Chất lượng mũ bảo hiển (MBH) hiện đang thả nổi bởi cơ quan chức năng không quản lý xuể, dẫn đến tình trạng kẻ sản xuất, người buôn bán tha hồ thao túng trục lợi còn người tiêu dùng vẫn “tiền mất tật mang”.
44.000 ĐỒNG CŨNG MUA ĐƯỢC MBH!
MBH giả, thật chen lẫn nhau, chỉ có khách hàng bị thiệt – Ảnh: Đăng Nguyên
Việc bắt buộc người điều khiển xe môtô phải đội MBH trên một số tuyến đường đã triển khai hơn 4 năm nay, nhưng tại nhiều điểm bán MBH ở Phú Yên, cảnh kẻ mua người bán vẫn diễn ra tấp nập bởi lượng xe máy tiêu thụ ra thị trường ngày càng tăng. Tại các điểm bán MBH, nơi nào cũng bày ra hàng trăm loại mũ với nhiều kiểu dáng khác nhau. Giá cả cũng… vô cùng, đắt thì vài trăm nghìn, còn rẻ nhất chỉ có… 44.000 đồng/chiếc. Chúng tôi vào một cửa hàng trên đường Trần Hưng Đạo, người bán hàng tên Đông cho biết: Bình quân mỗi ngày bán lẻ được 5 chiếc, giá bán cũng cao hơn lúc trước khoảng 20% nhưng chủ yếu vẫn là hàng tồn của các cơ sở sản xuất giao lại sau khi được “tân trang”. Ngoài bán lẻ, cửa hàng này còn bán sỉ một lượng hàng lớn cho các đại lý bán xe tại các vùng nông thôn, miền núi.
Trong các cửa hiệu ở TP Tuy Hòa, điều đáng quan tâm là hàng nhái xuất hiện nhan nhản. Chúng tôi thấy có hàng chục loại mũ nhái kiểu dáng của thương hiệu Amoro. Thử xem một chiếc có giá 44.000 đồng thì thấy quai mũ mỏng, không có độ co giãn, lớp mút xốp đệm phía trong lồng phồng cho… có. Đa số các loại mũ có giá dưới 120.000 đồng đều có những đặc điểm tương tự thế. Nhưng những chiếc mũ có giá hàng trăm ngàn cũng không khá hơn là bao. Theo Cục Đăng kiểm Việt
AI “BẢO HIỂM” CHO MBH?
Hiện nay chỉ có Cục Đăng kiểm Việt Nam mới có chức năng kiểm định MBH, nhưng cũng chỉ kiểm soát được ở các thành phố lớn, còn việc sản xuất và tiêu thụ hàng giả, hàng nhái ở những tỉnh nhỏ diễn ra khá phức tạp. Tuy nhiên việc kiểm định cũng không được thực hiện nghiêm túc vì chưa có văn bản bắt buộc các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải dán tem kiểm định mới bán ra thị trường. Theo ông Đặng Văn Họa, Đội trưởng đội Quản lý thị trường số 1 (TP Tuy Hoà): Tình trạng vận chuyển, buôn bán MBH kém chất lượng diễn ra trên địa bàn rất phổ biến. Năm 2005, Chi cục Quản lý thị trường Phú Yên đã phát hiện và tịch thu gần 1.000 MBH không rõ nguồn gốc.
Vấn đề đặt ra là khi người dân chấp hành quy định về an toàn giao thông thì ai là người chịu trách nhiệm đảm bảo quyền lợi cho họ nếu tai nạn, rủi ro xảy ra? Nhà sản xuất, chủ cơ sở kinh doanh, cơ quan kiểm định hay công ty bảo hiểm? Câu hỏi này chưa tìm được câu trả lời. Trên thực tế, có không ít trường hợp người điều kiển phương tiện đội MBH, khi xảy ra tai nạn mũ vỡ nát, dẫn đến những chấn thương nặng vùng đầu thưa đi kiện lại nhiều lần cuối cùng cũng… hoà cả làng vì không rõ trách nhiệm thuộc về ai.
Để làm lành mạnh thị trường MBH và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng các cơ quan chức năng phải thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, đồng thời cần có những quy định chế tài cụ thể đối với những tập thể, cá nhân có liên quan tham gia thị trường, buộc họ phải có trách nhiệm với những sản phẩm dịch vụ mà họ đang cung cấp.
ĐĂNG NGUYÊN