Các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho xã nghèo, xây dựng các công trình hạ tầng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở, chính sách hỗ trợ, cải thiện các dịch vụ, nâng cao đời sống nhân dân ở huyện Đồng Xuân đang mang lại hiệu quả tích cực, giúp người dân thoát nghèo bền vững.
Nhiều gia đình xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) đã thoát nghèo. - Ảnh: K.CHI
Theo đánh giá của huyện Đồng Xuân, qua 5 năm triển khai thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo các chương trình dự án của tỉnh và trung ương, tình hình sản xuất nông lâm nghiệp ở các xã, thôn trong huyện đã có sự phát triển; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường, tiềm năng đất đai... Diện tích trồng sắn, mía được quy hoạch và từng bước phát triển theo hướng tập trung thâm canh tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả. Mô hình chăn nuôi cũng đã có sự chuyển biến tích cực, từ chăn nuôi gia súc theo tập quán thả rông, đến nay, nhiều hộ đầu tư xây dựng chuồng trại nên có điều kiện thuận lợi để thực hiện các giải pháp phòng chống dịch bệnh, biết áp dụng kỹ thuật mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả.
Anh La Thanh Dúi ở xã Xuân Quang 1 cho biết: “Gia đình tôi trồng 7 sào sắn, mía, nhưng do đất xấu, mùa nắng không có nước nên thu hoạch chẳng được bao nhiêu, phải đi làm thuê kiếm cái ăn đắp bữa. Được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà, tôi mừng lắm. Có nơi ở, tôi không còn lo lắng nhiều, từ đó chú tâm cải tạo, chăm sóc mấy sào mía. Nhờ vậy gia đình đã thoát khỏi diện đói nghèo”. Đến thăm gia đình anh Hà Minh Xuân ở thôn Tân Vinh, xã Xuân Sơn Nam, nhìn căn nhà khá đầy đủ tiện nghi, không ai ngờ trước kia gia đình anh là một trong những hộ nghèo ở xã này, phải đi làm thuê kiếm sống qua ngày. Anh Xuân nhớ lại: “Ngày trước vất vả lắm! Khó khăn lắm hai vợ chồng mới xin được miếng đất để dựng nhà. Sau 3 năm làm thuê làm mướn, có được chút vốn, chị Nguyễn Thị Liên, vợ anh, mở lò làm đậu hủ, bánh bèo, làm bún, đủ cho gia đình trang trải cuộc sống hằng ngày. Anh chị dành dụm mua được 2 con heo. Năm đầu, heo ăn bã đậu, lớn nhanh, anh chị thu lãi được 1 triệu đồng. Năm 2008-2009, khi nhà nước có chính sách hỗ trợ nông dân vay vốn sản xuất, được sự trợ giúp của Hội Nông dân xã, vợ chồng anh làm thủ tục vay 20 triệu đồng và mạnh dạn đầu tư nuôi 20 con heo thịt. Anh còn nhờ cán bộ thú y xã hướng dẫn cách chăm sóc, vệ sinh chuồng trại, tận dụng nguồn thức ăn sẵn từ bã đậu. Do vậy, đàn heo của gia đình anh con nào cũng khỏe và trọng lượng đồng đều. Bình quân mỗi năm, anh bán gần 3 lứa, thu lợi 20 triệu đồng. Từ một hộ nghèo, vợ chồng anh chị trở thành một trong những điển hình làm kinh tế giỏi ở huyện Đồng Xuân.
Ông Châu Văn Thiện, Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 1 cho biết: Vài năm trở lại đây, đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong xã đã được cải thiện. Việc lồng ghép các chương trình, dự án chính sách được thực hiện đồng bộ và phát huy hiệu quả. Các hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi. Đời sống của người dân ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn được cải thiện và nâng cao một bước, giảm khoảng cách giữa hộ giàu với hộ nghèo.
Theo báo cáo của huyện Đồng Xuân, trong năm 5 qua, huyện được đầu tư hơn 10,5 tỉ đồng xây dựng, cải tạo 47 công trình, trong đó có 32 công trình giao thông với hơn 24,3km đường giao thông, 2 công trình thủy lợi, giải quyết khó khăn về đi lại giữa thôn với các xã, giữa xã với huyện; đời sống người dân được nâng cao, tỉ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Đến cuối năm 2010, mức thu nhập bình quân của người dân ở huyện này là 2,9 triệu đồng/năm, có khoảng 45% số hộ có mức thu nhập bình quân đạt 3,5 triệu đồng/người/năm. 100% số xã có đường cho xe cơ giới, có hệ thống thủy lợi nhỏ, trường học, trạm y tế. 100% số hộ được sử dụng điện, 65% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt đạt vệ sinh, hơn 94% trẻ em trong độ tuổi được đến trường… Cũng từ các chương trình đầu tư, nhân dân đã thay đổi nếp nghĩ và cách làm, từ đó hiệu quả sản xuất được nâng cao, đời sống vật chất cũng như tinh thần chuyển biến rõ rệt.
KIM CHI