Thứ Năm, 28/11/2024 05:47 SA
Phát triển kinh tế biển:
Cần đồng bộ, mang tính lâu dài
Thứ Bảy, 21/08/2010 07:00 SA

Phú Yên có bờ biển dài 189km và diện tích mặt biển khoảng 34.000km², với nhiều đảo nhỏ ven bờ, cồn cát, đầm phá, cửa sông và vũng, vịnh là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế biển. Song vẫn còn nhiều thách thức trước mục tiêu đưa Phú Yên trở thành một trong những tỉnh giàu từ biển.

 

vung-ro100821.jpg

Cảng Vũng Rô được Cục Hàng hải (Bộ GTVT) đưa vào đề án điều chỉnh quy hoạch chi tiết nhóm cảng Nam Trung bộ. - Ảnh: N.T   

 

KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU

 

Phú Yên có lợi thế để phát triển kinh tế biển, mà trước hết là kinh tế thủy sản. Phát huy lợi thế đó, nghề đánh bắt hải sản của tỉnh trong những năm qua phát triển mạnh theo hướng khai thác xa bờ, đánh bắt các đàn cá nổi di cư theo mùa vụ. Là cái “nôi” của nghề câu cá ngừ đại dương của Việt Nam, đến nay Phú Yên đã có đội tàu tham gia khai thác khơi gần 650 chiếc, công suất từ 90 CV trở lên. Trong số sản lượng hải sản khai thác đã đạt trên 37.000 tấn/năm, thì cá ngừ đại dương chiếm 4.000- 5.000 tấn. Sản phẩm cá ngừ vây vàng, cá ngừ mắt to tươi sống được xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Canada, EU, Nhật… Mặt khác, Phú Yên còn có 15.000ha đầm, vịnh và 2.000ha đất ngập mặn rất thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản. Toàn tỉnh đã đưa vào nuôi trồng thủy sản trên diện tích 2.200ha, sản lượng thu hoạch 8.000 tấn/năm; trong đó đáng kể nhất là nuôi tôm hùm lồng với sản lượng gần 600 tấn/năm. Giá trị thủy sản xuất khẩu đạt 10-12 triệu USD. Với mức tăng trưởng bình quân 6%/năm, ngành Thủy sản trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, giải quyết việc làm cho hơn 10.000 lao động. 

 

Bên cạnh đó, tỉnh Phú Yên cũng đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch thu hút đầu tư phát triển du lịch. Đến nay đã có 14 dự án đầu tư kinh doanh du lịch ven biển với vốn đăng ký hơn 3.000 tỉ đồng và 4.300 triệu USD, bước đầu đã có một số dự án đưa vào hoạt động, tiêu biểu như các khu du lịch sinh thái Bãi Bầu, Hòn Ngọc - Bãi Tràm, Sao Việt, Resort Thuận Thảo… góp phần đưa ngành Dịch vụ tăng trưởng bình quân 12,7%/năm.

 

Để thúc đẩy kinh tế biển phát triển, tỉnh Phú Yên cần quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật vùng ven biển. Cảng Vũng Rô có công suất thiết kế 250.000 tấn hàng hóa qua cảng, song đến nay đã đạt sản lượng trên 400.000 tấn/năm và đang được đầu tư nâng cấp lên 1 triệu tấn/năm. Sân bay Tuy Hòa đã nâng tần suất tuyến Tuy Hòa - TP Hồ Chí Minh lên bảy chuyến/tuần, tuyến Tuy Hòa - Hà Nội năm chuyến/tuần. Đang khẩn trương hoàn thiện tuyến các đường du lịch ven biển Độc Lập Long Thủy - Gành Đá Đĩa, QL 1A đến Gành Đá Đĩa, đường Phước Tân - Bãi Ngà nối với trung tâm TP Tuy Hòa. Khu kinh tế Nam Phú Yên được quy hoạch xây dựng trở thành một khu kinh tế tổng hợp, là cửa ngõ hướng biển của Tây Nguyên và các tỉnh nam Lào, đông bắc Camphuchia, Thái Lan... Với sự đầu tư đó, trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng ven biển Phú Yên tăng bình quân 12%/năm, là địa bàn chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh.

 

CÒN NHIỀU THÁCH THỨC

 

Vùng ven biển Phú Yên trải dài qua 26 xã, phường thuộc bốn huyện, thị xã, thành phố với hơn 260.000 dân. Tuy nhiên, vùng ven biển của tỉnh đang chịu nhiều tác động từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội cũng như của biến đổi khí hậu. Hậu quả được thể hiện đặc biệt qua vấn đề ô nhiễm môi trường, dịch bệnh xảy ra thường xuyên, làm cho nghề nuôi trồng thủy sản chưa bền vững. Kéo theo đó là đa dạng sinh học và sản lượng khai thác ở các vùng đất ngập nước bị suy giảm nhanh chóng, nhiều loài có nguy cơ bị tuyệt chủng như cá mòi cờ, sò huyết Ô Loan, cá ngựa Sông Cầu... Bên cạnh đó, cơ cấu ngành nghề, phương thức khai thác thủy sản chưa có chuyển biến đáng kể; dịch vụ hậu cần nghề cá yếu, thiếu những đội tàu hậu cần cho đánh bắt khơi xa. Giám đốc Sở NN- PTNT tỉnh Biện Minh Tâm cho rằng, nghề khai thác thủy sản ở Phú Yên còn ở trình độ thủ công và còn bị động, trong khi đó cơ sở hạ tầng như cảng cá, bến cá, chợ cá chuyên dùng, nhà phân loại, nhà xưởng, kho lạnh, thiết bị bốc dỡ, xử lý bảo quản cá trên bờ còn thô sơ, các khu neo đậu tàu thuyền tránh bão chưa được đầu tư tương xứng; công tác tìm kiếm, ứng cứu tàu cá bị nạn trên biển chưa kịp thời. Mặt khác, hoạt động xuất khẩu thủy sản đang gặp phải những rào cản về thương mại và kỹ thuật của các nước nhập khẩu là thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu của tỉnh.

 

Vùng ven biển Phú Yên còn nhiều thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa quốc gia là lợi thế để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn như Chương trình hành động của Tỉnh ủy về thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đề ra, song tiềm năng, thế mạnh này chưa được khai thác tương xứng. Khó khăn lớn trong lĩnh vực kinh tế này là kết cấu hạ tầng du lịch yếu kém. Gần đây, để phục vụ cho Năm Du lịch quốc gia 2011, việc đầu tư hạ tầng du lịch mới được tăng cường. Bên cạnh đó, nhiều dự án đầu tư về du lịch đã được cấp phép chậm triển khai; sản phẩm du lịch còn đơn điệu. Trong khi đó, các ngành kinh tế khác như đóng, sửa tàu thuyền, vận tải biển, cảng biển, công nghiệp hóa, lọc dầu… cũng chưa phát triển tương xứng. Phó Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư tỉnh Nguyễn Đông Tây thừa nhận: “Sự kiềm hãm phát triển của các lĩnh vực liên quan đến biển là do nguồn lực đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng, vì Phú Yên là tỉnh còn nhận trợ cấp từ Trung ương nên nguồn lực đầu tư còn hạn chế. Chúng tôi cũng đã kiến nghị Trung ương có chương trình cụ thể để thực hiện Chiến lược biển Việt Nam, tăng cường nguồn vốn đầu tư cho các ngành liên quan đến phát triển kinh tế biển của tỉnh”.

 

Để đạt mục tiêu trở thành một tỉnh mạnh về biển và làm giàu từ biển, Phú Yên còn nhiều việc cần phải giải quyết. Trước hết, công tác quy hoạch phải đi trước một bước với tầm nhìn dài hạn, trong đó xác định rõ những khu vực, địa bàn phục vụ cho quốc phòng - an ninh và từng ngành kinh tế, tránh chồng chéo, trùng lắp lẫn nhau. Chú trọng giải pháp về khoa học công nghệ, xem đây là khâu đột phá đối với ngành kinh tế thủy sản; phát triển hệ thống dự báo, cảnh báo phòng, chống thiên tai, giảm thiểu rủi ro cho các hoạt động trên biển, ven biển thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh việc thực hiện đầy đủ các quy định của Trung ương, tỉnh cần xem xét ban hành một số cơ chế, chính sách bảo đảm cho sự phát triển nhanh, bền vững các lĩnh vực liên quan đến biển; trên cơ sở đó đẩy mạnh quảng bá thu hút đầu tư để phát triển kinh tế biển, kể cả các công trình thuộc kết cấu hạ tầng lớn như cảng biển, đường giao thông, các khu đô thị, khu công nghiệp…

 

NGUYÊN TRƯỜNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Vốn ưu đãi giúp phụ nữ thoát nghèo
Thứ Bảy, 21/08/2010 13:01 CH
Công trình nước sạch trôi sông, dân khát!
Thứ Bảy, 21/08/2010 09:01 SA
Nhiều bất cập cần sớm giải quyết
Thứ Sáu, 20/08/2010 11:01 SA
Thu hồi bổ sung hơn 1.600m2 đất
Thứ Sáu, 20/08/2010 09:30 SA
Nhiều kiểu dáng mới, sức mua tăng
Thứ Năm, 19/08/2010 13:30 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek