Đã thành thông lệ, càng gần thời điểm cuối năm, thị trường lại có sự điều chỉnh tăng giá mạnh ở nhiều ngành hàng, lĩnh vực sản xuất. Nếu không có những biện pháp đón đầu để kiềm chế, tiến tới bình ổn thị trường thì sự tăng giá ồ ạt nhiều nhóm hàng khó tránh khỏi.
Nhận định về nguy cơ tăng giá trong thời gian các tháng còn lại của năm 2010, UBND tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm bình ổn giá cả thị trường, trong đó có việc yêu cầu các cấp, ngành và các địa phương trong tỉnh tăng cường công tác quản lý, điều hành giá; không chủ quan lơ là trước tình hình diễn biến thị trường, kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi vi phạm về quản lý giá; chống đầu cơ tích trữ, thu gom, ghìm hàng không bán tạo khan hiếm hàng hóa giả tạo, chống thu gom hàng trong diện bình ổn để thu lời bất chính. UBND tỉnh cũng đã tạm ứng 10 tỉ đồng để các doanh nghiệp dự trữ các mặt hàng thiết yếu, bán theo giá niêm yết thấp hơn tối thiểu 10% so với giá thị trường cùng thời điểm…
Ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh là vậy, nhưng thực tế, từ đầu tháng 12 đến nay nhiều mặt hàng trên thị trường đang có chiều hướng “nhích” lên từng ngày, trong đó các mặt hàng nhu yếu phẩm như lương thực, thực phẩm hiện đang có đà tăng mạnh mẽ nhất. Điều này khiến cho tâm lý đại bộ phận người dân tỏ ra lo lắng. Sự tăng giá này được các đại lý giải thích là do khi nhập hàng giá đã tăng nên đại lý cũng buộc phải tăng giá theo. Bản thân đại lý không thể quyết định sự tăng, giảm của hàng hóa mà chủ yếu phụ thuộc vào các đơn vị sản xuất và phân phối hàng.
Ngay cả chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” do Sở Công Thương phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức tại ba huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hòa và Đồng Xuân cũng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn (từ ngày 10 đến ngày 16/12). Tại mỗi địa phương, chương trình chỉ phục vụ trong hai ngày, từ 7 - 18 giờ hàng ngày, tại trung tâm huyện lỵ. Theo phản ánh của người dân, chương trình chỉ có thể phục vụ người dân ở khu vực thị trấn và một vài xã lân cận, còn người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa, cách thị trấn hàng chục cây số thì không thể tiếp cận được vì điều kiện thông tin và việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Không tiếp cận được với hàng giá rẻ, không còn cách nào khác là họ tìm đến các chợ, điểm bán lẻ ngoài thị trường để mua các mặt hàng cùng chủng loại với giá cao hơn 10-20%.
Còn tại siêu thị Co.op Mart Tuy Hòa, việc bán hàng bình ổn giá cũng bất cập. Theo quy định, siêu thị chỉ bán lẻ các mặt hàng thiết yếu như dầu ăn, mắm, gạo… với số lượng có hạn, giá thấp hơn giá thị trường từ 5-10%, không bán hàng với số lượng lớn cho khách hàng là các đại lý bán lẻ ngoài thị trường. Tuy nhiên, nhiều đại lý bán lẻ trong tỉnh tìm cách “lách” quy định gom hàng tại siêu thị bằng cách mượn người thân mua hàng nhiều lần với mục đích đem đi bán lại, hưởng chênh lệch.
Trước diễn biến phức tạp của thị trường, chiều ngày 24/12 Thủ tướng Chính phủ có Công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn giá cả trên thị trường trong dịp tết. Có thể nói, việc bình ổn giá trên thị trường thời điểm cuối năm là một việc làm vô cùng khó khăn. Và để người dân không còn chịu cảnh “gánh” nỗi lo tăng giá, hơn lúc nào hết các ngành chức năng của tỉnh cần triển khai đồng bộ các biện pháp bình ổn giá theo chỉ đạo của UBND tỉnh và của Chính phủ. Kiên quyết không chấp thuận việc tăng giá không hợp lý đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc diện đăng ký giá; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, công khai kết quả xử lý vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng… Để thực hiện được mục tiêu này, ngoài sự nỗ lực của các cơ quan quản lý Nhà nước, rất cần sự chung tay của doanh nghiệp và cả người dân. Hy vọng với sự triển khai đồng bộ các giải pháp, Xuân Tân Mão này người dân Phú Yên giảm bớt nỗi lo tăng giá.
QUANG THUẦN