phút ngơi tay. Theo chị Nguyễn Thị Thơ, một người thợ làm bánh ở phường 1 (TP Tuy Hòa): “Những ngày này, đơn đặt hàng đến nhiều, người dân trong xóm đang khẩn trương, tranh thủ thời gian hoàn thành công việc để còn yên tâm ăn tết”. Được biết, hoạt động làm mứt thường chỉ tập trung trong khoảng thời gian vài ba tháng trước Tết Nguyên Đán. Vào thời điểm này, mỗi ngày có đến vài ba tấn mứt được gói bọc kỹ lưỡng, bắt mắt xuất xưởng, được các thương lái vận chuyển đến các chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ.

 

Cũng thời gian này, tại làng Phong Hậu (xã An Định, huyện Tuy An), khi đồng hồ chưa điểm đủ 2 tiếng, một số hộ đã lục tục trở dậy thắp đèn, đốt lửa lò làm cốm. Hàng chục chiếc chảo rang chứa đầy cát bên trong bắc trên lò lửa đỏ rực. Thóc tươi được đổ vào, những người thợ cầm sào rà qua rà lại trên bề mặt tạo ra những âm thanh rào rào nghe thật êm tai. Đến khi hấp thu đủ nhiệt độ, các hạt gạo bắt đầu nổ lụp bụp, bung ra khỏi vỏ, tung bay trắng xóa như “những cánh hoa rơi”. Sau khi trải qua công đoạn thắng đường, cho hương vị, trộn đều, cốm được đưa lên bàn ép và cắt thành những gói vuông đem đi tiêu thụ.

 

Trong khi đó, tại các làng nghề bánh tráng ở các thôn Đông Bình (xã Hòa An, huyện Phú Hòa),  Hòa Đa (xã An Mỹ, huyện Tuy An), Mỹ Lệ (xã Hòa Bình 2, huyện Tây Hòa) và Bình Thạnh (xã Xuân Bình, TX Sông Cầu), ngay từ đầu tháng chạp, các lò bánh đều tăng cường nhân lực làm việc suốt ngày đêm. Bên trong là những chiếc bếp đỏ rực lửa, những chiếc cối xay bột quay liên hồi phát ra âm thanh ù ù nghe thật sướng tai, bên ngoài, những phên bánh tráng phơi tràn từ nhà ra ngõ. Chị Võ Thị Nhị, một người làm bánh tráng ở thôn Bình Thạnh (xã Xuân Bình, TX Sông Cầu) hào hứng: “Tuy giá gạo và chi phí sản xuất tăng, nhưng khi có mẻ bánh mới ra lò, thương lái đều đến lấy hàng với giá khá cao. Trung bình mỗi hộ kiếm được khoảng 65.000 đồng/ngày nên mọi người đều rất phấn khởi vì có thêm đồng ra, đồng vào tiêu tết”. So với năm ngoái, năm nay giá bánh tráng tăng từ 1.500-2.500 đồng/ràng. Hiện thị trường bánh tráng rất đa dạng với nhiều loại như bánh trơn, bánh mè đen, mè trắng, bánh tráng dừa, bánh tiêu, tép... với giá dao động từ 6.000-15.000 đồng/ràng.

 

Trong khi đó, tại những làng hoa kiểng lâu đời nức tiếng ở TP Tuy Hòa như: thôn Ngọc Phước (xã Bình Ngọc), khu phố Phước Hậu (phường 9), khu phố Liên Trì 2 (phường 9), không khí năm nay kém xuân hơn do hoa kiểng thất thu bởi những đợt lũ liên tiếp và mưa dầm lê thê. Hàng trăm luống hoa, hàng chục nghìn cây giống lay ơn, hoa huệ bị thối củ giờ chỉ còn lại dăm ba chục luống. Thậm chí cả những hoa cúc, hoa mai trồng trong chậu kiểng cũng chịu cảnh tương tự. Mặc dù vậy, hầu hết các hộ trồng hoa đều có chung tâm trạng lạc quan, hướng về năm mới. Anh Nguyễn Thế Phượng (thôn Ngọc Phước, xã Bình Ngọc) cho biết: Năm nay do tổn thất của các hộ trồng cây kiểng tết không dưới 50% nên thu nhập của bà con mình giảm sút đáng kể. Tuy nhiên, chúng tôi không để cho nỗi buồn đeo đẳng mà sẽ gắng gượng gây dựng trở lại và tin tưởng vụ sau sẽ tốt đẹp hơn. Hiện mọi người đang chuyển sang trồng hoa màu ngắn ngày và chờ ra Giêng sẽ gây dựng lại làng hoa truyền thống của mình”.

 

gp110129.jpg

Nông dân xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa) thu hoạch hoa lay ơn chuẩn bị bán tết - Ảnh: H.NAM

 

VÌ  MỘT MÙA XUÂN AN LÀNH 

 

Với người dân làm nghề, ngoài việc làm sản phẩm bán tết, đây còn là cơ hội để làng nghề phát triển, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Mặt khác, đây còn là phương thức gìn giữ nét văn hóa truyền thống của làng quê trong những dịp xuân về, tết đến. Với nghề làm bánh tráng, để sản phẩm tạo ấn tượng với người tiêu dùng, ngoài đa dạng sản phẩm, giá cả phải chăng, người làm còn chú ý đảm bảo chất lượng của bánh bằng cách đầu tư lò sấy, vỉ phơi, máy cắt bánh… trị giá cả trăm triệu đồng. Từ chỗ phải bán lẻ, bán ký gửi tại các chợ phiên, chợ huyện trong tỉnh, thời gian gần đây, sản phẩm bánh tráng Phú Yên đã có mặt tại các siêu thị, chợ trung tâm các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ.

 

Tại làng cốm Phong Hậu, mỗi hộ có thể làm từ 2 - 3 thùng cốm /ngày. Mỗi thùng có 320 miếng với giá bán 330.000 – 350.000 đồng/thùng. Trừ chi phí, mỗi hộ thu nhập 60.000 đến 70.000 đồng/ngày. Đó là ngày thường, vào ngày giáp tết, giá cốm cũng tăng cao hơn từ 10 - 15%. Nghề làm cốm chỉ làm theo vụ, do không tìm được nguồn đầu ra ổn định nên phần lớn bà con chỉ làm theo đơn đặt hàng của thương lái. Do đó, để làng nghề phát triển ổn định, cuộc sống người dân được đảm bảo, người thợ làm bánh chỉ mong các cấp chính quyền, các tổ chức có cơ chế chính sách hỗ trợ vốn ưu đãi để nâng cao chất lượng sản phẩm, tiến tới xây dựng thương hiệu làng nghề, tìm thị trường tiêu thụ ... Cũng như những nghề khác, nghề làm cốm, tráng bánh, làm bánh mứt muốn giữ chữ tín lâu dài, phải đặc biệt chú trọng đến khâu vệ sinh an toàn thực phẩm. Bắt đầu vào vụ, các hộ sản xuất luân phiên được UBND xã, phường, thị trấn, các sở ngành như: Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Liên minh HTX tỉnh tổ chức tập huấn, tuyên truyền công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong khi làm nghề. Vào những ngày cao điểm, đoàn kiểm tra liên ngành các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm thường xuyên tại các cơ sở sản xuất nên vấn đề vệ sinh cơ bản không còn là nỗi lo lớn của người tiêu dùng.

 

Trong khi đó, tại làng hoa kiểng, người trồng hoa cũng bắt đầu lần tìm giống mới, trồng thử nghiệm một số giống cây cảnh đẹp, giá trị cao nhằm nâng tầm hoa tết. Ông Huỳnh Tấn Hoàng (ở khu phố Liên Trì 2, phường 9, TP Tuy Hòa) cho biết: “Mấy năm rồi, tôi trồng hoa và cây kiểng đều cho thu gấp đôi làm lúa. Tôi cũng biết yêu cầu đặt ra là phải đa dạng các loại hoa nên mấy ngày qua, tôi đã mày mò trên mạng, nghe ngóng thông tin để tìm giống mới, trồng thử nghiệm… với hy vọng sẽ cho ra đời nhiều giống cây mới, chất lượng cao”. Ông Trần Văn Thu, Chủ tịch Hội Làm vườn Phú Yên cho biết: “Dân làm hoa miền Trung thường yếu về vốn, công nghệ và thông tin thị trường, lại mạnh ai nấy làm, ít liên kết, chia sẻ, hỗ trợ cho nhau. Do đó, muốn nghề này phát triển ổn định, cấp thiết phải đầu tư nhà kính, nhà giàn kiên cố để “che mưa, chắn bão” cho hoa, nâng cao công nghệ nhằm thâm canh hoa, cây cảnh. Trong bối cảnh vùng vùng trồng hoa, nhà nhà trồng hoa tết, để tránh “ứ đọng thị trường”, việc đa dạng chủng loại hoa, cây cảnh là điều hết sức cần thiết. Do đó, các trung tâm cung ứng giống ở mỗi địa phương phải chú trọng việc này, để ba bên cùng có lợi”.

 

Đất trời vào xuân, sắc xuân đang lan tỏa trên khắp các thôn xóm, phố phường. Dẫu biết rằng cuộc sống của nhiều người còn khó khăn, nhưng mỗi độ tết đến, xuân về, những sản phẩm bánh mứt, bánh tráng, cây cảnh vẫn mãi là những món quà đầy ý nghĩa mà những người dân  một nắng hai sương lặng lẽ góp hương sắc dâng tặng cho đời...

 

XUÂN HUY 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Giữ được chim, thành triệu phú
Thứ Hai, 07/02/2011 07:09 SA
Sò huyết hồi sinh
Chủ Nhật, 06/02/2011 15:09 CH
Tín hiệu vui từ “bước chạy đà”
Thứ Năm, 03/02/2011 07:00 SA
Phú Hội rộn ràng mùa chuối tết
Thứ Bảy, 29/01/2011 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek