Nhiều hộ dân đang canh tác trên các cánh đồng thuộc thôn Kim Sơn (xã An Thọ, huyện Tuy An) rất bức xúc vì ruộng của họ bị đất từ các điểm khai thác đá gần đó trôi xuống vùi lấp nhưng chủ mỏ vẫn “dùng dằng” chưa chịu giải quyết thiệt hại.
Một ruộng lúa của dân bị bỏ hoang do bùn đất vùi lấp. - Ảnh: H.TRUNG
Theo ông Lê Văn Đức, Trưởng thôn Kim Sơn, diện tích các ruộng lúa của 11 hộ dân bị đất từ những điểm khai thác đá tràn xuống bồi lấp khoảng 2.570m2 thuộc xứ đồng Nhà Thờ. Diện tích này bị bùn đất ngập sâu 2-20cm, trong đó ruộng của hai ông Lê Kim Văn và Phạm Ngọc Du bị thiệt hại nặng nhất.
Trưởng thôn Kim Sơn Lê Văn Đức cho biết nguyên nhân ruộng bị bồi lấp là do nằm cạnh các điểm khai thác đá chẻ của tư nhân, trong khi 2 nơi này có độ dốc rất lớn nên mỗi khi có mưa, bùn đất theo nước tuôn vào các đám ruộng của dân. Việc này xảy ra từ mùa mưa năm trước, thôn Kim Sơn đã mấy lần tổ chức các cuộc họp giải quyết giữa 11 hộ dân có ruộng bị bồi lấp với bên gây ra thiệt hại mà đại diện là ông Đặng Quang Ân và bà Trần Thị Quí đều trú tại huyện Tuy Phước (tỉnh Bình Định). Theo đó 9/11 hộ bị thiệt hại không yêu cầu bồi thường mà chỉ đề nghị các tổ khai thác đá phải tìm cách khắc phục để vụ sản xuất năm 2010 không còn xảy ra tình trạng bùn đất bồi lấp ruộng của dân. Riêng hai hộ Lê Kim Văn và Phạm Ngọc Du, do ruộng bị đất bồi lấp nhiều không thể sản xuất được, nên yêu cầu bồi thường tổng số tiền trên 4,1 triệu đồng. Ngoài ra, hai chủ ruộng này cũng buộc các chủ mỏ đá phải hốt số đất bồi tại ruộng của họ để có thể tiếp tục sản xuất; đồng thời đào một con mương phía tây và đắp thành một con đê để chặn đất trôi xuống.
Đại diện chủ mỏ đá là bà Trần Thị Quí đã chấp nhận giải quyết những đòi hỏi của các hộ dân bị thiệt hại nặng và hứa sẽ thực hiện xong trong tháng 4/2010, rồi lại xin kéo dài đến tháng 7 năm nay. Thế nhưng đã quá thời hạn trên gần 1,5 tháng mà các chủ mỏ đá gây ra thiệt hại cho nhiều nông dân, mặc dù đã trả tiền bồi thường do ruộng không sản xuất được, nhưng cố tình chây ỳ chưa chịu thực hiện lời hứa giải quyết phần đất bồi, làm những người thiệt hại bức xúc. Theo các hộ dân, chẳng còn bao lâu nữa thì phải cày ải cho vụ mùa 2010, nhưng bùn đất vẫn ngập ruộng thì làm sao sản xuất được. Thêm nữa, mùa mưa cũng đã gần kề nếu không có giải pháp triệt để thì ruộng tiếp tục bị bồi lấp thêm. Trong khi đó, cuộc sống của hai hộ Lê Kim Văn và Phạm Ngọc Du gặp rất nhiều khó khăn, thu nhập chủ yếu nhờ vào ruộng lúa nên nếu không làm được lúa có thể rơi vào hoàn cảnh khó khăn.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND xã An Thọ Nguyễn Văn Trung cho biết chính quyền địa phương đã nhận được đơn khiếu nại của dân cũng như toàn bộ hồ sơ vụ việc mà thôn Kim Sơn chuyển đến. Quan điểm của UBND xã An Thọ là các chủ cơ sở sản xuất đá phải bồi thường thiệt hại cho các hộ dân có ruộng bị bùn đất bồi lấp nặng với mức hợp lý hợp tình, đồng thời hốt hết bùn đất trôi xuống ruộng của dân trong thời gian sớm nhất để các hộ bị thiệt hại có thể bắt tay vào vụ sản xuất mới. UBND xã An Thọ cũng sẽ tăng cường công tác quản lý việc khai thác đá cũng như các loại khoáng sản khác trên địa bàn xã, hạn chế việc đào bới, khoét sâu vào chân núi ở những khu vực có độ dốc lớn nằm cạnh những diện tích sản xuất của dân có thể làm đất trôi xuống lấp ruộng như tại thôn Kim Sơn.
HOÀI TRUNG