Thứ Bảy, 05/10/2024 12:20 CH
Làng nghề vào vụ tết
Thứ Bảy, 18/12/2010 07:30 SA

Hiện nay, tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh, nhà nhà hối hả sản xuất để kịp hàng cho mùa tết, nhiều cơ sở đông nghịt khách mua, đặt hàng.

 

MAM1101218.jpg

Mua bán nhộn nhịp tại cơ sở sản xuất nước mắm Ông Già, Gành Đỏ, TX Sông Cầu - Ảnh: T.HƯƠNG

 

SÔI ĐỘNG BÁNH TRÁNG ĐÔNG BÌNH

 

Mùa mưa kéo dài, gạo, than củi, giá nhân công đều tăng… nhưng làng nghề bánh tráng Đông Bình ở xã Hòa An, huyện Phú Hòa vẫn vào mùa đúng thời điểm. Chị Phạm Thị Hương, thôn Đông Bình cho biết: “Thời tiết còn mưa nắng thất thường, nhưng gia đình tôi vẫn cố gắng khởi động đúng “vụ”. Chúng tôi phải thuê thêm một công lao động để trực phơi bánh, phòng khi trời mưa”. Đầu tháng 11 (âm lịch), hầu hết các gia đình làm nghề tráng bánh đều tăng cường nhân lực, bếp liên tục đỏ lửa suốt ngày đêm. Chị Võ Thị Nhị hào hứng: “Giá gạo năm nay cao, chi phí sản xuất tăng, nhưng mỗi khi có mẻ bánh nào ra lò là thương lái đến đặt hàng mua ngay với giá khá cao, nên bà con làng nghề rất phấn khởi”. So với năm ngoái, năm nay giá bánh tráng tăng từ 1.000-2.000 đồng/ràng (10 cái), hiện thị trường bánh tráng rất đa dạng với nhiều loại như bánh trơn, bánh mè đen, mè trắng, bánh tráng dừa, bánh tiêu, tép… với giá dao động từ 6.000-15.000 đồng/ràng. Bà Hồ Thị Thọ, 74 tuổi với hơn 60 năm làm nghề tráng bánh cho biết: “Thương hiệu bánh tráng Đông Bình đã chinh phục được nhiều khách hàng tại thị trường lân cận như Cam Ranh, Vạn Giã (Khánh Hòa), Phú Túc, Phú Bổn (Đắk Lắk)… Nhiều gia đình trong thôn khá lên nhờ nghề bánh tráng này”.

 

NƯỚC MẮM GÀNH ĐỎ: HỐI HẢ VÀO TẾT

 

Làng nghề nước mắm Gành Đỏ (TX Sông Cầu) đã chuẩn bị hàng cho mùa tết Tân Mão từ đầu năm 2010, bởi thời gian muối mắm đạt chất lượng cần khoảng 1 năm. Ông Phạm Văn Cảnh, chủ cơ sở sản xuất nước mắm Tân Lập, cho biết: “Từ đầu năm nay, cơ sở đã bắt đầu muối cá chuẩn bị cho mùa tết. Bây giờ chỉ còn việc chiết mắm, đóng chai để tiêu thụ. Ước tính lượng hàng tiêu thụ sẽ tăng cao bởi năm nay cơ sở nhận được nhiều đơn đặt hàng ngoài tỉnh với số lượng khá lớn”. Hiện gần chục lao động đang hối hả làm việc ngày đêm tại cơ sở Tân Lập để kịp hàng tiêu thụ cho mùa tết.

 

Ở những cơ sở chuyên bán lẻ lại có những “chiến lược” gia truyền để níu chân khách hàng. Bà Trần Thị Dung, chủ cơ sở sản xuất nước mắm Ông Già, cho biết: “Theo công thức gia truyền từ thời cụ cố của dòng họ, thì nước mắm của gia đình sản xuất rất “kén” nguyên liệu. Cá dùng muối mắm phải là cá cơm của địa phương, còn muối thì phải là muối của vùng Tuyết Diêm, có như vậy hương vị mắm mới đạt yêu cầu. Năm nay, từ Tuy An đến Sông Cầu không có cá nên hiện cơ sở chưa muối mẻ mắm mới nào. Nhờ có nguồn mắm “gối đầu” nhiều, nên vẫn đủ hàng chạy tết. Hiện có rất nhiều khách du lịch ghé qua cơ sở tham quan và mua sản phẩm để làm quà. Ước tính năm nay số lượng tiêu thụ có thể tăng gấp 5 lần so với ngày thường”. 

 

choi101218.jpg

Làng chổi Mỹ Thành (xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa) tất bật bó chổi “chạy” tết - Ảnh: T.HƯƠNG

 

CHỔI MỸ THÀNH “CHẠY” TẾT

 

Làng chổi Mỹ Thành (xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa) có thời gian “nghỉ dưỡng” khá lâu, từ tháng giêng cho đến hết tháng 6 âm lịch, mãi đến đầu tháng 7, làng nghề này mới “rục rịch” khởi động.

 

Nghề chổi đặc biệt hơn những nghề khác, thời điểm vào mùa “chạy hàng tết” cũng chính là thời gian bắt đầu làm hàng tiêu thụ cho cả năm. Kinh nghiệm hút hàng từ năm ngoái, đầu năm nay bà con làng Mỹ Thành tranh thủ mua gom thêm đót ở các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Lâm Đồng để đủ nguyên liệu sản xuất cho nhu cầu thị trường. Ông Nguyễn Mượn, người có 40 năm tuổi nghề làm chổi đót cho biết: “Năm nay, nhờ chủ động chuẩn bị nguồn nguyên liệu nên chúng tôi không sợ thiếu hàng. Tuy nhiên, vì không bị hút hàng như năm trước nên các tiểu thương ép “gửi chổi” (khi bán hết mới trả tiền). Bởi vậy, dân làm chổi chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Đến giờ, vốn đổ ra để làm hàng của gia đình đã vượt hơn 200 triệu đồng nhưng vẫn chưa thu hồi được đồng nào. Trong khi tiền công của công nhân thì phải thanh toán theo ngày”. Tuy khó khăn, nhưng hàng trăm hộ dân ở thôn Mỹ Thành vẫn bám nghề. Nhiều cụ cao niên tâm sự, họ gắn bó với nghề chổi đót đã gần hết cuộc đời nên giờ không thể dứt được. Cụ Đào Thị Điểm, 60 tuổi giải bày: “Mùa này nhu cầu tiêu thụ chổi nhiều, chúng tôi có hàng làm thường xuyên. Mỗi ngày kiếm được khoảng 25.000 đồng, tuy ít nhưng được làm nghề là vui lắm rồi”.

 

TUYẾT HƯƠNG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek