Rừng phòng hộ ven viển TP Tuy Hòa rộng trên 300ha đang bị xâm hại nghiêm trọng. Nếu chính quyền địa phương và ngành chức năng không có biện pháp ngăn chặn kịp thời thì không bao lâu nữa “lá phổi” của thành phố sẽ biến mất.
Nhiều cây dương ở rừng phòng hộ ven biển TP Tuy Hòa bị chặt hạ. - Ảnh: L.BIẾT
Rừng dương ven biển TP Tuy Hòa trên 600ha, kéo dài từ xã An Phú đến phường 9. Khu rừng này được hình thành từ sau năm 1975. Thế nhưng, khoảng 5 năm trở lại đây khu rừng này ngày một thu hẹp do tình trạng khai thác trái phép của người dân và quản lý lỏng lẻo của ngành chức năng.
Vào mỗi buổi sáng hay chiều tối, trên các tuyến đường Lê Duẩn, Độc Lập nối dài đoạn từ phường 9 đến xã An Phú không khó để bắt gặp những cộ bò, xe máy và cả xe đạp chở những cây củi dương còn tươi rói thoát ẩn thoát hiện sau những rặng dương ven đường. Đi sâu vào rừng sẽ bắt gặp những cây dương hàng chục năm tuổi bị đốn hạ sát gốc, tập kết ngang nhiên trên đường Hùng Vương, Độc Lập đoạn qua thôn Long Thủy. Theo phản ảnh của người dân địa phương, tình trạng này đã diễn ra từ sau trận lũ lụt cuối năm 2009 đến nay. Hàng ngày, khoảng trước 5 giờ sáng nhiều người lẻn vào giữa rừng chặt cây, bẻ nhánh rồi phơi khô tại chỗ, sau vài ngày đến mang về. Nếu bị phát hiện họ nói đây là những cây, nhánh đã chết khô nên tận dụng để làm chất đốt trong gia đình.
Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Kiến 2 là địa bàn có rừng phòng hộ bị tàn phá nặng nhất. Hợp tác xã hiện quản lý gần 300ha rừng dương, thuộc địa bàn xã Bình Kiến và phường 9, trong đó 100ha được nhà nước thu hồi giao cho các tổ chức, cá nhân sử dụng vào mục đích khác. Số còn lại gần 200ha, Hợp tác xã Bình Kiến 2 đang quản lý. Ông Nguyễn Đồng Minh, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Kiến 2 bức xúc: Nhiều đối tượng phá rừng dùng cả cưa lốc và xe cơ giới để vận chuyển và có hành vi chống đối lực lượng làm công tác bảo vệ rừng”. Theo ông Nguyễn Đồng Minh, ít nhất 20% cây phi lao thuộc phạm vi của Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Kiến 2 quản lý đã bị chặt trộm.
Tình trạng phá rừng ven biển này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Đối với các hộ dân, áp lực thiếu chất đốt sau thời gian mưa kéo dài đã khiến nhiều hộ vào rừng khai thác cành, cây dương làm củi. Ngoài ra, trong 100ha rừng cấp cho các chủ dự án sử dụng vào mục đích khác, khi xây dựng các công trình các chủ dự án đã khai thác và bán cây cho các tổ chức, cá nhân. Lợi dụng tình hình này, các đối tượng vào các khu rừng lân cận diện tích giao cho các dự án để chặt phá theo kiểu “té nước theo mưa”.
Ông Trần Đình Quang, Chủ nhiệm Hợp tác xã 2 phường 9, đơn vị quản lý 183ha rừng dương phòng hộ ven biển TP Tuy Hòa cho biết: Sau khi UBND tỉnh có quyết định về việc cấm các hợp tác xã làm dịch vụ khai thác rừng dương ven biển TP Tuy Hòa vào năm 1995 nhằm giữ lại rừng với mục đích phòng hộ và tạo cảnh quan thì các hợp tác xã lâm vào cảnh thiếu kinh phí để quản lý số diện tích rừng được giao quản lý. Với một công bảo vệ 1.200.000 đồng/tháng, phụ trách đến gần 100ha rừng thì rất khó giữ được rừng.
Hợp tác xã là vậy, còn các đơn vị chức năng cũng không tích cực trong công tác bảo vệ rừng. Bà Nguyễn Thị Nở, Phó Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa cho biết, khi các hợp tác xã phản ánh thực trạng này, UBND thành phố có ý kiến với các ban, ngành của tỉnh để giải quyết dứt điểm tình trạng này. Tuy nhiên các đơn vị cũng chỉ có văn bản trả lời, nếu có phối hợp thì cũng chỉ cử một vài cán bộ phối hợp theo kiểu lấy có. Lực lượng bảo vệ rừng mỏng, công tác phối hợp chưa chặt chẽ, quyết liệt đã dẫn đến rừng phòng hộ ven biển TP Tuy Hoà tiếp tục bị xâm hại nghiêm trọng và nhiều người lo lắng bao lâu nữa lá phổi xanh thành phố sẽ biến mất.
LÊ BIẾT