Cây sắn 10 đến 12 tháng tuổi sẽ cho chữ bột và sản lượng cao nhất. Nhưng nhiều nông dân ở huyện Sông Hinh đổ xô thu hoạch để bán, bất chấp sắn chưa đủ tuổi.
Nông dân thu hoạch sắn non, chuyển đến nhà máy để bán - Ảnh: V.THÙY
Đầu tháng 8/2010, Công ty cổ phần Tinh chế bột sắn POCOCEV (Sông Hinh) vào hoạt động niên vụ mới, giá thu mua sắn củ gần 2.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với cùng thời điểm niên vụ trước. Thấy 8 sào sắn của mình củ đã lớn, Ma Sương ở buôn Hai Krông, xã Ea Bia nhờ bà con tới giúp mình nhổ bán. Sau khi bán 9 tấn sắn củ, trừ hết chi phí cho lời được 10 triệu đồng. Thấy Ma Sương bán sắn non vẫn được giá, lần lượt từ nhà này đến nhà khác trong buôn cùng bảo nhau nhổ sắn bán. Ma Sương cho biết, việc nhổ sắn non như trở thành phong trào, thấy nhà này nhổ bán có tiền là nhà kia làm theo. Điều đáng nói có rất nhiều diện tích thu hoạch mới chỉ 5, 6 tháng tuổi, sản lượng đã thấp nhưng chữ bột càng thấp hơn.
Việc nhổ sắn non diễn ra phổ biến ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Sông Hinh. Lý do là sợ giá cả lên xuống thất thường, vì cần tiền tiêu, trong khi đó giá sắn thu mua năm nay cao gần gấp đôi cùng thời điểm này năm trước. Nhổ sắn non khiến không ít nông dân rơi vào cảnh dở khóc, dở cười. Ma Mia ở buôn Ly, xã Ea Trol, cho biết: Cả nhà trồng gần 1ha sắn 5 tháng tuổi, thấy nhiều người trong buôn nhổ bán, tôi cũng làm theo, do gặp nắng hạn nên củ nhỏ, thuê ô tô chở đến nhà máy nhưng không đảm bảo chữ bột lại chở về. Băm sắn khô thì không có công, đành bán đổ bán tháo được hơn 1 triệu đồng.
Cũng có người thu hoạch sắn non vì lý do tránh mùa mưa đang đến gần. Ma Ten ở buôn Ma Sung, xã Ea Bia trồng gần 1ha sắn ở bên kia sông, việc vận chuyển sắn phải đi đường vòng, len qua ven rẫy của các hộ khác. Năm trước mưa nhiều sợ sắn úng nước nên nhổ bán chạy, nhưng vì đường trơn nên không có xe vào chở, phải thuê máy cày “tăng bo” 2 tấn một lần chuyển ra đường lớn, mỗi lần hết 400.000 đồng. “Trừ hết chi phí, thu lời cũng chẳng được bao nhiêu, nghĩ lại mà thấy sợ nên năm nay chấp nhận nhổ sắn non tránh mùa mưa đang đến”, Ma Ten nói.
Nhưng cũng có nhiều bà con đồng bào thiểu số có cách nghĩ, cách làm mới, cương quyết không bán sắn non. Gia đình Mí Linh trồng 4ha sắn, trong đó có 1ha trồng vào thời điểm cuối tháng 11 năm ngoái, đến thời điểm này vừa giáp năm, thu hoạch đạt sản lượng 15 tấn, trừ hết chi phí còn lời hơn 20 triệu đồng. Mí Linh cho biết: Cày đất bằng loại chảo 3 sau đó lấy chảo 6 ấp lại thành luống, tạo rãnh thoát nước, như vậy sẽ không phải bán chạy mỗi khi gặp mưa lớn. Với giá thu mua sắn tươi cao như năm nay, 4ha sắn của Mí Linh mang lại lợi nhuận khoảng 70 triệu đồng.
Đến thời điểm này, ở các xã có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số như Ea Trol, Ea Bia, Ea Bá (huyện Sông Hinh), diện tích sắn chỉ còn lại khoảng 30%. Y Dem, cán bộ nông nghiệp xã Ea Bá, cho biết: Toàn xã có 261ha sắn thì ngay đầu vụ đã nhổ gần 90ha, trong đó chủ yếu là sắn 5 đến 7 tháng tuổi. Những diện tích thu hoạch sớm sản lượng chỉ đạt bằng 2/3 so với để đủ tuổi, trong đó chữ bột chỉ đạt từ 20 đến 24% (thông thường đạt 28 đến 30% chữ bột nếu để đủ tuổi). Số tiền chênh lệch của 1ha giữa sắn non và sắn đủ tuổi khoảng 4-8 triệu đồng. Có thể thu hoạch sắn sau 9 tháng nếu trồng đúng quy trình kỹ thuật, nhưng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thói quen trồng quảng canh không phân bón, trong khi đó đất đã khai thác nhiều năm nên đã bạc màu. Vì vậy, để đảm bảo chữ bột, sản lượng, thì cần phải có thời gian từ 10 đến 12 tháng. Mặc dù vậy, chính quyền địa phương cũng không thể tuyên truyền mạnh vì không dám chắc là giá thu mua sắn có ổn định hay không!
VĂN THÙY