Thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp cho hai vấn đề nổi lên là kiểm soát lạm phát và tháo gỡ khó khăn về thiếu điện.
Khách mua hàng tại siêu thị Co.op Mart Tuy Hòa - Ảnh: M.CHÂU
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh như vậy khi kết luận phần thảo luận tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ quý IV/2010 tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9-2010 diễn ra ngày 30-9 ở trụ sở Chính phủ.
KHÔNG CHỦ QUAN VỚI LẠM PHÁT
Tại cuộc họp báo cùng ngày, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm phát triển theo chiều hướng tích cực, nền kinh tế phục hồi khá nhanh, cao hơn cùng kỳ năm 2008 và 2009. GDP 9 tháng đạt khoảng 6,52%, hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng của cả năm như Quốc hội đề ra.
Những nội dung chính được báo cáo trong phiên họp Chính phủ tháng 9-2010 là tình hình kinh tế - xã hội, việc cung cấp hàng hóa, điện; giá cả và các biện pháp bảo đảm chỉ số giá tiêu dùng (CPI); tình hình mới nhất tại Vinashin sau khi tái cơ cấu.
Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rất quan tâm đến hiện tượng CPI tháng 9 tăng đến 1,31%, đẩy CPI 9 tháng đầu năm 2010 lên 6,46%. Các bộ, ngành phân tích rõ nguyên nhân đẩy CPI tăng cao là mức tăng giá của nhóm hàng lương thực và giáo dục.
Trong tháng 9, có 22 triệu học sinh, sinh viên tựu trường khiến mức tiêu thụ đồ dùng giáo dục tăng lên. Nhóm hàng lương thực tăng theo tình hình biến động của giá lương thực thế giới, điều này có lợi cho nông dân. Các nguyên nhân tăng giá không có tính đột xuất, Chính phủ vẫn tin tưởng bảo đảm kiềm chế lạm phát cả năm dưới 8%.
Thủ tướng nhấn mạnh cần thích ứng nhanh với biến động kinh tế thế giới, không chủ quan với lạm phát. Các tập đoàn, tổng công ty phải theo dõi sát diễn biến giá cả để có biện pháp xử lý kịp thời.
Các cơ quan chức năng phải giữ ổn định cung - cầu hàng hóa, chống đầu cơ tăng giá, không để lạm phát tâm lý diễn biến trong xã hội. Đặc biệt, kiểm soát tốt giá thuốc chữa bệnh và giá sữa, ổn định dự trữ hàng hóa tiêu dùng. Mặt hàng nhạy cảm là gạo luôn có sản lượng dự trữ rất lớn, bảo đảm xuất khẩu và đủ dự trữ.
Sắp tới, Chính phủ sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc phổ biến 14 giải pháp cần triển khai đồng bộ nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát theo tinh thần Nghị quyết 18/NQ-CP.
QUYẾT LIỆT TIẾT KIỆM ĐIỆN
Theo dự báo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, GDP cả năm có thể đạt 6,7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra.
Để tập trung cho mục tiêu tăng trưởng, Chính phủ yêu cầu Tập đoàn Điện lực VN (EVN) trước mắt hạn chế cắt điện. Để có đủ điện cung cấp cho kinh tế - xã hội, Bộ Công Thương và EVN phải đẩy mạnh bổ sung nguồn điện mới theo tổng sơ đồ VI và có thể nhập khẩu điện.
Mặt khác, quyết liệt đẩy mạnh tiết kiệm điện bằng cách chế tài các hành vi lãng phí điện; điều tiết khoa học, hợp lý về sản xuất và tiêu dùng điện của các hộ lớn và cá thể.
Bộ Công Thương và EVN cũng có nhiệm vụ đưa ra phương án giá điện theo thị trường trong năm 2011, giải quyết tình trạng giá thấp khó thu hút đầu tư cũng như không khuyến khích sử dụng tiết kiệm. Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhìn nhận tình hình cung cấp điện sẽ còn nhiều khó khăn do khô hạn bất thường.
Một nhiệm vụ quan trọng khác để đạt mục tiêu tăng trưởng cao là đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Muốn vậy, các ngân hàng phải điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến khẳng định sẽ có bước đi phù hợp để giảm lãi suất. Hiện nền kinh tế đang có đà tăng trưởng tốt nhưng lạm phát đang ở mức cao so với cùng kỳ năm 2009. Nếu giảm ngay lãi suất xuống mức thấp theo ý chủ quan sẽ không huy động được vốn cần thiết cho các ngân hàng.
Theo NLĐ