Nuôi trồng thủy sản nói chung và sản xuất giống thủy sản nói riêng ngày càng phát triển ở Phú Yên. Nhưng hiện nay, nhiều cơ sở sản xuất giống thủy sản phải đối mặt với những mối nguy từ ô nhiễm môi trường. Để tăng cường các biện pháp hạn chế ô nhiễm môi trường trong sản xuất giống thủy sản, Báo Phú Yên đã có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Hằng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản Phú Yên xung quanh vấn đề này.
Trại mua bán cá giống nước ngọt ở TP Tuy Hòa – Ảnh: A.NGỌC
* Xin bà cho biết những tiêu chuẩn kỹ thuật để xây dựng một trại sản xuất giống thủy sản?
- Nhằm hạn chế những ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường có thể xảy ra trong quá trình sản xuất giống, yêu cầu đầu tiên là chọn địa điểm xây dựng trại giống phải đạt tiêu chuẩn kỹ thuật. Khi quy hoạch các khu sản xuất giống phải khảo sát chọn lựa địa điểm nuôi phù hợp, thuận lợi, trong đó nguyên tắc quan trọng nhất là “không bị các hoạt động sản xuất của khu vực xung quanh gây cản trở hoặc làm ô nhiễm môi trường”. Ngoài ra, các yếu tố khác cũng phải phù hợp như chất lượng nước sử dụng trong nuôi trồng phải đảm bảo phục vụ sản xuất giống và đạt tiêu chuẩn. Độ pH nước trong khoảng cho phép, không bị nhiễm mặn, không nhiễm hóa chất độc hại hoặc kim loại nặng. Kết cấu đất có độ kết dính cao như đất thịt, đất thịt pha cát đảm bảo yêu cầu công trình trên nền đất vững. Xây dựng bờ ao, mương nước chắc chắn không bị rò rỉ, đáy ao giữ được nước và dễ tạo nguồn thức ăn tự nhiên…
* Làm thế nào để hạn chế ô nhiễm môi trường trong bể ương nuôi ấu trùng trong quá trình sản xuất giống thủy sản, thưa bà?
- Môi trường trong bể ương nuôi ấu trùng, bể đẻ… được xem là an toàn nếu nước trong bể đủ về lượng và chất. Nước trong bể nuôi được xem là đảm bảo chất lượng nếu các thông số vật lý như độ mặn, nhiệt độ, độ kiềm, pH ổn định trong khoảng cho phép, nước không bị ô nhiễm hữu cơ, ô nhiễm vi sinh, không bị nhiễm các sinh vật gây bệnh. Nước nuôi không chứa các loại thuốc kháng sinh có trong danh mục thuốc và hóa chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thủy sản do Bộ NN - PTNT quy định. Biểu hiện cụ thể nhất của môi trường bể ương an toàn là vật nuôi khỏe mạnh, màu sắc tươi sáng, không bị nhiễm bệnh…
Các chất hữu cơ gây ô nhiễm trong bể ương ấu trùng sẽ phát sinh theo thời gian ương nuôi. Các chất gây ô nhiễm chủ yếu gồm các bon hữu cơ (thức ăn, phân bón), ni tơ, phốt pho được phân hủy từ các prôtêin… Nồng độ các chất ô nhiễm trên được biểu thị bởi một số chỉ tiêu chung như nhu cầu ôxy hóa sinh, tổng ni tơ và tổng phốt pho. Ngoài ra, sự xuất hiện các mầm bệnh trong bể ương cũng là kết quả của quá trình vận hành, kiểm soát bể ương.
Như vậy, để hạn chế ô nhiễm môi trường trong bể ương nuôi ấu trùng, phải có quy trình xử lý nước phù hợp, đảm bảo trước khi cấp vào bể ương. Trong quá trình ương nuôi, người nuôi cũng phải kiểm soát được những nguồn phát sinh gây ô nhiễm và có giải pháp kỹ thuật phù hợp để điều chỉnh môi trường bể ương luôn trong trạng thái sạch, an toàn cho ấu trùng phát triển. Các biện pháp kỹ thuật thường được sử dụng như xử lý nước cấp vào ao đạt tiêu chuẩn, chọn con giống bố mẹ khỏe mạnh, không mang mầm bệnh, định kỳ siphon, thay nước, kiểm soát thức ăn, sử dụng thuốc kháng sinh phòng bệnh, sử dụng các chế phẩm sinh học có tác dụng giải quyết ô nhiễm môi trường…
* Xin cảm ơn bà!
NGỌC NHƯ (thực hiện)