Cây cao su trồng ở huyện Sông Hinh và Sơn Hòa đã cho mủ gần 2 năm nay. Tuy nhiên, do chưa xây dựng nhà máy chế biến, nên mủ khai thác ra bị một cơ sở chế biến tư nhân ép giá. Trong khi đó, hạn trả nợ vốn vay ngân hàng đã đến, nông dân đành khai thác quá mức, nguy cơ cây cao su chết là rất cao.
Nông dân huyện Sông Hinh khai thác cao su – Ảnh: H.NAM |
KHÔNG CÓ NHÀ MÁY, NÔNG DÂN BỊ ÉP
Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh cho biết, cây cao su phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, nên huyện xác định đây là cây trồng chiến lược. Hiện Sông Hinh có gần 1.930ha cao su, tập trung tại các xã Ea Ba, Ea Bá, Ea Ly và Ea Trol. Trong đó, 1.300ha cao su tiểu điền trồng từ năm 2001, đến nay có 400ha đưa vào khai thác, năng suất mủ 1,2-2tấn/ha.
Ông Trần Thanh Định, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh cho biết: “Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu cây cao su, năng suất mủ cây cao su ở Sông Hinh cao hơn tỉnh Gia Lai. Giá mủ cao su tư thương mua tại huyện 20.000 đồng/kg, bình quân 1ha cao su cho thu 1 triệu đồng/ngày”. Tuy nhiên theo người dân, hiện mủ cao su tại tỉnh Đắk Lắk có giá 25.000 đồng/kg, nên mỗi ngày họ mất 250.000 đồng/ha. Hơn nữa, giá mủ cao su tại huyện Sông Hinh không thống nhất, làm cho người trồng cao su phải chịu thiệt. Một người trồng cao su ở xã Ea Ly, than thở: “Cùng một vườn cao su, nhưng tư thương thường đánh giá chất lượng khác nhau nhằm ép giá. Có lần họ bảo chất lượng mủ vườn cao su tôi thấp vì tỉ lệ nước trong mủ cao, chỉ mua giá 18.000 đồng”. Dù biết bị ép giá, nhưng do là “mối quen” và thường xuyên lấy hàng nên người trồng cao su ở Sông Hinh đành “nhắm mắt” bán mủ cho các tư thương.
Đầu năm 2008, người trồng cao su tiểu điền ở hai huyện Sông Hinh và Sơn Hòa khấp khởi vui mừng vì cán bộ của Viện Nghiên cứu cây cao su, cho rằng cao su ở Sông Hinh từ 8 năm tuổi trở đi có thể thu hoạch mủ. Trước đây 2 năm, Sở NN-PTNT tỉnh và Công ty Cao su VRG Phú Yên đã làm việc với chính quyền huyện Sông Hinh, thông báo về việc xây dựng nhà máy sơ chế mủ cao su tại đây. Tuy vậy, không hiểu lý do gì đến nay dự án này vẫn chưa triển khai.
Ông Trần Ngọc Huệ ở xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa) cho biết: “Tôi đã phải lên Đắk Lắk, tìm mối để bán mủ cao su và học hỏi kinh nghiệm sơ chế thủ công. Bởi vườn cao su 5ha của tôi đã 8 năm tuổi, nhưng vẫn chưa thấy xây dựng nhà máy sơ chế mủ cao su”.
NGUY CƠ CAO SU CHẾT VÌ KHAI THÁC QUÁ MỨC
Để đầu tư trồng 1ha cao su tiểu điền, nông dân vay khoảng 18 triệu đồng để đầu tư bón phân, công chăm sóc… Ông Nguyễn Hữu Nhàn, Trưởng phòng Tín dụng (Chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT huyện Sông Hinh) cho biết: “Từ năm 2002, ngân hàng đã giải ngân vốn cho 344 hộ tham gia dự án trồng cây cao su tiểu điền vay trên 24 tỉ đồng. Có hộ trồng 10ha, vay gần 200 triệu đồng”. Theo dự án cao su tiểu điền vốn vay IDA (Cơ quan phát triển Pháp) hiệu quả dự án này từ khi trồng đến năm thứ 6 bắt đầu thu hồi vốn, tuy nhiên đến nay Chi nhánh ngân hàng NN-PTNT huyện Sông Hinh chỉ mới thu hồi được 603 triệu đồng. Đây là số tiền chủ rẫy cà phê sang nhượng đem trả ngân hàng, còn lại hầu hết chưa hộ nào trả nợ từ thu hoạch mủ cao su.
Hiện tại mủ cao su được giá nên nhiều người trồng cao su ở Sông Hinh khai thác bằng cách “ép” cây cao su ra mủ một cách lạm dụng. Nhiều người còn sử dụng một loại hóa chất bôi vào miệng cạo để cây ra mủ nhiều hơn. Dù chính quyền địa phương đã nhiều lần khuyến cáo nhưng cách khai thác này vẫn còn tiếp diễn. Theo nhận định của Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, nếu lạm dụng khai thác mủ cao su như vậy sẽ làm cây bị kiệt sức, mất mủ dẫn đến chết. Hiện tại một số vườn cao su đã có biểu hiện rụng lá, có biểu hiện chết.
LÊ TRÂM