Chủ Nhật, 06/10/2024 17:28 CH
Đưa chợ tết lên vùng cao
Thứ Bảy, 29/01/2011 08:00 SA

Mờ sáng họ ghé vào chợ mua miếng bí ngô, rau quả... rồi bắt đầu cuộc hành trình chinh phục độ cao 700m so với mặt nước biển. Khi trút hết gánh “chợ di động”, những chiếc xe gắn máy thồ chuối, mít rời độ cao lao dốc trở lại vùng biển bỏ mối kiếm lời.

 

tet-110128.jpg

Sau khi trút hết “chợ di động”, “cõng” chuối, mít về. - Ảnh: H.NAM

 

Những ngày áp tết, ngoài các mặt hàng thông thường bán hằng ngày trong 2 cái giỏ cần xé có thêm rim mứt, bánh thuẫn, hạt dưa… Năm nào cũng vậy, những ngày cuối năm họ mang hương tết lên vùng cao còn nhiều khó khăn này.

 

“CHỢ” TẾT TRONG GIỎ CẦN XÉ

 

Phó Chủ tịch UBND xã An Mỹ Biện Hông Kông:

Nhiều người dân ở thôn Hòa Đa làm nghề mua bán dạo ở vùng cao nguyên Vân Hòa đã có truyền thống, có người mua bán chuyên nghiệp quanh năm, có người mua bán theo vụ mùa, trong đó có gia đình “sang gánh” nối tiếp nhau nhiều thế hệ.

Những người phụ nữ làm nghề “cõng” chợ tết này đến từ nhiều nơi nhưng nhiều hơn cả là người dân ở thôn Hòa Đa, xã An Mỹ (huyện Tuy An). Hai cái giỏ cần xé đèo sau baga xe gắn máy trải qua cuộc hành trình vượt qua gần 50km đèo, dốc. Ban đầu trườn lên dốc Súc, đèo Đất Cày thuộc xã An Thọ (Tuy An) rồi tiếp tục ghì số 1 ôm cua cánh chỏ vượt lên dốc Bà Ngồi đến vùng đất 3 xã: Sơn Long, Sơn Định, Sơn Xuân (vùng cao nguyên Vân Hòa, huyện Sơn Hòa). Chị Nguyễn Thị Loan (52 tuổi) quê ở Hòa Đa làm nghề bán dạo ở đây, nói: “Mua bì mứt gừng 20.000 đồng lên đây bán lời 1.000 đồng, còn mớ cá nục ở dưới biển 8.000 đồng lên đây bán 8.500 đồng… nhưng phải đủ món bán lấy lòng bạn hàng. Sau đó tôi mua mít, chuối chở về kiếm lời”. Trong giỏ cần xé của chị Loan hôm nay có thêm chục chén ăn cơm, mấy bình hoa nhựa. Chị cho biết: đây không phải mặt hàng mua bán thường xuyên mà vì người quen trên này dặn mua. Mặt hàng này nhẹ nhưng kềnh càng, ít có người hỏi nên “chợ di động” ít ai bán.

 

Gần tết “chợ di động” tấp nập, một ngày có vài chục người lên đây mua bán dạo nên mặt hàng đa dạng, từ cái nhỏ nhất như gói bột ngọt, chén bát đến cái lớn hơn  như xoong nồi đều có. Hàng hóa “chợ di động” thay đổi từng ngày tùy theo nhu cầu của khách hàng. Chị Lê Thị Diện, ở phường 2 (TP Tuy Hòa) cùng nghề với chị Loan giãi bày: “Nói là bán nhưng thật ra là trao đổi các mặt hàng lấy chuối, mít. Người bán tấp nập cạnh tranh nên không có chuyện ép giá. Trước đây có thể bán bánh kẹo “sản xuất” ở quê nhưng nay mặt hàng này phải có tem nhãn, hạn sử dụng bán mới chạy”. Hai cái giỏ cần xé của chị Diện một bên rau quả, bánh mứt, một bên cá thịt sắp xếp lớp lang tránh dập nát. Một ngày lên xuống con đường này mua đi, bán lại trừ chi phí xong kiếm ngày công lao động từ 50.000 đến 100.000 đồng.

 

NHỘN NHỊP TRƯỚC SÂN NHÀ

 

Năm nay không khí “chợ di động” tấp nập hơn sức mua tăng vì chuối mít được mùa chẳng bì với năm ngoái do ảnh hưởng đợt mưa bão đầu tháng 11/2009 chuối, mít ngã hàng loạt nên gần tết “chợ di động” đìu hiu.

 

Nếu như ngày thường người dân ở đây muốn mua chuối, mít phải bỏ công ra tận rẫy cách 2-3 cây số gánh về, còn những ngày giáp tết, họ có mặt ở nhà chờ mua hàng tết nên trước đó chuối mít gánh về nhà chờ bán. “Chợ di động” bày bán trước sân nhà đa dạng các mặt hàng.

 

Vất vả nhất là lúc thồ chuối mít về, chở 50kg xổ đèo là “chuyện thường ngày”. Còn hôm “mua may, bán đắt” thồ sau baga gần 1 tạ… cũng ráng lao dốc. Sợ nhất là khi lao dốc Bà Ngồi. Nhiều người ở đây cho biết cái tên Bà Ngồi cũng do phụ nữ “cõng” chợ đặt. Đoạn dốc này quanh co gấp khúc giống như người phụ nữ ngồi bệt nên đặt dốc Bà Ngồi, riết cái tên đó “ăn sâu” vào lòng người dân địa phương. Thồ hàng lên xuống dốc Bà Ngồi gặp lúc trời mưa, đường trơn bị té ngã nhờ hai giỏ sau baga chống đỡ.

 

Chị Nhung, cũng ở thôn Hòa Đa, nhiều lần gặp “sự cố” ở dốc Bà Ngồi kể, chồng chị làm nghề biển, còn chị theo sát nghề này gần 5 năm, gian khổ nhưng chị không bỏ nghề vì tình cảm bà con dành cho chị đã ăn sâu vào máu thịt. Năm ngoái chuối, mít khan hiếm biết trên này đang túng thiếu, cuối năm chị cũng phải chở chuyến chợ lên trang trải cho bà con, khi về không có hàng thồ chị Nhung ghé dọc đường quơ thêm bó củi khô chở về dùng đỡ tốn tiền gas. “Bà con nơi đây tình cảm lắm, họ thật thà lắm, lần đầu tôi đến đây bà con xem tôi là người thân của họ, được họ mời chào, tiếp đón”.- Chị chia sẻ. Trước đó, mẹ chị cũng làm nghề “đèo giỏ cần xé” trên 10 năm, tình cảm gắn chặt bà con vùng này, sau đó già yếu “sang gánh” lại cho chị.

 

Năm nào cũng vậy, những ngày cuối năm những người “cõng” chợ lên vùng cao họ mang theo cả hơi ấm tình người. 

 

MẠNH HOÀI NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek