Thứ Hai, 07/10/2024 07:28 SA
Thủy sản ở đầm Ô Loan:
Đề xuất giải pháp khai thác bền vững
Thứ Năm, 27/01/2011 11:00 SA

Môi trường của thắng cảnh cấp quốc gia đầm Ô Loan (huyện Tuy An) đang bị suy thoái do việc khai thác nguồn lợi thủy sản vô tội vạ và phát triển nuôi trồng trên đầm mang tính tự phát. Để nguồn lợi thủy sản phát triển bền vững, cần quy hoạch khu vực cần bảo tồn, khu vực nuôi thủy sản và những nghề được phép khai thác.

 

OLoan110127.jpg

Ngư dân đánh bắt trên đầm Ô Loan - Ảnh: N.NHƯ

 

Theo Trung tâm Nghiên cứu, quản lý và phát triển vùng duyên hải (Đại học Huế), các đợt khảo sát đã xác định trong đầm Ô Loan có 159 loài cá, trong đó có 28 loại được xem là mang lại giá trị kinh tế và sản lượng khai thác khá cao, 5 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam ở mức nguy cấp. Tuy nhiên, việc khai thác theo kiểu tận thu đã dẫn đến suy thoái.

Có 9 cách mà người dân thường áp dụng để khai thác thủy sản ở đầm Ô Loan, trong đó một số cách đã bị cấm khai thác từ những năm 1980 nhưng họ vẫn lén lút hoạt động. Ngoài ra, thời gian gần đây xuất hiện thêm nhiều cách mới như châm điện, sử dụng lưới 3 màn, bóng Thái Lan…, sử dụng đánh bắt theo kiểu tận thu, tận diệt nên nguồn lợi thủy sản trong đầm bị cạn kiệt. Bên cạnh đó, việc phát triển nghề nuôi tôm không theo quy hoạch, diện tích nuôi trồng hiện lên đến trên 360ha, chiếm gần 1/4 diện tích mặt đầm. Hơn nữa, đa số các hồ nuôi tôm này được xây theo hồ hở (dùng san hô, đá để chèn làm bờ hồ nuôi tôm) nên các hóa chất cũng như thức ăn thừa thải ra ngoài, làm môi trường ô nhiễm và việc nuôi tôm không hiệu quả.

 

Ông Trần Sáu, Phó phòng NN-PTNT huyện Tuy An, cho biết: “Việc dùng những ngư cụ đánh bắt thủy sản không đúng kích cỡ và mang tính hủy diệt đã bị Nhà nước cấm. Phòng sẽ tham mưu cho UBND huyện Tuy An chỉ đạo UBND các xã ven đầm tổ chức tuyên truyền cho người dân vừa khai thác, vừa bảo vệ nguồn lợi thủy sản và bảo vệ môi trường trong đầm. Đồng thời, các xã nên phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý phương tiện đánh bắt và diện tích mặt nước đầm mà địa phương quản lý”. Ông Lê Văn Kháng, Tổ trưởng Tổ Hợp tác thủy sản Phú Hiệp (xã An Hiệp) nói: “Trên thực tế, ngư dân xã An Hiệp đã thành lập Tổ quản lý đầm theo mô hình khai thác thủy sản dựa vào cộng đồng và hoạt động khá hiệu quả. Những hoạt động trên đầm được kiểm soát và giữ ổn định, không có hiện tượng khai thác bằng ngư cụ mang tính hủy diệt ở khu vực…”.

 

Để khai thác hiệu quả thủy sản trên đầm Ô Loan, theo các chuyên gia môi trường, địa phương cần lập lại trật tự mới trong hoạt động khai thác dựa vào cộng đồng. Theo đó, địa giới ngư trường cần thiết lập theo các xã và hoạt động khai thác dưới sự quản lý của chính quyền địa phương. Tùy theo  hoạt động nghề, những ngư dân sẽ thành lập theo nhóm nghề cụ thể và được chính quyền xã cấp giấy chứng nhận quyền khai thác thủy sản. Mỗi nhóm nghề có ban quản lý do ngư dân bầu ra, đồng thời đề ra nội quy được chính quyền xã chấp nhận. Trên đầm Ô Loan, ngoài việc tiếp tục bảo vệ cây giá còn sót lại và không khai thác 11,2ha đồng cỏ hến ở xã An Hòa, cần trồng thử nghiệm cây đước xanh, đước đôi ở khu vực Phú Tân (xã An Cư) và Đồng Đức (xã An Hiệp). Địa phương cần bảo vệ 160ha cỏ biển thuộc địa bàn ven đầm hai xã An Hiệp và An Hòa, đồng thời khôi phục nguồn lợi sò huyết đầm Ô Loan. Điều quan trọng khác là cần có những giải pháp hướng đến sự bền vững trong nuôi trồng thủy sản ven biển…

 

Để môi trường sống ở đầm Ô Loan phát triển bền vững, việc bảo vệ thảm cỏ và phục hồi nguồn lợi sò huyết là cần thiết và sẽ thực hiện bằng phương thức quản lý dựa vào cộng đồng, trên cơ sở không phát triển các ao nuôi thủy sản trong khu vực được bảo vệ. Mỗi xã cần thống kê số lượng ngư cụ và hộ khai thác để vận động ngư dân tránh sử dụng các loại ngư cụ tác động đến nền đáy như giã cào, cào sò, bóng Thái Lan, lờ… Xác định ranh giới mốc cần bảo vệ, đồng thời thành lập tổ ngư dân tự quản khai thác thủy sản trong khu vực bảo vệ. Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An Phạm Thị Thùy Lê cho biết, huyện đã đề xuất các giải pháp khắc phục, điều chỉnh vùng nuôi trồng thủy sản đầm Ô Loan, giảm diện tích nuôi từ 360ha như hiện nay xuống còn 260ha. Hồ nuôi tôm được nâng cấp theo phương pháp nuôi khép kín hoặc chuyển sang nuôi sinh thái. Bên cạnh đó, huyện đang đề xuất nạo vét đầm ở một số khu vực để tạo sự trao đổi giữa nước trong đầm và nước biển, đồng thời phối hợp với các cơ quan cấp tỉnh để quản lý những ngành nghề, phương tiện khai thác hiện nay trên đầm Ô Loan…

 

NGỌC NHƯ - PHƯƠNG NAM

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Giữ được chim, thành triệu phú
Thứ Hai, 07/02/2011 07:09 SA
Sò huyết hồi sinh
Chủ Nhật, 06/02/2011 15:09 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek