Thứ Tư, 27/11/2024 02:55 SA
Phân biệt tiền thật, giả
Chủ Nhật, 06/08/2006 10:16 SA

Trên thị trường tiền tệ đã xuất hiện những loại tiền VNĐ giả không những bằng chất liệu cotton mà chất liệu polymer mệnh giá 50.000 đồng và 100.000 đồng. Tuy nhiên, theo Ngân hàng Nhà nước, dù làm giả tinh vi đến mức nào thì tiền giả vẫn luôn có những đặc điểm khác với tiền thật.

TIỀN POLYMER NGHI GIẢ

060806-tienthat.jpg
Mẫu tiền thật
Lấy tờ tiền thật cùng loại so sánh tổng thể để kiểm tra những điểm khác biệt. Khi đưa tờ tiền lên trước nguồn sáng để kiểm tra hình bóng chìm chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh ở tờ tiền thật sẽ nhìn thấy trên cả 2 mặt tờ tiền hình chân dung tinh xảo, sắc nét, khu vực có chân dung sáng hơn nền xung quanh. Ở tiền giả, không có hình bóng chìm hoặc chỉ là mô phỏng thô sơ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Khi dùng tay vuốt nhẹ lên tờ tiền để kiểm tra các chi tiết in nổi (dòng chữ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, quốc huy, hình chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, chữ và số mệnh giá...), ở tiền thật có cảm giác nhám, ráp. Còn ở tiền giả chỉ có cảm giác trơn lì, không nhám ráp như tiền thật...

ĐỐI VỚI TIỀN COTTON

Trong quá trình giao dịch tiền mặt không có dụng cụ kiểm tra (đèn cực tím, kính lúp...), bạn cần chú ý kiểm tra tờ bạc bằng cảm giác của tay khi cầm, vẩy tờ bạc và nghe xem tiếng kêu có thanh, giòn không. Dùng ngón tay vuốt lên vị trí hình in có độ nổi để xem có cảm giác nhám, gợn của mực in nổi không. Quan sát kỹ hình bóng chìm xem hình chìm chân dung Bác Hồ có rõ nét, có chiều sâu không. Tốt nhất, khi thực hiện các cách kiểm tra nêu trên nên đối chiếu với tờ tiền khác cùng mệnh giá (nhưng phải đúng là tiền thật) để so sánh.

TỜ 100 USD SERI 1996 GIẢ

060806-tiengia.jpg

Mẫu tiền giả

Vừa qua Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) đã gửi đến các ngân hàng trên thế giới thông báo về những đặc điểm nhận biết của loại tiền 100 USD xêri 1996 giả. Cụ thể: về chất giấy của loại 100 USD xêri 1996 giả này rất giống với giấy thật, chúng không phát sáng dưới đèn cực tím. Về phương pháp in: nhiều chi tiết được in bằng phương pháp in offset, kể cả phần con dấu kho bạc và dãy xê ri số hiệu tờ bạc (là chi tiết trên tiền thật được in typo). Về bảo hiểm của giấy như các sợi tơ nhuộm màu bảo hiểm ở tiền thật được trộn quện vào các xơ sợi giấy, còn ở loại giả này là hình các sợi tơ màu được in rải rác lên bề mặt tờ bạc giả. Sự khác biệt này có thể phát hiện được khi nhìn tờ bạc dưới kính lúp.

Một số đặc điểm cấu tạo quan trọng giữa tiền thật và giả của tờ 100 USD:

Đối với ký hiệu bóng chìm: Tiền thật được hình thành bởi độ dày của giấy, hình ảnh rõ ràng sắc nét, các vùng sáng tối khác nhau; tiền giả được in hình lên tờ bạc, không đúng dạng, lem nhòe.

Đối với yếu tố mực đổi màu: Tuy mực in con số mệnh giá 100 lớn ở góc dưới bên phải mặt trước tờ giấy bạc giả cũng đổi màu khi thay đổi góc quan sát, song màu biến đổi không đúng như trên tờ tiền thật. Thật - từ màu xanh ôliu biến đổi sang màu đen chì. Giả - từ xanh nhạt đổi sang xanh sẫm hoặc đen nhạt.

TỜ 20USD GIẢ

Đối với tờ 20 USD cho dù phương pháp in chủ yếu của loại này là in offset, song loại 20 USD giả này đã có những thay đổi nhất định về đặc điểm cấu tạo và bảo hiểm, nên chúng tinh vi hơn trước.

Giấy được cấu thành bởi hai lớp, giống như giấy tiền thật, chất giấy không phát sáng dưới đèn cực tím, tuy nhiên bề mặt giấy trơn hơn tiền thật.

Hình ảnh làm đặc điểm bảo hiểm - “biểu tượng tự do” đã được in khá đẹp bằng mực nhũ, khi sờ tay lên cũng có độ gợn như ở tiền thật.

20 EURO SIÊU GIẢ MỚI XUẤT HIỆN

Loại 20 euro giả này không hình thành thông qua các phương pháp in tiền mà được in bằng phương pháp in lưới, là phương pháp in thông dụng trong công nghệ in bao bì sản phẩm...

Kiểm tra dưới tia cực tím giấy phát sáng (giấy tiền thật không phát sáng) và không có những sợi màu bảo hiểm phát quang trong nền giấy như ở tiền thật. Chất giấy trơn bóng, bì không có độ dai như tiền thật.

Những dòng chữ siêu nhỏ: Trong khung nền ký hiệu tiền tệ ở góc dưới bên trái, không có các dòng chữ siêu nhỏ như ở tiền thật, hoặc chỉ là những dòng chữ không có nghĩa.

Foil quang học: Màu sắc và họa tiết biến đổi trên Foil ở tiền thật là những con số mệnh giá, logo euro còn ở Foil giả là các dạng ngôi sao có nhiều cánh khác nhau, lấp lánh thay đổi màu sắc và vị trí.

Một đặc điểm nhận biết quan trọng khác là khi chao nghiêng và quan sát bề mặt tờ bạc, trong khi ở tiền thật hiện lên một dải băng lấp lánh có những con số mệnh giá “20” và logo euro rất rõ ràng thì ở tiền giả chỉ là một dải băng mờ nhạt, không rõ và lấp lánh như dải băng thật.

Ngoài ra, mặt sau tờ bạc, ở tiền thật các họa tiết như: cây cầu, bản đồ các nước EU, con số mệnh giá, ký hiệu tiền tệ... được in bằng một loại mực phát quang, do vậy khi soi tờ bạc dưới tia cực tím các hình ảnh này hiện lên rất đẹp trên nền giấy có tông màu tím trong khi ở tiền giả không có các yếu tố này.

(NLĐ)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek