Ông Phạm Rùm, được biết đến với cái tên Năm Rùm, 46 tuổi, ở thôn Đa Ngư (xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa), được nhân dân địa phương gọi là “Ông vua tôm thẻ chân trắng”. Vì sao như vậy?
HÀNH TRÌNH TRỞ THÀNH “VUA TÔM”
Ông Phạm Rùm giới thiệu hồ nuôi tôm của gia đình - Ảnh: P.V
Trở về địa phương sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông Phạm Rùm làm Phó Bí thư, rồi Bí thư Xã Đoàn Hòa Hiệp. Năm 1991, ông vào Hội Cựu chiến binh xã. Với cương vị nào, ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Qua nhiều năm tham gia các hội, đoàn thể, điều làm ông Năm Rùm trăn trở là làm sao tìm hướng làm ăn, phát triển kinh tế gia đình và giúp bà con vùng trũng thoát nghèo.
Nhờ có chủ trương, định hướng chuyển đổi của nhà nước đã chuyển đổi toàn bộ diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm sú, qua gần 10 năm đầu tư khai thác, hầu hết bà con nuôi tôm ở quê ông đều có lãi, nhà cao tầng mọc lên nhiều, cuộc sống thay đổi từng ngày. Tuy nhiên, do khai thác quá mức, thiếu ý thức bảo vệ môi trường,nên diện tích nuôi tôm sú bị ô nhiễm, tôm bị chết. Người dân thua lỗ, nợ vốn, nợ ngân hàng nhiều, không ít người đã bỏ hoang.
Ông Năm Rùm kể: “Vợ chồng tôi lúc ấy không đất, không vốn, chỉ làm nghề buôn thúng bán bưng con tôm sú nên cũng lao đao theo. Sau đó, đầu tư nuôi tôm với quy mô nhỏ. May mắn, tôi trúng liên tiếp mấy năm. Có được số vốn khá, hai vợ chồng mở rộng nghề mua bán tôm sang các tỉnh ven biển miền Trung”. Nhờ đó, ông có cơ hội học hỏi thêm kinh nghiệm nuôi tôm ở một số vùng. Năm 2004, ông mạnh dạn đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng khi chưa có gia đình nào nuôi loại tôm này, vì con giống rất đắt tiền. Nhiều người ngạc nhiên và khuyên ông không nên liều. Song, chỉ sau một thời gian ngắn thấy tôm thẻ chân trắng dễ nuôi, có nhiều tín hiệu lạc quan, nhiều người đã học hỏi và làm theo.
Năm 2006, vợ chồng Năm Rùm thuê 4ha vùng nuôi cao triều trên cát ở xã Hòa Hiệp Bắc (huyện Đông Hòa) để nuôi tôm thẻ chân trắng. Năng suất tôm trong vụ đầu của ông lên đến 25 tấn/ha, lập kỷ lục ở vùng hạ lưu sông Bàn Thạch (huyện Đông Hòa) tính đến thời điểm ấy. Cũng từ đó, ông được mọi người gọi là “Ông vua tôm thẻ chân trắng”.
Ông Năm Rùm trở thành tỉ phú làng cát Hòa Hiệp nhờ con tôm chân trắng. Hiện nay, nguồn vốn lưu động của gia đình ông lên đến hàng tỉ đồng, sở hữu một căn nhà mới trị giá gần một tỉ đồng. Ông có ba chiếc xe đông lạnh lưu động mua tôm, một ô tô 7 chỗ ngồi đời mới để phục vụ nhu cầu đi lại, làm ăn. “Phải làm giàu từ đồng đất quê hương” - đó là điều ông Rùm tâm niệm.
Khi được hỏi về những kinh nghiệm thành công, ông Năm Rùm thổ lộ: Ngoài việc đầu tư đầy đủ các yêu cầu về môi trường, con giống, người nuôi cần chú ý thực hiện đúng các quy trình thả nuôi, việc lấy nước vào ao, tạo môi trường nước có đủ số lượng phiêu sinh vật theo tiêu chuẩn trước khi thả tôm, chuẩn bị thức ăn, phòng ngừa dịch bệnh... Theo ông, không có một kỹ thuật chung nào để áp dụng cho việc nuôi tôm, tùy vào điều kiện cụ thể từng hồ, vùng nuôi mà có cách ứng dụng khác nhau, phải “ăn cùng tôm, ngủ cùng tôm” mới “hiểu” được con tôm.
TIẾP SỨC CHO NGƯỜI KHÓ KHĂN
Từ việc mở hướng mới cho bản thân làm ăn giàu có, ông đã hướng dẫn mọi người cùng làm. Ông Năm Rùm chia sẻ: “Thấy nhiều người bỏ hoang ao nuôi nhiều năm, vợ chồng tôi bàn với họ làm ăn theo kiểu người có của, kẻ góp công: bà con có ao đìa, lo công chăm sóc, coi ngó, còn vợ chồng tôi đầu tư con giống, thức ăn, kỹ thuật nuôi. Nếu nuôi có lãi thì chúng tôi ăn chia đôi, còn nếu thua lỗ thì vợ chồng tôi sẽ gánh phần nhiều”. Sau ba vụ nuôi, từ năm 2006-2008, ông Năm Rùm đều thắng lớn. Trong năm 2007, diện tích làm ăn theo kiểu “ăn chia” là 5ha, năm 2008 tăng lên 10ha, năng suất 10-25 tấn/ha, bình quân lãi 300- 350 triệu đồng/ha. Nhờ cách làm của ông Năm Rùm, 7 hộ nuôi tôm sú trước đây thua lỗ nặng đã trả hết nợ; 17 gia đình hội viên Hội Cựu chiến binh xã được vay vốn (50 triệu đồng/gia đình) sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo.
Trong nhiều năm qua, ông Năm Rùm đã cho mượn không tính lãi (50 triệu đồng/người) giúp nhiều người ở địa phương tiếp tục đầu tư nuôi tôm để gỡ gạc những thất bát trước đó. Nhiều hộ đã gượng dậy, trả được nợ ngân hàng. Hiện nay, cơ sở kinh doanh của vợ chồng ông đã giải quyết cho hơn 60 lao động nhàn rỗi của địa phương, thu nhập hơn 1,7 triệu đồng/người/tháng. Từ khi thành lập đến nay, cơ sở kinh doanh của ông đã nộp thuế cho nhà nước trên 1 tỉ đồng, nộp quỹ phúc lợi địa phương mỗi năm 20-30 triệu đồng.
Ông Lê Thanh Hóa, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hòa Hiệp Nam cho biết: “Không những cho mượn vốn trực tiếp, vợ chồng anh Năm Rùm còn bán ký nợ dài hạn tôm giống, thức ăn cho rất nhiều người dân địa phương. Nhiều gia đình được anh giúp đỡ, đủ sức đầu tư thả nuôi một vụ. Làm nghề mua bán, kinh doanh, đồng vốn luôn phải xoay vòng, nhưng vợ chồng anh Năm Rùm luôn tạo điều kiện khất nợ khi bà con làm ăn bị thua lỗ…”
PHONG NHÃ