Hỗ trợ phát triển bền vững vùng nguyên liệu góp phần tăng thu nhập nâng cao đời sống nông dân trồng mía và người lao động là mục tiêu, định hướng xuyên suốt của Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam (gọi tắt là Công ty KCP).
Nhà máy Đường KCP Sơn Hòa nâng công suất lên 5.000 tấn/ngày - Ảnh: N.TRƯỜNG
Là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, Công ty KCP chính thức đi vào hoạt động từ tháng 6/2001 tại huyện Sơn Hòa, với tổng vốn đầu tư 43 triệu USD, công suất 2.500 tấn mía/ngày; niên vụ 2007-2008 đã nâng công suất lên 5.000 tấn/ngày. Sự có mặt và ngày càng phát triển của KCP đã mở ra hướng đi mới đầy triển vọng cho người trồng mía ở Phú Yên. Ông K.V.S.R Subbaiah, Tổng Giám đốc Công ty KCP cho biết: “Mục tiêu của doanh nghiệp là phấn đấu nâng cao hiệu quả sản xuất vì lợi ích song phương giữa người trồng mía và nhà máy, làm tròn nghĩa vụ với nhà nước Việt Nam, tham gia tích cực, kịp thời các hoạt động xã hội, nhân đạo với mong muốn góp phần cho sự nghiệp phát triển kinh tế của tỉnh Phú Yên, vun đắp cho tình hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ”.
Nhờ tỉnh có quy hoạch phát triển ổn định vùng nguyên liệu mía, loại cây này có vị thế vững chắc trong cơ cấu cây trồng và trở thành “cây xóa đói giảm nghèo”, cho thu nhập cao đối với nhân dân các huyện miền núi. Công ty KCP có đóng góp đáng kể trong việc phát triển ổn định vùng nguyên liệu mía của Phú Yên. Theo ông K.V.S.R Subbaiah, để chủ động trong sản xuất trồng trọt, nhà máy đầu tư toàn bộ giống, phân bón, thuốc diệt cỏ trong 3 năm và vụ đầu tiên chỉ thu lại 60%, vụ thứ hai 40%. Đối với tiền mặt, áp dụng lãi suất 0,85%/tháng. Công ty đứng ra ký hợp đồng vận chuyển mía nguyên liệu về nhà máy và mua theo giá thị trường. Để đảm bảo cho người trồng mía không bị lỗ, công ty áp dụng chính sách bảo hiểm 500.000 đồng/tấn.
Nhờ chính sách đầu tư, mua mía khá ổn định và phù hợp của KCP, nhiều nông dân trồng mía trước kia chỉ làm manh mún với diện tích nhỏ lẻ, nay đã mạnh dạn mở rộng diện tích lên hơn 10ha/hộ. Hiện nay, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số sau khi được Công ty KCP đầu tư cũng đã mở rộng diện tích, như hộ Y Ảnh ở thôn Nguyên Xuân (xã Sơn Nguyên) trồng được 8ha, vụ rồi cho thu nhập hơn 200 triệu đồng; hộ Y Sửu cũng ở thôn Nguyên Xuân trồng 2ha, thu nhập 50 triệu đồng. Nhờ vậy, hiện nay họ đã có cuộc sống ổn định, nhà cửa, vật dụng sinh hoạt khang trang, đàng hoàng. Ông Trần Văn Bàn ở xã Sơn Nguyên, một trong những người tiên phong trong phát triển diện tích mía ở huyện Sơn Hòa, cho biết: Người trồng mía muốn có thu nhập ổn định, thỏa đáng, bảo đảm đầu ra của sản phẩm trong mọi thời điểm thì phải tính đến phương án lâu dài, không nhất thời chạy theo tiểu lợi nhuận mà quên đi yếu tố năng lực nhà đầu tư và chính sách đôi bên cùng có lợi.
Niên vụ 2010 - 2011, Công ty KCP tiếp tục ký hợp đồng với 7.800 hộ nông dân, diện tích mía hơn 14.000ha trên toàn tỉnh với tổng vốn đầu tư 110 tỉ đồng. Đồng thời, áp dụng chính sách chọn lựa, khuyến khích nông dân sản xuất giỏi để đầu tư không hạn chế với mức tối đa là 25 triệu đồng/ha, gấp từ 2 - 2,5 lần so với nông dân bình thường.
Ngoài những chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng thu nhập cho người trồng mía, hàng năm Công ty KCP còn đầu tư khoảng 1 tỉ đồng để sửa chữa các tuyến giao thông nội đồng phục vụ vận chuyển nguyên liệu cho nông dân. Điều này góp phần làm giảm chi phí vận chuyển, đảm bảo chất lượng mía sau thu hoạch. Ông K.V.S.R Subbaiah cho biết thêm: “Hàng năm, Công ty KCP hỗ trợ phát triển sản xuất và tham gia các hoạt động xã hội từ thiện nhân đạo trên dưới 3 tỉ đồng. Để tạo công ăn việc làm ổn định cho công nhân, người lao động và để rải vụ, tạo nguyên liệu phục vụ ép thường xuyên, công ty sẽ đề xuất với tỉnh mở rộng dự án mía có nước tưới lên 20-30% tổng diện tích”.
Đồng hành cùng Công ty KCP và người trồng mía, những năm qua huyện Sơn Hòa, địa phương có vùng nguyên liệu mía lớn nhất tỉnh, luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất về chủ trương, chính sách vùng nguyên liệu, quyền lợi trực tiếp cho nông dân trồng mía và người lao động. Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa Lê Thanh Lai cho hay: “Chính sách nhất quán của huyện Sơn Hòa là tạo mọi điều tích cực nhất cho các doanh nghiệp trên địa bàn phát triển trên cơ sở pháp luật quy định, trong đó có Công ty KCP. Huyện đặc biệt chú ý đến những tồn tại, vướng mắc nảy sinh trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh giữa nhà đầu tư và người trồng mía để kịp thời khắc phục, đảm bảo mục tiêu hai bên cùng có lợi”.
PHƯƠNG