Bước vào vụ thu hoạch mía 2010-2011, nông dân trồng mía tỉnh Phú Yên phấn khởi vì giá cả và sản lượng ban đầu đều tăng. Để chuẩn bị khởi động cho vụ ép mới, các địa phương và nhà máy đường đã triển khai đốt lò, kiểm tra vùng nguyên liệu, khảo sát giá mía, đường và hoàn tất phương án thu mua hợp lý.
Sản xuất mía đường tại Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa. - Ảnh: H.NAM
NÔNG DÂN HỒ HỞI
Trong năm qua, diện tích mía của tỉnh đã tăng từ 18.500ha lên gần 20.000ha. Sơn Hòa là địa phương có vùng nguyên liệu mía lớn và phát triển nhanh với khoảng 8.500ha, tăng gần 200ha so với cùng kỳ, trong đó mía trồng lại và trồng mới gần 1.200ha. Là vụ mía thứ 10 kể từ khi Nhà máy Đường KCP đi vào hoạt động, tạo điều kiện phát triển ổn định vùng nguyên liệu, thực hiện chính sách thu mua hợp lý, giá cả phù hợp với giá thị trường trong khu vực, đã tạo sự yên tâm và khuyến khích bà con nông dân đầu tư thâm canh mở rộng diện tích và tăng năng suất. Ông Đào Duy Linh, Trưởng Phòng NN - PTNT huyện Sơn Hòa cho biết: “Niên vụ 2009-2010, toàn huyện thu hoạch gần 450.000 tấn mía nguyên liệu, năng suất bình quân đạt 53,7 tấn/ha. Trong đó, Nhà máy đường KCP thu mua hơn 370.000 tấn với giá tương đối cao nên vụ 2010-2011, bà con mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích và sử dụng nhiều loại giống cao sản như: R570, Roc 16, K88-65, VN 84-4137, K95-84 và Thái Lan… nên dự kiến năng suất, sản lượng sẽ đạt cao so với năm trước.
Xã Suối Bạc có gần 1.500ha mía trải đều các thôn buôn. Dọc các tuyến đường liên xã, thôn trong những ngày chuẩn bị bước vào thu hoạch, đâu đâu cũng bắt gặp không khí phấn khởi, rạo rực trên những cánh đồng mía vàng chín. Chị Nguyễn Thị Hằng ở thôn Phú Hữu bày tỏ niềm vui: “Năm nay tôi trồng được khoảng 3ha, ngay từ khi xuống giống mía phát triển tốt, thân cây mập và cao, khả năng năng suất sẽ đạt cao hơn vụ trước. Với giá cả như hiện nay, tôi hoàn toàn yên tâm, chỉ chờ ngày được cấp phiếu đốn là xong. Hy vọng Tết này sẽ tươm tất và vui hơn”.
Ở huyện Sông Hinh, diện tích trồng mía hiện nay trên 3.000ha mía, tăng gần 140% so với vụ trước. Chị Dương Thị Hân ở xã Đức Bình Đông phấn khởi cho biết: “Năm nay tôi trồng gần 1ha, hiện đang chờ thu hoạch, năng suất ước đạt từ 60-70 tấn/ha. Nếu giá cả ổn định và tăng cao thì thu nhập cũng khá”.
NHÀ MÁY SẴN SÀNG
Vùng nguyên liệu được tỉnh phân bổ cho Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam khoảng 13.000ha, tập trung ở địa bàn các huyện Sơn Hòa, Đồng Xuân, Tuy An.
Ông R. Subbaiah, Tổng Giám đốc công ty cho hay, ngay từ đầu vụ mọi chính sách đầu tư cho nông dân, phát triển bền vững vùng nguyên liệu, sửa chữa, nâng cấp đường giao thông nội vùng được triển khai khá chu đáo. Máy móc, nguồn nhân lực phục vụ cho sản xuất đã sẵn sàng. Nhà máy triển khai đốt lò hơi từ ngày 24/11 và dự kiến sẽ chính thức khởi động vụ ép mới sau ngày 15/12.
Theo Ban điều hành chương trình mía đường huyện Sơn Hòa, công tác quản lý, điều hành vùng nguyên liệu, vận động nông dân chủ động chuẩn bị phương tiện, nhân công sẵn sàng cho vụ thu hoạch đã hoàn tất. Ông Cao Minh Hòa, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa nói: “Mặc dù nhà máy đường KCP chưa chính thức thông báo giá thu mua, nhưng hiện giá mía nguyên liệu khá cao. Huyện đã làm việc với đơn vị thu mua kịp thời điều chỉnh giá mía theo biến động của giá đường trong khu vực, đảm bảo cả nhà máy và người dân cùng có lợi. Hy vọng năm nay, người trồng mía trên đất núi Sơn Hòa sẽ bội thu”.
Nhà máy Đường Tuy Hòa có vùng nguyên liệu hơn 4.200ha, phần lớn tập trung ở địa bàn hai huyện Sông Hinh và Tây Hòa, cũng đã vào vụ ép mới từ giữa tháng 11/2010. Ông Nguyễn Xuân Tiên, Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa cho biết: “Để ổn định và phát triển bền vững diện tích, công ty đã đầu tư hơn 50 tỉ đồng tiền giống, phân bón, nâng cấp đường giao thông… và thực hiện chính sách bảo hiểm giá sàn tại nhà máy là 600.000 đồng/tấn cho mía 10CCS. Để nông dân phấn khởi, yên tâm và chủ động lên kế hoạch chặt mía, công ty đang mua mía với giá 870.000 đồng/tấn tại ruộng”. Ông Tiên cho biết thêm, mới đây tại Nhà máy Đường Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), Hiệp hội mía đường tiểu vùng Miền Trung và Tây Nguyên đã họp bàn các giải pháp cho an ninh vùng nguyên liệu, tránh tình trạng tranh chấp trong thu mua giữa các nhà máy và điều chỉnh giá hợp lý theo thị trường, nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi và đem lại lợi nhuận cao nhất cho nông dân.
UBND tỉnh vừa có công văn chỉ đạo Sở Công Thương (cơ quan Thường trực Ban điều hành chương trình mía đường, sắn tỉnh) chủ trì công tác kiểm tra và giám sát việc thu mua mía trên địa bàn. Theo đó, Sở Công Thương phối hợp với các sở liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, giám sát việc thu mua mía của các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh; đảm bảo giá thu mua mía tương xứng với giá bán đường, bảo vệ quyền lợi của người trồng mía; chấn chỉnh việc tranh mua, tranh bán đẩy giá nguyên liệu lên quá cao. Đồng thời, UBND tỉnh cũng yêu cầu các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh mua mía với giá phù hợp giá đường trên thị trường; kịp thời điều chỉnh tăng giá mua mía phù hợp với tăng giá đường và chấp hành nghiêm chỉnh mua mía theo đúng quy hoạch vùng nguyên liệu của nhà máy.
PHƯƠNG