Thứ Ba, 01/10/2024 18:38 CH
Phong trào thi đua của Ngành Công thương Phú Yên giai đoạn 2005-2009:
Nhiều doanh nghiệp, cá nhân điển hình
Thứ Hai, 06/09/2010 07:04 SA

Trong 5 năm (2005-2009), khối các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, thương mại ở Phú Yên đã tạo nên bước đột phá lớn từ phong trào thi đua yêu nước. Từ phong trào này đã xuất hiện nhiều gương điển hình lao động sáng tạo, các doanh nghiệp tạo được nhiều giá trị cho xã hội.

 

maycn4100906.jpg

Công nghiệp may mặc chiếm tỉ trọng đáng kể trong cơ cấu sản xuất công nghiệp - thương mại của Phú Yên - Ảnh: T.QUỚI

 

CÔNG NGHIỆP, THƯƠNG MẠI PHÁT TRIỂN

 

Trong giai đoạn 2005-2009, tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên toàn tỉnh không ngừng tăng trưởng ở mức cao, năm sau cao hơn năm trước. Nếu như năm 2005, tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 2.510 tỉ đồng, thì đến năm 2009 giá trị này là 4.160 tỉ đồng, tăng 65%. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm giai đoạn 2005-2009 là 18,32%. Giá trị tổng mức bán lẻ hàng hóa và kim ngạch xuất khẩu trong giai đoạn 2005-2009 cũng tăng gấp đôi.

 

Theo Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đào Tấn Cam, có được những kết quả trên là nhờ sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ quản lý ngành và các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã tích cực đầu tư mở rộng, đổi mới thiết bị công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong giai đoạn này có nhiều dự án mới, nâng cấp công suất đi vào hoạt động như: Nhà máy bia 30 triệu lít/năm, nhà máy sản xuất phân vi sinh NPK 120.000 tấn/năm, nhà máy sản xuất thuốc tân dược trên 25 triệu sản phẩm/năm, nhà máy tinh bột sắn Đồng Xuân nâng công suất lên 150 tấn/ngày, nâng công suất nhà máy Đường Sơn Hòa và Đồng Xuân từ 3.500 tấn mía/ngày lên 6.150 tấn mía/ngày. Cũng trong giai đoạn này, có trên 40 doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư vào KCN, các điểm công nghiệp trong tỉnh…

 

Bên cạnh đó, lĩnh vực thương mại cũng có sự đầu tư khá sôi động. Hệ thống bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, đầu tư mới như: Siêu thị Co.op Mart, Siêu thị Thuận Thanh, Chợ Tuy Hòa giai đoạn I, các chợ hạng 2 ở trung tâm các huyện, xã... Đặc biệt, gần 17.000 cơ sở kinh doanh bán lẻ đã cung ứng đủ lượng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của nhân dân.

 

Cùng với đó, Sở Công Thương tỉnh cũng đã tổ chức có hiệu quả phong trào thi đua, tạo động lực cạnh tranh phát triển giữa các đơn vị. 5 khối thi đua theo loại hình doanh nghiệp, gồm: Khối các doanh nghiệp loại hình công ty cổ phần; khối các doanh nghiệp loại hình công ty TNHH; khối các doanh nghiệp loại hình DNTN; khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và khối các HTX sản xuất CN-TTCN hoạt động có hiệu quả, xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân điển hình.

 

NHỮNG ĐIỂN HÌNH XUẤT SẮC

 

Công ty cổ phần Vật tư tổng hợp Phú Yên (PYGEMACO) là một điển hình. Đơn vị đã duy trì tốt phong trào thi đua hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao, lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước. Năm 2005, công ty này có 7.000 cán bộ CNVC-LĐ, kim ngạch xuất khẩu 30 triệu USD, lợi nhuận 13 tỉ đồng, nộp ngân sách địa phương trên 22 tỉ đồng. Đến năm 2009, kim ngạch xuất khẩu của công ty này đạt 51,9 triệu USD, lợi nhuận 16 tỉ đồng. Ngoài ra, PYGEMACO còn là đơn vị tích cực trong hoạt động xã hội - từ thiện, văn nghệ - thể thao.

 

Công ty cổ phần An Hưng từ một doanh nghiệp khó khăn trong những ngày đầu thành lập, sau khi cổ phần hóa năm 2006, đơn vị đã vượt qua khó khăn chung của ngành công nghiệp may mặc. Từ chỗ chỉ đơn thuần may gia công trong nước, công ty đã tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu trực tiếp, giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động.

 

Một đơn vị khác từ phong trào thi đua đã tạo nên nhiều giá trị cho xã hội đó là Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, 100% vốn Ấn Độ. Từ khi chuyển nhà máy đến hoạt động tại Phú Yên đến nay, công ty luôn làm ăn có hiệu quả nhờ chiến lược sản xuất kinh doanh dựa trên sự chủ động vùng nguyên liệu mía. Công ty đã đầu tư mở rộng nhà máy, nâng công suất từ 3.500 tấn mía/ngày (2005) lên 5.000 tấn mía/ngày (2009). Doanh thu của KCP năm 2009 đạt 645,4 tỉ đồng. Công ty đảm bảo việc làm và thu nhập cho 500 lao động; góp phần xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm cho hàng vạn đồng bào dân tộc thiểu số các huyện miền núi.

 

Cũng chính từ phong trào thi đua, nhiều công nhân lao động sản xuất trực tiếp, kỹ thuật viên đã không ngừng sáng tạo, phát huy sáng kiến áp dụng tăng suất lao động. Trong 5 năm có gần 1.000 lượt lao động đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở là minh chứng sinh động cho những giá trị mà các doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh ngành Công Thương mang lại cho xã hội.

 

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đào Tấn Cam nhấn mạnh: Trong thời gian tới, phong trào thi đua của ngành cần được tổ chức sâu rộng, hình thức đa dạng, phong phú nhằm tạo ra khí thế sôi nổi, liên tục trong từng đơn vị. Đặc biệt, cần quan tâm đến phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nghiên cứu khoa học, ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ vào thực tế sản xuất.

 

Thành tích của ngành Công Thương Phú Yên giai đoạn 2005-2009

 

- 5 tập thể nhận cờ thi đua xuất sắc của tỉnh; 2 tập thể nhận cờ thi đua xuất sắc của Bộ Công Thương; 227 lượt tập thể lao động xuất sắc; 23 lượt cá nhân đạt CSTĐ tỉnh; 909 lượt CSTĐ cơ sở.

 

- Hình thức khen thưởng: 4 tập thể, 4 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng ba; 10 tập thể, 17 cá nhân được Bằng khen Thủ tướng Chính phủ; 49 tập thể, 57 cá nhân được bằng khen của Bộ Công Thương; 60 tập thể, 153 cá nhân được Bằng khen UBND tỉnh… 

 

THẾ NHƠN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek