Kết quả nổi bật nhất trong Chương trình Khuyến công tại Phú Yên giai đoạn 2005-2009 là đào tạo nghề cho hàng nghìn lao động, giúp họ có thu nhập ổn định. Đồng thời, du nhập và phát triển nhiều nghề mới, làm phong phú thêm hoạt động tiểu thủ công nghiệp (TTCN), công nghiệp nông thôn (CNNT) của tỉnh.
Nghề mây tre đan giải quyết hàng trăm lao động nông nhàn mỗi năm - Ảnh: T.QUỚI |
Qua 5 năm thực hiện, hoạt động khuyến công ở Phú Yên đã tạo động lực thúc đẩy phát triển ngành nghề TTCN và làng nghề ở khu vực nông thôn. Qua đó, góp phần giải quyết đáng kể lao động nông nhàn, gia tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp.
Tổng kinh phí thực hiện Chương trình Khuyến công 5 năm qua là hơn 10,9 tỉ đồng, trong đó từ nguồn khuyến công quốc gia hơn 3,6 tỉ đồng, kinh phí khuyến công địa phương trên 1,5 tỉ đồng, kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia 500 triệu đồng và kinh phí huy động từ doanh nghiệp trên 5,3 tỉ đồng. Một số làng nghề được khôi phục và phát triển như: đan lát Vinh Ba, nước mắm Gành Đỏ, đan bóng cá mò o Sông Cầu, bó chổi đót Mỹ Thành, làng gốm Hòa Vinh, chiếu cói Phú Tân… Các làng nghề TTCN này hàng năm thu hút trên 2.640 hộ tham gia, giải quyết việc làm cho hơn 6.600 lao động.
Từ nguồn kinh phí hỗ trợ Chương trình Khuyến công và vận động các doanh nghiệp, Trung tâm Khuyến công Phú Yên đã du nhập, nhân cấy một số nghề mới mang lại hiệu quả kinh tế như: Gốm đất nung, thủ công mỹ nghệ từ cọng lá dừa, gỗ - đá mỹ nghệ… sản phẩm công nghệ mới từ composite, chế biến nông sản bằng công nghệ chiên chân không. Song song với việc du nhập nhân cấy nghề mới, Trung tâm Khuyến công phối hợp các doanh nghiệp đào tạo công nhân, thợ phục vụ nhu cầu sản xuất. Ông Huỳnh Công Điềm, Giám đốc Trung tâm Khuyến công Phú Yên, cho biết: “Từ nguồn hỗ trợ khuyến công quốc gia, địa phương và các doanh nghiệp, trong 5 năm đã thực hiện 83 đề án đào tạo nghề cho 6.217 lao động, nâng cao tay nghề cho 260 lao động. Thu nhập bình quân của những lao động bán thời gian từ 800.000- 1 triệu đồng/người/tháng (ngoài thu nhập từ sản xuất nông nghiệp)”.
Bên cạnh kết quả đáng chú ý trên, Chương trình Khuyến công cũng đã làm tốt các công tác hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực quản lý cho doanh nghiệp, tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm phát triển TTCN, làng nghề, triển lãm, hội chợ, đăng ký thương hiệu…
Những hoạt động trên đã góp phần phát triển sản xuất CNNT bền vững, tạo việc làm có thu nhập ổn định, góp phần tăng giá trị CNNT và TTCN trong tổng giá trị toàn ngành. Giá trị sản xuất CNNT-TTCN năm 2009 của Phú Yên đạt 2.465,5 tỉ đồng, chiếm 59,27% giá trị sản xuất toàn ngành của tỉnh. Nhận xét về hoạt động khuyến công tỉnh Phú Yên giai đoạn 2005-2009, ông Nguyễn Đình Hoàng Long, Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công Thương), cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao những kết quả mà Phú Yên đạt được. Trong đó, hai lĩnh vực tốt nhất là việc du nhập, nhân cấy thành công một số nghề mới có hiệu quả và đào tạo, giải quyết một lượng lao động lớn. Thời gian tới, hoạt động khuyến công Phú Yên nên chú trọng phát triển theo hướng này và đầu tư mảng CNNT với những mô hình trình diễn công nghệ mới”.
Từ kết quả khả quan của giai đoạn 2005-2009, năm 2010, Trung tâm Khuyến công Phú Yên tiếp tục phối hợp các doanh nghiệp vừa và nhỏ, xây dựng 10 dự án khuyến công, trong đó 3 dự án đào tạo nghề cho 770 lao động, 1 dự án hỗ trợ xúc tiến thương mại, 6 dự án có mô hình trình diễn công nghệ mới. Tất cả các dự án trên được hỗ trợ ngân sách từ Chương trình Khuyến công quốc gia hơn 1,7 tỉ đồng.
TRẦN QUỚI