Đến thời điểm này, việc sắp xếp DNNN của Phú Yên đang đi vào giai đoạn cuối vì chỉ còn 6 trong tổng số 27 DN. Tuy vậy vẫn còn nhiều tồn tại cần tiếp tục giải quyết.
THỰC HIỆN LỘ TRÌNH SẮP XẾP DNNN CHẬM
Tháng 5-2002, thời điểm triển khai thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh uỷ theo Nghị quyết Trung ương 3 (khoá IX) về tiếp tục sắp xếp nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), Phú Yên có 25 DNNN, giảm 6 DN so với năm 1998, bao gồm 4 doanh nghiệp hoạt động công ích và 21 doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh với tổng vốn 544,3 tỷ đồng. Theo phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 11/QĐ-TTg ngày 2-1-2003, Phú Yên giữ lại 4 DN hoạt động công ích và 5 DN hoạt động sản xuất kinh doanh; thực hiện cổ phần hoá 14 DN gồm 6 DN Nhà nước giữ trên 50% vốn điều lệ và 8 DN Nhà nước giữ dưới 50% vốn điều lệ, đồng thời giải thể 2 DN.
Dù có những tồn tại, song những DNNN có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong quá trình sắp xếp doanh nghiệp, khi cổ phần hóa vẫn rất thành công. Trong ảnh: Công ty Dược và Vật tư Y tế Phú Yên sau khi cổ phần hóa càng sản xuất kinh doanh có hiệu quả, có nhiều sản phẩm mới được thị trường chấp nhận - Ảnh: N.TRƯỜNG
Trong quá trình triển khai thực hiện, các công ty chưa có sự chủ động nên trong năm 2003, chưa có DN nào của Phú Yên được cổ phần hoá đúng theo lộ trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong lúc Công ty Kỹ nghệ thực phẩm Phú Yên được chuyển về làm đơn vị thành viên của Tổng công ty Xây dựng miền Trung (Bộ Xây dựng), thì hai DNNN khác được thành lập là Công ty Dịch vụ vàø khai thác hạ tầng các KCN và Công ty Thương mại miền núi Phú Yên (tách ra từ Công ty Thương mại tổng hợp Phú Yên, đã giải thể).
Việc cổ phần hoá DNNN ở Phú Yên ta thật sựï chuyển động vào đầu năm 2004, Công ty Tư vấn Xây dựng Phú Yên là DNNN đầu tiên được chuyển đổi mô hình hoạt động theo loại hình công ty cổ phần, trong đó toàn bộ giá trị vốn nhà nước tại Công ty là 1.839,8 triệu đồng được bán cho người lao động tại DN. Đến giữa năm 2005, toàn tỉnh lần lượt cổ phần hoá 5 DN, bán DN cho tập thể người lao động tại công ty 5 DN và một đơn vị trực thuộc, sát nhập 1 DN, giải thể 4 DN.
Tháng 5- 2005, Thủ tướng Chính phủ lại có Quyết định 125/QĐ-TTg phê duyệt phương án điều chỉnh phương án sắp xếp DNNN thuộc tỉnh Phú Yên đối với 9 DN được giữ lại theo QĐ 11/QĐ- TTg và 2 DN mới thành lập. Thực hiện Quyết định này, Phú Yên đã hoàn tất chuyển thành Công ty TNHH một thành viên đối với 3 DN: Công ty Quản lý và xây đường bộ Phú Yên, Công ty Cấp thoát nước Phú Yên, Công ty Quản lý nhà và công trình đô thị; tiến hành cổ phần hoá thêm 3 DN: Công ty Dược và Vật tư y tế Phú Yên, Công ty Thương mại miền núi Phú Yên, Công ty In tổng hợp Phú Yên; sát nhập Công ty Dịch vụ và khai thác hạ tầng các KCN vào Công ty Đầu tư &ø phát triển các KCN; tiến hành làm thủ tục phá sản 2 DN: Công ty Du lịch Phú Yên và Công ty Sản xuất kinh doanh XNK Phú Yên.
Như vậy đến thời điểm này, trong số 27 DNNN của tỉnh, còn 6 DN giữ 100% vốn nhà nước đang được tiếp tục sắp xếp. Mới đây, Chính phủ đã có Quyết định 133/QĐ-TTg cho phép Công ty Thuỷ nông Đồng Cam, Công ty Đầu tư và phát triển các KCN và Công ty Vật tư tổng hợp Phú Yên chuyển thành Công ty TNHH một thành viên (Nhà nước giữ 100% vốn). Riêng Công ty Sản xuất XNK công nghiệp Phú Yên tiếp tục thực hiện cổ phần hóa theo Quyết định 125/QĐ-TTg. Như vậy còn lại 2 DNNN là Công ty Vận tải biển Phú Yên và Công ty Xổ số kiến thiết Phú Yên đang chờ hướng sắp xếp cụ thể sau.
NHỮNG TỒN TẠI TRONG SẮP XẾP DNNN Ở PHÚ YÊN
Có thể thấy thực hiện cổ phần hoá là công việc khó khăn phức tạp. Cùng lúc phải duy trì các hoạt động tổ chức sản xuất kinh doanh bình thường, các DN phải triển khai các công việc chuẩn bị cho cổ phần hoá. Đó là kiểm kê, định giá tài sản, đối chiếu, xác nhận công nợ, lập phương án sắp xếp lại lao động, hướng sản xuất kinh doanh sau khi cổ phần hoá. Đây là những công việc phức tạp, đòi hỏi phải có thời gian nên việc thực hiện ở một số DN kéo dài không theo đúng lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt. Còn nhớ trước đó, tỉnh ta có Công ty Thuỷ lợi Phú Yên đã được cổ phần hóa, nhưng rồi hoạt động không đạt hiệu quả nên buộc phải giải thể. Không ít các DN Phú Yên lo lắng sau khi cổ phần hoá sẽ rơi vào trường hợp tương tự, từ đó không tích cực thực hiện các công việc chuẩn bị cho công tác cổ phần hoá, cá biệt có DN còn xin kéo dài thời gian cổ phần hoá. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của không ít DNNN trong tỉnh kém hiệu quả nên chưa hấp dẫn người lao động mua cổ phần. Trong số 21 DNNN đã được sắp xếp, chỉ có 7 DN thực hiện đúng thời gian quy định. Công ty Lâm đặc sản được triển khai theo phương án cổ phần hóa (Nhà nước chiếm trên 51% cổ phần) nhưng bán cổ phần không thành công phải chuyển sang hình thức bán DN cho người lao động nên kéo dài 14 tháng. Công ty In tổng hợp Phú Yên cũng lâm vào cảnh ngộ tương tự, qua 2 lần bán cổ phần không thành, việc cổ phần hóa công ty kéo dài gần 1 năm vẫn chưa hoàn tất. Còn Công ty Sản xuất XNK công nghiệp Phú Yên đến thời điểm này còn trong quá trình kiểm kê, đánh giá tài sản. Trong thời gian này, một số DNNN thuộc diện cổ phần hoá càng lún sâu vào thua lỗ làm cho việc thực hiện cổ phần hoá của các DN này thêm khó khăn như Công ty Sản xuất chế biến nông sản Phú Yên, Công ty Điện ảnh băng từ, Công ty Sản xuất kinh doanh XNK Phú Yên, Công ty Du lịch Phú Yên… Vì vậy các DN này phải chuyển sang hình thức giải thể hoặc phá sản, trong đó có Công ty Thương mại tổng hợp Phú Yên và Công ty Dầu thực vật Phú Yên đã giải thể quá hạn 27 tháng mà đến nay công tác giải thể vẫn chưa hoàn thành. 6 DN phải giải thể và phá sản trong đợt này đã gây tổn thất cho ngân sách tỉnh hơn 241,2 tỷ đồng.
Các DNNN sau khi chuyển đổi hoạt động theo mô hình mới đã tạo ra loại hình DN đa sở hữu, trong đó người lao động trong DN trở thành người chủ thật sự phần vốn góp của mình trong các công ty cổ phần thúc đẩy đơn vị sản xuất kinh doanh có hiệu quả như Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Phú Yên, Công ty Sách- Thiết bị trường học Phú Yên, Công ty Xây dựng Phú Yên….
Tuy nhiên bên cạnh đó còn không ít đơn vị khó khăn, lúng túng trong sản xuất kinh doanh như Công ty cổ phần Xây dựng giao thông Phú Yên đang gặp khó khăn về tài chính, trong khi đó Công ty có nhiều công trình xây dựng đã bàn giao nhưng đến nay chưa được thanh toán trên 10 tỷ đồng. Công ty Tư vấn Xây dựng Phú Yên mặc dù sản xuất kinh doanh có hiệu quả song do nội bộ mất đoàn kết nên đang tính đến việc chia thành 3 công ty.
NGUYÊN TRƯỜNG