Ngày 8/10, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên có quyết định công bố dịch heo tai xanh tại xã An Thạch (huyện Tuy An). Quyết định của UBND tỉnh nêu rõ, trong thời gian công bố dịch, nghiêm cấm vận chuyển, mua bán heo và sản phẩm của heo trong vùng dịch... Thế nhưng, vào ngày 9/10, việc mua bán vận chuyển heo ở vùng dịch này diễn ra bình thường.
Một người mua heo tại vùng dịch thôn Phú Thịnh (xã An Thạch). - Ảnh: M.H.NAM |
Vừa qua khỏi tấm biển báo “Khu vực có bệnh heo tai xanh”, chúng tôi đã thấy trước mặt một chiếc xe máy chở heo. Đi tiếp một đoạn đường nữa, cách nhà bà Võ Thị Liêm - gia đình ở thôn Phú Thịnh, xã An Dân có heo mắc bệnh tai xanh phải tiêu hủy chiều ngày 8/10 - khoảng 50m lại thấy một xe máy chở heo khác đang dựng dọc đường. Chị H, người bán heo, nói: “Sáng nay nhà tôi đã bán 8 con heo. Do thông tin có dịch bệnh nên giá heo giảm trầm trọng. Mới hôm qua heo 22.000 đồng/kg thì hôm nay chỉ còn 20.000 đồng/kg, mặc dù heo nhà tôi rất khỏe mạnh”.
Lo sợ tình hình dịch bệnh lây lan rộng, giá heo giảm nên nhiều hộ gia đình gấp rút bán heo, kể cả những lứa heo chưa lớn. Bà Nguyễn Thị Hoa, một người nuôi heo trong thôn Phú Thịnh (xã An Thạch) cho biết, do giá cám hiện nay quá cao trong khi giá thịt heo liên tục giảm, nếu cứ để heo trong chuồng thì không còn tiền mua cám, còn nếu cứ để nuôi bằng rau, cám gạo thì heo sẽ ốm, rất khó bán. Mà dịch bệnh thì không biết bao giờ hết nên tốt nhất là bán non, vớt vát được đồng nào hay đồng nấy”. Cách đây 10 ngày, bà Hoa bán 10 con heo cho lò mổ ở xã An Dân (huyện Tuy An), hiện trong chuồng nhà bà còn 2 heo nái và 4 heo con.
Ông Phạm Minh Long, một chủ trang trại heo ở xã An Dân cho biết, ông nuôi hơn 40 con. Heo còn quá nhỏ, không thể bán nên ông chú trọng việc tiêm phòng, thường xuyên phun thuốc tiêu độc khử trùng.
Bà Võ Thị Liêm, chủ hộ chăn nuôi có heo mắc bệnh tai xanh, cho biết: “Đàn heo nhà tôi gồm 1 nái, 7 heo con. Trước đó hơn 1 tuần, 6 heo nhỏ, mỗi con cân nặng 30kg bỏ ăn nên tôi gọi thú y đến tiêm thuốc nhưng không khỏi. Heo chết, tôi đem chôn trên núi. Sau đó hai ngày, các con heo còn lại tiếp tục phát bệnh, tôi gọi thú y đến tiêm thuốc 2-3 ngày vẫn không khỏi nên mới lên UBND xã báo cáo”. Các cơ quan chức năng đến lấy mẫu để xét nghiệm, kết quả cả 2 mẫu heo nhà bà Liêm đều dương tính với bệnh tai xanh.
Theo bà Liêm, gia đình bà nuôi heo nái, không phải mua giống trôi nổi ngoài chợ mà gầy giống từ heo nuôi tại nhà. Trước đó em trai bà mua heo từ trại giống về để nuôi nái. Bà Liêm mua về một con làm giống, tính đến khi mắc bệnh, heo nái của bà đã sinh sản được 5 lứa. Về việc tiêm phòng định kỳ, bà Liêm cho biết gia đình tự mua thuốc về tiêm. “Ở đây thú y chủ yếu tiêm phòng cho bò, còn heo lâu nay không thấy họ đến tiêm phòng định kỳ” - bà Liêm nói.
NHÓM PV KINH TẾ