Thứ Sáu, 04/10/2024 16:21 CH
Tam nông khởi sắc, trợ lực đất nước phát triển
Thứ Hai, 27/12/2010 13:30 CH

Năm 2010, tam nông tăng trưởng GDP cao hơn và tăng xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu. Việt Nam từ chỗ là nước nhập khẩu lương thực lớn đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới trong 22 năm liền; năm nay đạt kỷ lục cả về lượng và kim ngạch xuất khẩu.

 

thl1101227.jpg

Nông dân xã Hòa Vinh, huyện Đông Hòa thu hoạch lúa vụ hè thu 2010. - Ảnh: N.QUANG

 

Ông cha chúng ta đã dạy “Phi nông bất ổn” trước khi nói đến “phi công bất phú”, “phi thương bất hoạt”, “phi trí bất hưng”. “Nông” nói ở đây bao gồm nông nghiệp, nông dân, nông thôn (còn được gọi là tam nông). Nông dân đã từng được tôn vinh là đội quân chủ lực trong Cách mạng Tháng Tám, trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoài trước đây.

 

Sự nghiệp đổi mới của Đảng cũng bắt đầu rất sớm, từ nông nghiệp sớm nhất, với khoán hộ. Chỉ thị 100, rồi Nghị quyết 10 sau này về thực chất cũng là khoán hộ, đã giúp cho nông nghiệp, đặc biệt là lương thực đạt được sự thần kỳ: chỉ trong mươi năm đã tạo ra sản lượng lương thực bằng sản lượng của hai châu thổ đồng bằng Sông Hồng và đồng bằng Sông Cửu Long mà cha ông ta phải mất hàng nghìn năm mới tạo ra được.

 

Việt Nam từ chỗ là nước nhập khẩu lương thực lớn đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới trong 22 năm liền và năm nay đạt kỷ lục cả về lượng và kim ngạch xuất khẩu.

 

Tam nông đã góp phần với đất nước ứng phó và vượt qua mấy cuộc khủng hoảng. Góp phần “cứu” đất nước thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế- xã hội tiềm ẩn từ cuối những năm 70, bùng phát trong những năm 80, kéo dài đến đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Với “thùng gạo” và “thùng dầu” trong tay, Việt Nam đã tránh bị cuốn vào vòng xoáy của cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ khu vực năm 1997- 1998. Tam nông góp phần giúp cho đất nước tránh rơi vào vòng xoáy của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu 2008- 2009 (trong đó có việc tránh khủng hoảng lương thực 2008, góp vào việc giải quyết việc làm cho số lao động trong các làng nghề, các khu công nghiệp mất hoặc thiếu việc làm, đóng góp lớn vào việc tiêu thụ sản phẩm cho công nghiệp khi xuất khẩu bị co lại và lần đầu tiên bị giảm tới 8,9%: góp phần kiềm chế lạm phát 2009).

 

Năm 2010, tam nông tăng trưởng GDP cao hơn và tăng xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu (nông nghiệp xuất siêu trên 5 tỷ USD)...

 

Trong điều kiện nông thôn còn chiếm trên 80% tổng số người nghèo; nông, lâm nghiệp- thủy sản chiếm trên 20% GDP của cả nước, nhưng thu nhập bình quân đầu người của khu vực này chỉ bằng một nửa của thành thị, năng suất lao động của nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản chỉ bằng một phần năm của công nghiệp- xây dựng,... thì tỉ trọng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội dành cho nông, lâm nghiệp- thủy sản còn hạn hẹp.

 

“Cánh kéo” giá cả giữa lương thực, thực phẩm với các hàng hóa khác vẫn còn rất lớn; giá nông sản tăng nhưng bản thân người nông dân sản xuất ra không được hưởng nhiều, bởi chênh lệch giá từ người sản xuất, đến người mua gom, đến chợ đầu mối, đến chợ bán lẻ, đến người chế biến, đến người tiêu dùng cuối cùng cách rất xa. Vấn đề này đã có nhiều chuyên gia đề cập. Trong kỳ họp Quốc hội mới đây đã có nhiều đại biểu đưa ra vấn đề này.

 

Nghị quyết 26/TW 7 khóa X đã đánh giá và đưa ra các biện pháp để giải quyết các vấn đề trên cách đây đã hơn 2 năm. Trên tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định về xây dựng nông thôn mới và Dự thảo các Văn kiện Đại hội XI đã đề ra mục tiêu số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới đến năm 2015 đạt 20% và đến năm 2020 là 50% và hiện đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng một số địa bàn thí điểm.

 

Tiêu chuẩn để một xã đạt nông thôn mới bao gồm tới 19 tiêu chí- “quét” khá rộng trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực từ quy hoạch, đến hoàn thiện cơ sở hạ tầng cứng (điện, đường, trường, trạm, chợ, nước sạch,...), hạ tầng mềm (cơ chế, chính sách, thông tin gắn với trí tuệ con người,...). Cả nước hiện có 9.121 xã (đồng bằng Sông Hồng 1.955, Đông Nam Bộ 490, trung du và miền núi phía Bắc 2.283, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung 2.489, Tây Nguyên 1.306, đồng bằng sông Cửu Long 1.306). Đối với 2.445 xã ở đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ, việc đáp ứng đủ 19 tiêu chí nông thôn mới đã khó, thì việc đạt được đủ 19 tiêu chí sẽ phải lâu dài hơn, đầu tư lớn hơn, khó hơn, tốn kém hơn...

 

Xây dựng nông thôn mới theo 19 tiêu chí là một bước chuyển biến mới đối với nông thôn của một đất nước xuất phát từ nông nghiệp đi lên và đến cuối thập kỷ tới cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Bên cạnh 19 tiêu chí, có hai đặc điểm quan trọng và không kém phần khó khăn là chuyển từ tư duy, tâm lý tiểu nông sang làm ăn theo lối công nghiệp, mở cửa hội nhập; là đối với một nước từ nông nghiệp đi lên và trong khi nhiều nước đang lao vào công nghiệp, dịch vụ, bỏ quên nông nghiệp, đã và sẽ dẫn đến mất an ninh lương thực,... thì trong một thời gian tương đối dài nữa, Việt Nam vẫn cần đặc biệt quan tâm đến tam nông, coi công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn là một trong những trọng điểm số một của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung.

 

MINH NGỌC

(Theo chinhphu.vn)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek