Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân vừa chủ trì Hội nghị Quy hoạch và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020 khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ tại TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định). Khu vực này bao gồm 8 tỉnh, thành phố, gồm: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Diện tích tự nhiên 4,4 triệu ha, dân số 8,78 triệu người, chiếm 10,21% dân số cả nước.
Giờ học Tin học ở Trường THCS Nguyễn Tất Thành (huyện Tây Hòa - Ảnh: M.NGUYỆT |
Các tỉnh trong khu vực Nam Trung Bộ có lợi thế phát triển vận tải biển trong nước và quốc tế với chùm cảng nước sâu đảm bảo tàu có trọng tải lớn có thể hoạt động, cơ sở hạ tầng và diện tích đất để xây dựng các khu công nghiệp tập trung gắn với các cảng nước sâu và với vị trí địa lý của mình có thể chọn làm cửa ngõ ra biển cho đường “xuyên Á”. Vùng có rất nhiều triển vọng về dầu khí ở thềm lục địa, ngoài ra Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ nằm trong khu vực còn có tiềm năng về khoáng sản, đáng chú ý là sa khoáng nặng, cát trắng. Cơ cấu lao động của Nam Trung Bộ đang chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại, thể hiện ở các chỉ số về cơ cấu lực lượng lao động hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm 47% (tỉ lệ cả nước là 52%); công nghiệp, xây dựng là 23% (tỉ lệ cả nước là 19%) và dịch vụ là 30% (tỉ lệ cả nước là 29%)…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ, việc xây dựng bản quy hoạch nguồn nhân lực cho các địa phương chính là cơ sở để mỗi tỉnh, thành phố có căn cứ phát triển kinh tế-xã hội, tránh tình trạng bị động trong sử dụng nhân lực và trực tiếp gây lãng phí nguồn lực của xã hội trong công tác đào tạo. Phó Thủ tướng đề nghị, trong hồ sơ xin cấp phép đầu tư tại Sở Kế hoạch - Đầu tư các tỉnh, các doanh nghiệp phải thể hiện rất rõ nhu cầu nhân lực của mình, từ đó hỗ trợ một phần chi phí đào tạo nguồn nhân lực cho các cơ sở đào tạo ở địa phương đó.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh tới vai trò của sự phối hợp 4 bên: người sử dụng lao động (các doanh nghiệp, các khu kinh tế) chủ động cung cấp nhu cầu lao động cho các cơ quan liên quan, người đi học, nhà trường và nhà nước. Đề nghị 8 tỉnh cần xây dựng trang web chuyên biệt cung cấp thông tin về nhu cầu nhân lực, đồng thời xem xét thành lập Phòng Quy hoạch nhân lực đặt trong Sở Kế hoạch - Đầu tư.
Cuối tháng 1/2011, sau khi hoàn thiện dự thảo quy hoạch nhân lực giai đoạn 2011-2020, Sở Kế hoạch - Đầu tư 8 tỉnh có trách nhiệm báo cáo Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực UBND tỉnh để lãnh đạo các tỉnh nắm bắt tinh thần, từ đó có chỉ đạo kịp thời trước những yêu cầu của Chính phủ.
(Chinhphu.vn)