Thứ Sáu, 04/10/2024 16:25 CH
Đánh rập bắt cua hét ở đầm Ô loan:
Nghề mới ở làng biển An Hải
Thứ Hai, 27/12/2010 15:03 CH

Thời gian gần đây, cuộc sống của người dân làng biển Tuy An gặp khó khăn do thủy sản nuôi trồng thường bị dịch bệnh, nguồn lợi thủy sản trong đầm Ô Loan ngày càng cạn kiệt. Dân ở xã An Hải đang dần chuyển sang nghề mới: đánh rập cua hét, tuy vất vả nhưng thu nhập cao và không cần nhiều vốn đầu tư.

 

rap2101227.jpg

Ông Phép đang sửa soạn cho chuyến đánh rập    - Ảnh: T.HƯƠNG

 

CẢ LÀNG CHUYỂN NGHỀ

 

Đầu giờ chiều, chúng tôi đến làng biển ở thôn Tân Quy, xã An Hải, huyện Tuy An, khi nhà nhà đều tất bật chuẩn bị cho chuyến đi biển mới. Ông Lê Văn Phép, 65 tuổi, khệ nệ bê chồng rập 70 chiếc cao ngất ra đặt trước sân để cả nhà cùng nhau móc mồi câu vào từng chiếc, chuẩn bị ra khơi. Ông Phép bộc bạch: “Lúc trước nhà tôi nuôi khoảng vài trăm con cá mú, cá hồng trong 5 lồng nhưng qua 2 đợt lụt bão năm 2008, 2009 coi như mất trắng, lồng bè trôi cả ra biển. Vợ chồng góp nhặt thả nuôi lại một lồng khoảng gần trăm con cá mú, nhưng rất bấp bênh khi việc tiêu thụ ngày càng khó khăn. Nhận thấy việc rập cua hét khá đơn giản, vốn đầu tư ít mà có lợi nhuận nên tôi đã chuyển sang nghề này hơn nửa năm nay”.

 

Không riêng gia đình ông Phép mà hầu hết dân trong làng này đều chuyển sang nghề đánh rập từ nhiều tháng nay. Anh Kim Út, một thanh niên trong làng, nói: “Không có vốn liếng gì nên tôi chỉ biết bám biển kiếm sống bằng nghề đi đánh bắt cá ngừ đại dương. Khi thấy bà con trong làng đi rập có lãi, lại không cần vốn nhiều nên tôi chuyển hẳn sang nghề này. Mỗi đêm chịu khó cũng kiếm được hơn trăm nghìn, đủ chi phí mà không sợ lỗ lã”.

 

Nghề đánh rập không chỉ thu hút từ cụ già cho đến thanh niên trai tráng mà cả những em nhỏ còn đi học cũng tham gia. Em Lê Văn Quỳnh, học sinh lớp 7, cho biết: “Mờ sáng, khi mọi người vừa đi rập về, em mới bắt đầu đi. Vì còn nhỏ, một mình em không dám bơi sõng ra xa, chỉ thả rập loanh quanh gần bờ nên cũng không bắt được nhiều. Hôm nào may mắn thì bắt được 2kg”.

 

Ông Ngô Văn Yêm, Phó Chủ tịch UBND xã An Hải cho biết: “Nghề này mới du nhập hơn nửa năm nay. Sau trận bão lũ năm 2009, nhiều người vỡ nợ, không có vốn để gầy dựng lại lồng bè nuôi cá nên đã chuyển sang đi đánh bắt cua hét. Gần nửa số hộ dân ở hai thôn Tân Quy và Xuân Hòa đang dựa vào nghề đánh rập này để kiếm sống”.

 

NGHỀ HẤP DẪN

 

Nghề đánh cua hét thu hút được nhiều người bởi vốn đầu tư khá ít. Với giá 20.000 đồng/cái rập, người làm nghề chỉ cần đầu tư trên dưới một triệu đồng là có một dây rập “hoành tráng” để “đi săn” cua hét. Rập đánh cua hét là một cái lồng sắt có chiều dài khoảng 50cm, rộng 30cm và cao 20cm, được bọc lưới xung quanh, phía trên có nắp để lấy cua, hai bên có chỗ hở, cua có thể bò vào ăn mồi nhưng không thể bò ra ngoài vì mắc lưới. Ngư dân ở đây thường đánh cua theo hai cách: đánh riêng từng rập một, mỗi rập nối với một sợi dây, đầu kia cột một viên xốp nhỏ thả nổi trên mặt nước cho người đánh kéo thăm chừng; hoặc đánh theo dây, dây dài ngắn tùy vào mỗi người, thông thường mỗi dây có khoảng 10-15 rập, mỗi rập cách nhau 4 sải tay.

 

Bên cạnh đó, chi phí cho một chuyến đi cũng “mỏng”. Chỉ cần khoảng 15.000 đồng, ngư dân có thể mua được 1kg cá giã cào (thứ mồi hấp dẫn đối với loài cua hét) là đủ cho một chuyến biển. Việc đánh rập khá đơn giản, người “săn” chỉ cần bơi thuyền, thúng chai ra giữa đầm, thả rập rồi đợi cua đến ăn thì kéo lên gỡ lấy, rồi lại tiếp tục thả xuống. Trong khi đó, giá cua hét lại khá cao. Chị Nguyễn Thị Thi, một tiểu thương chuyên mua cua hét ở xã An Hải, cho biết: “Trước kia, người ta ít đánh bắt loại cua này. Từ khi nghề nuôi tôm hùm trở nên thịnh hành thì nghề bắt cua hét cũng thịnh. Hiện nay cua hét là nguồn thức ăn mà người nuôi tôm hùm rất chuộng. Bởi cua hét giàu canxi, giúp tôm hùm mau lớn. Mỗi ngày tôi mua được trên một tạ cua hét với giá từ 18.000 - 21.000 đồng/kg, bán cho những người nuôi tôm ở Sông Cầu”.

 

MƯU SINH SUỐT ĐÊM

 

Nghề bắt cua hét không phân biệt già trẻ lớn bé, không “kén chọn” thời gian, chỉ cần chịu khó và chăm sẽ kiếm được kha khá. Theo lời của nhiều người đánh rập, cua hét là loài có tập tính ăn đêm và sống tập trung ở vùng nước sâu. Vì vậy muốn bắt được nhiều cua, người đánh rập phải bơi ra xa bờ và đi vào cuối buổi chiều cho đến mờ sáng. Chính vậy nên nỗi vất vả của nghề này cũng không ít. Người bắt muốn kiếm được kha khá thì phải chịu khó thức cả đêm, thường xuyên kéo rập thăm chừng. Ông Phép tâm sự: “Nhiều khi trời mưa gió, một mình ngồi trên thuyền con lạnh run, mắt díp lại vì buồn ngủ nhưng vẫn phải cố thức để thăm rập. Có vậy sáng vào mới kiếm được kha khá, còn lười thì kể như mất một đêm ngoài biển. Cũng có đôi khi dây rập bị kẹt đá hay vật gì dưới đáy đầm, kéo mãi không lên đành phải trầm mình dưới dòng nước lạnh buốt để gỡ”. Hay có những đêm gặp phải gió lớn, thuyền cứ chao, muốn lật úp, nguy hiểm vô cùng. Những đêm mưa gió lớn như vậy, con cua dường như cũng ít đi ăn đêm hơn nên người thả rập cũng chẳng kiếm được bao nhiêu”.

 

TUYẾT HƯƠNG - ANH NGỌC

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek