Thứ Năm, 28/11/2024 05:43 SA
Dự án FLITCH:
Tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân
Thứ Sáu, 13/08/2010 19:00 CH

Dự án Phát triển lâm nghiệp để cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên (FLITCH), do Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tài trợ triển khai ở Phú Yên từ năm 2007, đã mở ra triển vọng phát triển kinh tế, cải thiện môi trường ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.  

 

keo100813.jpg

Cán bộ Dự án FLITCH hướng dẫn bà con chăm sóc rừng keo. - Ảnh: V.THÙY

 

Ông Ma Nhưng ở buôn Bai  (xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh) đưa chúng tôi đi thăm hơn 1ha cây keo gần 4 tháng tuổi của mình ngay bên rìa đường gần buôn Ma Phái. Mặc dù đất đai cằn cỗi, thời tiết không thuận lợi do nắng hạn kéo dài, nhưng vườn keo vẫn phát triển tốt, tỉ lệ cây sống trên 90%. Với những người đồng bào dân tộc thiểu số như Ma Nhưng, vừa thiếu vốn, vừa thiếu kỹ thuật, để có được vườn keo như thế này là điều không dễ nếu không có Dự án FLITCH hỗ trợ. Tham gia Dự án FLITCH, Ma Nhưng được hỗ trợ giống cây có chất lượng, hướng dẫn quy trình kỹ thuật, vốn để mua phân bón, thuốc trừ sâu và sở hữu sản phẩm sau khi thu hoạch. Ma Nhưng tâm sự: “Đất ở khu vực này cằn cỗi, nên gieo mè, trồng đậu chẳng thu hoạch được là bao. Được cán bộ hướng dẫn, nên tôi mạnh dạn trồng keo. Trồng loại cây này cũng dễ, mỗi năm bón phân hai lần do dự án cấp, mình chỉ bỏ công rào lại để tránh bò vào ăn là được”.

 

Không riêng Ma Nhưng, hàng trăm hộ dân ở ba xã Ea Lâm, Ea Bá, Ea Bar (huyện Sông Hinh) cũng tham gia và hưởng lợi từ dự án này. Ông Trần Minh Quang, Phó Giám đốc Dự án FLITCH huyện Sông Hinh, cho biết: Do ảnh hưởng của những dự án trước, lúc đầu triển khai bà con không mặn mà lắm, nhưng bây giờ nhiều hộ đã tham gia dự án. Năm 2009 dự án trồng được 35ha rừng (keo, bạch đàn), năm 2010 diện tích đăng ký tăng lên 585ha (rừng sản xuất, rừng nông lâm kết hợp), vượt gần 100ha kế hoạch dự án tỉnh giao. Ban dự án huyện đã đề nghị bổ sung thêm diện tích trồng rừng dự án để đáp ứng nhu cầu cho bà con. Ông Quang cho biết thêm, tham gia dự án FLITCH, mỗi hec ta rừng trồng được hỗ trợ 500USD (tương đương 9 triệu đồng Việt Nam), hỗ trợ 300USD cho 1ha rừng trồng nông lâm kết hợp, thời gian hỗ trợ trong 4 năm (1 năm trồng, 3 năm chăm sóc), bao gồm chi phí cây giống, phân bón, thuốc trừ sâu, còn lại là hỗ trợ công lao động. Mỗi gia đình được hỗ trợ tối đa 6ha rừng trồng, khi thu hoạch, các hộ tham gia dự án bán theo giá thị trường và chỉ nộp lại 150USD vào quỹ phát triển của xã. Ngoài ra, bà con còn được vay 1-5 triệu đồng trong vòng 3 năm, lãi suất thấp từ Quỹ CDF (thuộc dự án FLITCH) để đầu tư sản xuất, chăn nuôi, cải thiện cuộc sống.

 

Nguồn vốn dự án FLITCH phần lớn do Ngân hàng Phát triển châu Á tài trợ. Mục tiêu của dự án là giảm tỉ lệ hộ nghèo, thu hẹp khoảng cách về thu nhập, trong đó đặc biệt quan tâm đến cộng đồng dân tộc thiểu số; nâng cao năng lực quản lý và kỹ năng sản xuất lâm nghiệp cho cộng đồng và hộ gia đình; quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học với sự tham gia của cộng đồng; giải quyết nhu cầu thiết yếu về kết cấu hạ tầng để phát triển kinh tế, xã hội vùng dự án như đường giao thông, nước sinh hoạt, trạm y tế, trường học, công trình thủy lợi nhỏ, nhà văn hóa cộng đồng… Góp phần cải thiện điều kiện sống cho người dân sống dựa vào rừng ở vùng dự án triển khai. Thời gian thực hiện dự án từ tháng 6/2007 đến 12/2014. Phú Yên có 10 xã được hưởng lợi từ dự án, gồm: Ea Bar, Ea Bá và Ea Lâm (huyện Sông Hinh), Phú Mỡ, Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân), Ea Chà Rang, Phước Tân, Cà Lúi, Krông Pa, Sơn Hội (huyện Sơn Hòa). Ông Mai Minh Ảnh, Phó Giám đốc Dự án FLITCH tỉnh Phú Yên, cho biết: Trong các hợp phần của dự án phát triển lâm nghiệp để cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên có hợp phần “Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học với sự tham gia của cộng đồng, các chủ thể nhà nước và tư nhân” và “Phát triển trồng rừng sản xuất năng suất cao, trồng rừng phòng hộ, trồng rừng đặc dụng và các hoạt động lâm sinh khác nhằm tăng khả năng cung cấp gỗ, lâm sản, tăng thu nhập của người dân, góp phần bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học”. Đây là hai hợp phần quan trọng đang được triển khai, người dân trong vùng dự án thấy rõ lợi ích mang lại cho gia đình và cộng đồng.

 

Theo tính toán của nhà chuyên môn, năng suất trung bình của cây keo sau 5-7 năm trồng là 90m3/ha, với giá bán hiện nay cho thu lời khoảng 30 triệu đồng/ha. Nếu mỗi hộ trồng đủ 6ha keo, số tiền sẽ thu về trên dưới 200 triệu đồng. Và cứ thế hết luân kỳ này, người dân tiếp tục tự bỏ vốn tái tạo lại rừng để hưởng lợi lâu dài. “Mặc dù vậy, để dự án thực sự mang lại hiệu quả, cần phải tích cực tuyên truyền để bà con hiểu các chính sách, hiểu được lợi ích của dự án, từ đó tự giác trồng và chăm sóc rừng đúng quy trình, thấy được hiệu quả từ rừng, để sau khi kết thúc dự án, người dân vẫn nhiệt tình với công tác trồng rừng” – ông Ảnh nói.

 

VĂN THÙY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek