Chủ Nhật, 06/10/2024 17:35 CH
Trồng rừng thay thế nương rẫy:
Chính sách hợp lòng dân
Thứ Bảy, 22/01/2011 14:07 CH

Tỉnh Phú Yên đang nỗ lực triển khai phương án trồng rừng giai đoạn 2011-2015 nhằm phủ xanh diện tích đất nương rẫy bạc màu, canh tác không hiệu quả, từng bước ổn định đời sống, phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 

rung-2110122.jpg

Nông dân huyện Đồng Xuân trồng rừng sản xuất - Ảnh: P.NAM

 

CHÍNH SÁCH HỢP LÒNG DÂN

 

Dự án Trồng rừng phòng hộ, sản xuất thay thế nương rẫy có 751 hộ dân tham gia, trong đó có 173 hộ gia đình là người đồng bào dân tộc thiểu. Trong 7 năm, dự án trợ cấp gần 2.600 tấn gạo và hơn 2,4 tỉ đồng cho các hộ dân trồng rừng.

Nằm trong dự án 5 triệu ha rừng, từ tháng 6/2010, tỉnh Phú Yên bắt đầu triển khai thực hiện dự án trồng rừng phòng hộ và sản xuất trên địa bàn 16 xã, thuộc 4 huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh và Phú Hòa với tổng diện tích gần 980 ha, trong đó rừng sản xuất chiếm hơn 915 ha với tổng kinh phí hơn 28,3 tỉ đồng. Chi cục Kiểm lâm tỉnh hỗ trợ trên 260.000 cây giống lâm nghiệp có chất lượng, bà con đã triển khai trồng được hơn 130ha rừng sản xuất trên tổng diện tích khoảng 200ha theo thiết kế. Ông Nguyễn Văn Dư, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Trưởng BQL dự án Trồng rừng thay thế nương rẫy cho biết: “Bước đầu, dự án đã nâng cao trình độ nhận thức, cải thiện tập quán canh tác lạc hậu, ổn định đời sống, giảm đói nghèo, từng bước nâng cao thu nhập và định hướng sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững trên đất nương rẫy bạc màu, kém hiệu quả của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi…”.

 

BQL dự án Trồng rừng thay thế nương rẫy cho biết, mức hỗ trợ gạo cho từng hộ gia đình được dựa trên diện tích nương rẫy thực tế chuyển đổi sang trồng rừng. Theo đó, những hộ gia đình có nhiều người, nhưng tham gia chuyển đổi diện tích nhỏ, thì mức trợ cấp gạo được tính theo diện tích nương rẫy thực tế chuyển đổi với mỗi ha là 700kg gạo/năm, còn đối với những hộ ít người nhưng có diện tích chuyển đổi lớn, thì mức trợ cấp gạo được tính cho mỗi người là 10kg gạo/tháng. Điểm mới của dự án là gạo hỗ trợ được quy ra tiền theo giá thị trường, để nhân dân chủ động, chọn mua lương thực đảm bảo chất lượng, tránh tình trạng gạo mối mọt, nấm mốc, kém phẩm chất… Cây giống hỗ trợ là những loại giống phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và có giá trị kinh tế cao được gieo ươm tại các vườn ươm, qua khâu kiểm định chất lượng của các ngành chức năng, rồi chuyển giao trực tiếp cho người dân. Qua thời gian đầu triển khai, dự án đã thu hút sự hưởng ứng tham gia của nhiều người dân, trong đó có không ít hộ thực hiện tốt, bước đầu đem lại kết quả khả quan, như hộ Oi Phước ở xã Ea Bar huyện Sông Hinh chuyển đổi 2,2ha, hộ ông La Mo Tinh ở thôn Kỳ Đu (xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân) chuyển đổi 1,5ha đất hoa màu cằn cỗi sang trồng rừng sản xuất. Hiện cây rừng đang phát triển tốt, có thể xen canh các loại hoa màu khác. Oi Phước nói: “Dự án đã giúp đồng bào chủ động lương thực, tập trung vào trồng rừng sản xuất trên diện tích đất hoang hóa, cằn cỗi. Ngoài cây giống được hỗ trợ trồng đủ trên diện tích đã ký kết, gia đình tự trồng bổ sung thay thế những cây chậm phát triển hoặc bị chết”.

 

KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN, HOÀN THÀNH TIẾN ĐỘ

 

Ngay từ khi triển khai dự án, Ban quản lý dự án Trồng rừng thay thế nương rẫy đã tích cực phối hợp với các ngành liên quan cùng địa phương tập trung tuyên truyền, vận động, giải thích về tính tích cực và hiệu quả mang lại trong chính sách đầu tư và vai trò, tránh nhiệm của người dân, nhất là những hộ được hưởng lợi từ dự án trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên, do giá các mặt hàng nông sản như mía, sắn, lúa rẫy tăng cao nên nhiều hộ gia đình chưa muốn chuyển đổi sang trồng rừng. Hiện quỹ đất quy hoạch cho lâm nghiệp mà đồng bào dân tộc thiểu số đang sử dụng để sản xuất nông nghiệp còn quá lớn nên việc khởi động dự án còn gặp nhiều khó khăn.

 

Ông Nguyễn Văn Dư, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Trưởng BQL dự án Trồng rừng thay thế nương rẫy, cho biết: “Năm 2011, chúng tôi sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên mọi hình thức. Ngoài công tác chuyên môn, mỗi cán bộ kiểm lâm, đặc biệt là kiểm lâm phụ trách địa bàn phải là một kênh thông tin tuyên truyền, vận động tích cực để người dân hiểu chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong tạo điều kiện ổn định và phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi”.

 

BQL dự án Trồng rừng thay thế nương rẫy đang tiếp tục lên phương án chuẩn bị các điều kiện cần thiết, cung cấp đầy đủ giống theo nhu cầu đăng ký của các hộ gia đình; kiểm tra chặt chẽ chất lượng giống do các hộ gia đình, cá nhân tự sản xuất trước khi xuất vườn. Bên cạnh đó, đơn vị cũng tập trung hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và giám sát nghiêm ngặt việc trồng rừng, đảm bảo hoàn thành tiến độ trồng rừng thay thế nương rẫy theo kế hoạch, góp phần tích cực trong thực hiện Dự án 5 triệu ha rừng.

 

PHƯƠNG NAM - ANH NGỌC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek