Thứ Hai, 30/09/2024 08:35 SA
Giai đoạn 1 chương trình 135 tại Phú Yên:
Tạo chuyển biến tích cực mọi mặt ở những xã đặc biệt khó khăn
Chủ Nhật, 06/08/2006 09:39 SA

Mới đây, UBND tỉnh họp đánh giá kết quả 7 năm thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 1. Báo Phú Yên giới thiệu một số ý kiến của các đơn vị trực tiếp thực hiện và hưởng lợi từ chương trình quốc gia này.

 

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Phú Yên, Trần Văn Sơn:  CHƯƠNG TRÌNH ĐÃ LÀM THAY ĐỔI CĂN BẢN BỘ MẶT CÁC XÃ ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN

 060806-T-V-Son.jpg

Việc thực hiện Chương trình 135 những năm qua cơ bản là tốt, đầu tư đúng hướng, có trọng điểm, đạt được các mục tiêu quan trọng trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế- xã hội. Nhờ chương trình, bộ mặt các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) trong tỉnh đã thay đổi căn bản. Đặc biệt là hệ thống cơ sở hạ tầng đã được cải thiện rõ rệt, bước đầu đáp ứng yêu cầu phục vụ đời sống, từng bước thúc đẩy nền kinh tế nhiều thành phần phát triển. Đến nay 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, một số xã ĐBKK có đường nhựa, giúp cho việc đi lại, lưu thông hàng hoá của nhân dân thuận tiện hơn; việc khai hoang mở rộng diện tích làm lúa nước và đầu tư các công trình thuỷ lợi giúp bà con các dân tộc thiểu số thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, chủ động nguồn lương thực tại chỗ, bình quân mỗi năm giảm 3 % hộ nghèo, thu hẹp khoảng cách đói nghèo giữa các vùng;  các xã đều có trường tiểu học, đa số xã có trường trung học cơ sở, tạo điều kiện cho con em đến trường góp phần vào mục tiêu hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục tiểu học và nâng cao trình đôï dân trí … Có 3 xã thoát khỏi tình trạng ĐBKK và đang phát triển là Xuân Quang 2 (Đồng Xuân), Xuân Long (Sơn Hoà) và Ea Trol (Sông Hinh). Những thành tựu trên đã góp phần tăng cường và củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước, tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc…

 

060806-duong.jpg

Nhờ Chương trình 135, nhiều xã miền núi đã có đường nhựa đến trung tâm, hoàn thiện hệ thống lưới điện... – Ảnh: N.Trường

Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại trong quá trình tổ chức thực hiện. Đó là: Bộ máy chỉ đạo thực hiện ở một số nơi còn có những bất cập, hạn chế về năng lực; hoạt động giám sát kiểm tra, đánh giá tình hình còn nặng về hình thức, ít có kiến nghị đề xuất ngoài  việc yêu cầu tăng vốn đầu tư và kéo dài thời gian thực hiện. Các nhiệm vụ của Chương trình cũng chưa được thực hiện đồng bộ, nặng về đầu tư cơ sở hạ tầng mà chưa quan tâm đúng mức về nhiệm vụ phát triển kinh tế, quy hoạch sắp xếp dân cư như trong quyết định Thủ tướng Chính phủ (Trong tổng số vốn đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng các xã ĐBKK và trung tâm cụm xã chiếm 96,8%, phát triển sản xuất chỉ chiếm 2,1%, quy hoạch dân cư chiếm 0,5% và đào tạo cán bộ chiếm 0,5%).

 

Bí thư Huyện uỷ Sơn Hoà Trương Phước Cường: VẪN CÒN MỘT SỐ CÔNG TRÌNH CHƯA PHÁT HUY HIỆU QUẢ

 

060806-BT-Cuong.jpgNhờ có sự đầu tư của Chương   trình 135, Sơn Hoà đã có rất nhiều thay đổi tích cực. Dễ nhận thấy nhất là hệ thống giao thông phát triển mạnh, đường sá được mở đến từng thôn, buôn, vừa tạo được sự giao lưu giữa các vùng, vừa tiêu thụ hàng hoá nông sản dễ dàng. Chương trình can thiệp, mở rộng các trạm y tế xã đã hình thành 3 phân viện y tế tại Sơn Hội, Ea Chà Rang và Sơn Long, nhờ đó việc chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân vùng sâu, vùng xa được thuận lợi hơn. Về giáo dục, hệ thống trường lớp được xây dựng từng thôn, buôn, trong đó có 4 trường tầng… Tóm lại, tác dụng to lớn của Chương trình là đã làm thay đổi căn bản từ du canh du cư đến định canh định cư của đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy vậy, phải thừa nhận còn có một số công trình chưa phát huy hiệu quả mà nguyên nhân không chỉ xuất phát từ địa phương. Ví dụ như các công trình chợ ở Sơn Hội, Ea Chà Rang lập dự án quá thụ động; đập Tân Hiên (Sơn Hội), khi đưa vào sử dụng thiếu nguồn nước do biến động của thời tiết, hoặc một số giếng đào bị thiếu nước vào mùa khô là do ta làm theo kiểu “đào giếng mùa mưa, trồng dừa mùa nắng”.

 

Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân Nguyễn Hoàng Sinh: TẠO ĐƯỢC SỰ ỔN ĐỊNH VỀ AN NINH CHÍNH TRỊ, TRẬT TỰ AN TOÀN XÃ HỘI

 

060806-N-Hoang-Sinh.jpgChương trình 135 của Chính phủ đã đầu tư tại huyện miền núi Đồng Xuân 3 trung tâm cụm xã và cơ sở hạ tầng 4 xã đặc biệt khó khăn gồm 45 km đường ô tô, 4 công trình thuỷ lợi, 1 hệ cấp nước sinh hoạt, 40 giếng đào, 25 phòng học, 1 phòng khám đa khoa khu vực, đưa điện về các thôn (chỉ còn 2 thôn Phú Hải và Phú Đồng)… Những công trình thuộc Chương trình 135 đã tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, an ninh- quốc phòng miền núi của huyện, rút ngắn khoảng cách với đồng bằng. Hiệu quả của Chương trình còn thể hiện ở chỗ tạo sự chuyển biến về cách làm ăn của bà con. Nhiều hộ biết sản xuất, chăn nuôi hàng hoá; biết tích luỹ tái đầu tư sản xuất, xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm máy móc, phương tiện đi lại… Nhìn chung đời sống của bà con được nâng cao về mọi mặt. Nhờ vậy, đại bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số phát huy được tinh thần đoàn kết, giữ gìn tốt bản sắc văn hoá, tin tưởng vào đường lối chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Phải nói Chương trình 135 đã góp phần quan trọng đã tạo được sự ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

 

Chủ tịch UBND xã Ea Trol (huyện Sông Hinh) Ma Rưng: TÌNH HÌNH NGHÈO ĐÓI GIẢM RÕ RỆT

 

060806-ma-Rung.jpgTừ năm 1998 đến nay, xã Ea Trol được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư nhiều dự án như Trung tâm cụm xã, xây dựng cơ sở hạ tầng theo Chương trình 135, dự án cộng đồng cùng lồng ghép các chương trình khác với vốn đầu tư trên 20 tỷ đồng… Nhờ đó nhân dân đã khai thác tiềm năng đất đai to lớn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng hàng hoá và nâng cao chất lượng cuộc sống. Nhờ có 2 công trình thuỷ lợi đập dâng Ea Trol và trạm bơm điện Buôn Đức mà trong xã có 250 ha lúa nước, điều mà bao đời nay Ea Trol chưa từng có, bà con tự túc được lương thực, đồng thời chuyển đổi diện tích đất sản xuất còn lại trồng các cây công nghiệp ngắn ngày như mía, sắn hoặc cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su mang lại hiệu quả hơn. Đặc biệt trong xã đã có nhiều mô hình trang trại chăn nuôi và trồng trọt đạt hiệu quả, điển hình như Ma Bay, được báo cáo điển hình toàn quốc.

 

Chương trình 135 đã tạo sự chuyển biến về mọi mặt kinh tế- xã hội của địa phương. Hiệu quả rõ nhất là tình hình nghèo đói giảm rõ rệt. Nếu năm 2001, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm 29% thì đến cuối năm 2005 còn 15,6%. Kết quả đó thể hiện mối quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số chúng tôi, đáp ứng được nguyện vọng của bà con trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới.

 

KẾT QUẢ 7 NĂM THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH 135 CỦA PHÚ YÊN

 

- Tổng vốn đầu tư gần 117 tỷ đồng

+ Xây dựng 9 trung tâm cụm xã với kinh phí 32.681 triệu đồng.

+ Phát triển kết cấu hạ tầng tại 20 xã đặc biệt khó khăn với kinh phí 84.259 triệu đồng.

- Xây dựng hơn 350 công trình kỹ thuật hạ tầng, gồm:

+ 86 công trình giao thông dài 236 km.

+ 34 công trình thuỷ lợi tưới 513 ha ruộng lúa nước.

+ 3 công trình khai hoang đồng ruộng với diện tích 85 ha.

+ 33 công trình điện gồm 5 trạm biến áp và 57,7 km đường dây cấp điện cho hơn 60% hộ dân.

+ 115 công trình nước sinh hoạt cấp nước sạch cho 2.080 hộ dân.

+ 50 công trình trường, lớp học với 176 phòng học.

+ 14 trạm, phòng khám chữa bệnh với diện tích 2.370 m2.

+ 3 trạm khuyến nông lâm có diện tích 545 m2.

+ 8 công trình chợ có diện tích 30.246 m2.

+ 2 trạm truyền thanh, truyền hình.

+ 10 nhà văn hoá cộng đồng với diện tích 2.810 m2.

+ 2 sân vận động có diện tích 29.477 m2.

+ 3 trụ sở UBND xã với diện tích 804 m2.

+ 2 khu dân cư định cư cho 130 hộ.

(Nguồn: Ban Dân tộc tỉnh Phú Yên)

 

NGUYÊN TRƯỜNG (ghi)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek