Thứ Năm, 28/11/2024 21:42 CH
Rừng Sam Ung kêu cứu
Chủ Nhật, 10/10/2010 15:00 CH

Phóng viên Báo Phú Yên đã có chuyến thâm nhập thực tế tại rừng Sam Ung (thôn Trung Trinh, xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa) và phát hiện một bãi tập kết cây cổ thụ cùng hàng loạt cây gỗ đường kính lớn bị đốn ngã.

 

PR101010.jpg

Một cây đại thụ đã bị hạ gục được phủ bao bố chống nắng  - Ảnh: P.V

 

TAN HOANG RỪNG SAM UNG

 

Lần theo vết bánh xích xe ủi, xe múc được các đối tượng khai thác huy động để “mở” đường vận chuyển cây cảnh, nhóm phóng viên Báo Phú Yên đã thâm nhập và bắt gặp một bãi tập kết nhiều cây cổ thụ đường kính lớn, có cây đường kính thân 1,5-2m, cao gần 15m. Gần đất của ông Mười Hiền ở rừng Sam Ung là “đại công trường” khai thác cây cảnh quy mô, tổ chức bài bản. Ba cây đại thụ có tuổi thọ hàng trăm năm đã bị bứng gốc nằm sõng soài phơi rễ. Kề bên là hàng trăm bao vỏ trấu lót sẵn “nâng niu” để cây không bị trầy xước khi được hạ xuống. Vì chưa tìm được “cách” thoát ra khỏi địa bàn tỉnh nên những cây này được chủ nhân của nó “dưỡng da” bằng cách phủ kín bao bố trên toàn thân và gốc. Theo người dân ở đây, các cây này không còn “sức sống” vì rễ đã lìa khỏi đất trong thời gian quá lâu. Quan sát xung quanh, hàng loạt cây gỗ đường kính từ 20-40cm trên diện tích khoảng 1ha bị hạ gục không thương tiếc… Một cảnh tượng hoang tàn đến hãi hùng. Chưa hết, kề bên các cây đã bị hạ, nhiều cây cổ thụ khác nằm trong “danh sách” khai thác đã được cưa, tỉa cành ngọn bài bản chờ ngày “tốt” để moi gốc đưa ra vị trí tập kết. Một người dân cho hay, hình thức mua bán được diễn ra ngay trong rừng, người có cây chỉ việc chỉ địa điểm là có thể nhận được từ 3-5 triệu đồng/cây, còn lại chủ khai thác tự thuê nhân công, xe máy đào bới, vận chuyển đi.

 

Tiếp xúc với các tài xế và chủ của đoàn xe 6 chiếc “cõng” các cây cổ thụ nằm ì gần một tháng qua trên địa bàn xã Sơn Long mới thấy sự kiên nhẫn của họ đã không còn. Nhiều người mệt mỏi bức xúc vì sự việc được xử lý quá chậm. Một tài xế than thở: “Xe đứng bánh, chúng tôi cũng đứng tim vì một ngày mất đi một khoản tiền khá lớn. Nếu không bị “nhốt” cây cổ thụ trên xe, một ngày xe lăn bánh, trừ chi phí cũng kiếm vài trăm ngàn. Bức xúc, chúng tôi liên lạc với chủ cây thì nhận được toàn lời hứa lèo, nay thì nói 2 bữa nữa sẽ “giải”, mai nói 3 hôm sau là xong…

 

DẤU HIỆU PHÁ RỪNG?

 

Theo vết xe để lại, chúng tôi tiến sâu hơn vào rừng Sam Ung và bắt gặp một lán trại bỏ hoang được dựng lên với đầy đủ vật dụng phục vụ sinh hoạt như nồi niêu, xoong chảo... Hỏi thăm mới biết, đây đã từng là nơi “trú ẩn” của hàng chục nhân công được chủ khai thác thuê ăn dầm, nằm dề để làm mỗi một việc là đào bới cổ thụ. Việc đầu tư làm con đường vào các điểm khai thác khá công phu và tốn kém. Các con suối trước kia cắt ngang qua đường tạo thành những khe sâu được “chủ đầu tư” lắp đặt cống thoát nước để cho xe tải trọng lớn ra vào bãi tập kết đào múc, cẩu và vận chuyển cây cổ thụ. Một người dân làm rẫy tại đây cho biết, trước đây đi lại con đường này rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa vì bị suối cắt ngang, xẻ dọc, nước chảy xiết, nhưng nay đi lại dễ dàng, xe gắn máy vào được tận nương rẫy, cửa rừng. Nhưng cũng chính con đường này đã tạo thuận lợi, tiếp sức cho lâm tặc phá rừng, khai thác gỗ lậu. Nhìn những cây to bên bờ suối vừa bị cưa sát gốc, rỉ nhựa tươi mà thấy đau lòng.

 

Tại các ngã ba trên con đường này xuất hiện nhiều đường mòn còn mới tinh dấu vết cây cối, bụi rậm bị phát quang. Tiến vào sâu hơn, chúng tôi tận mắt chứng kiến nhiều cây gỗ quý có đường kính hơn 50cm vừa mới bị đốn ngã. Lâm tặc dùng cưa lốc xẻ cây ra thành phẩm tại chỗ rồi vận chuyển đi, để lại những đống mùn cưa, lát ván bìa, cành ngọn ngổn ngang. Đâu đó bên khu rừng đối diện, tiếng gầm rú inh ỏi của cưa lốc vọng lại khiến tất cả chúng tôi có cùng chung một ý nghĩ “còn đâu nữa Sam Ung ơi”!.

 

Theo nhiều người dân ở đây, từ khi con đường này được mở rộng, xe cộ vào ra tấp nập. Tiếng máy nổ, cây ngã đổ suốt ngày đêm làm náo động cả cánh rừng. Lợi đâu không thấy mà rừng ngày càng bị tàn phá. Cuộc sống một vùng quê vốn yên ả bỗng dưng bị xáo trộn bởi sự xuất hiện của nhiều người lạ mặt, xe cộ đi lại, dừng đỗ chật kín cả đường đi. Rõ ràng mưu mô của các đối tượng khai thác không chỉ dừng lại ở những cây được cấp phép khai thác tận thu trên nương rẫy theo quy định, mà có khả năng sẽ mở rộng “dự án” phá rừng có quy mô, trong thời gian dài nếu không được ngăn chặn kịp thời, vì chi phí phục vụ cho việc khai thác là quá lớn, như đầu tư san ủi đường, huy động, tập kết phương tiện khai thác, vận chuyển hiện đại, hùng hậu.

 

NHÓM PV KINH TẾ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek