Trong năm 2010, Chính phủ tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay bằng đồng Việt Nam (VND) đối với các tổ chức, cá nhân để đầu tư cho sản xuất, kinh doanh. Thế nhưng, hơn nửa năm triển khai, số vốn cho vay hỗ trợ lãi suất của các ngân hàng trên địa bàn Phú Yên chỉ bằng khoảng 1/50 của năm 2009.
Khách hàng làm thủ tục vay vốn tại một ngân hàng ở Phú Yên - Ảnh: Q.THUẦN |
Chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay năm 2010 được cụ thể hóa tại Quyết định 2072 và Quyết định 2213 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, phạm vi áp dụng Quyết định 2072 là các khoản vay vốn trung và dài hạn thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp chế biến; hoạt động khoa học - công nghệ; hoạt động thu mua và kinh doanh các mặt hàng nông - lâm - thủy sản, muối. Mức lãi suất hỗ trợ 2%/năm. Thời hạn hỗ trợ lãi suất tối đa 24 tháng, kể từ ngày giải ngân vốn. Đối với các khoản vay để mua máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp theo Quyết định 2213 được hỗ trợ 100% lãi suất trong thời gian vay.
Theo nội dung hai quyết định nêu trên của Thủ tướng, chính sách hỗ trợ lãi suất được áp dụng cho tất cả các khoản vay ngắn hạn, trung và dài hạn. Thế nhưng, theo thống kê của chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Phú Yên, số vốn cho vay hỗ trợ lãi suất trên địa bàn tỉnh do các ngân hàng thương mại thực hiện từ đầu năm đến nay chỉ xấp xỉ 55 tỉ đồng, thậm chí có ngân hàng không giải ngân được đồng vốn hỗ trợ lãi suất nào! Đây là con số quá thấp so với dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất thời điểm cuối năm 2009, với gần 2.500 tỉ đồng. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, nhiều hộ nông dân chưa mặn mà với việc vay vốn hỗ trợ lãi suất. Bà Phạm Thị Phương ở xã Hòa Vinh (huyện Đông Hòa) cho biết: “Muốn vay vốn hỗ trợ lãi suất phải lập dự án, phương án sản xuất, có hóa đơn mua bán hàng hóa để chứng minh với ngân hàng. Trong khi mức hỗ trợ lãi suất chỉ 2%, thì nông dân chúng tôi phải chịu thuế suất 10% trên giá trị hàng hóa, nếu yêu cầu nơi bán xuất hóa đơn giá trị gia tăng”.
Có một thực tế lâu nay là nhiều nông dân trong tỉnh có tâm lý không thích sử dụng máy móc, thiết bị sản xuất, lắp ráp trong nước, vì cho rằng giá thành cao, chất lượng lại không bằng các sản phẩm nhập khẩu. Ông Nguyễn Văn Hưng ở phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa) nói: Các loại máy móc nông cơ đều có giá trị lớn, trong khi thời hạn được hỗ trợ lãi suất tối đa chỉ 24 tháng là ngắn, không đủ để tạo ra thu nhập hoàn trả vốn vay. Trong khi đó, lãnh đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn Phú Yên tỏ ra băn khoăn: Các loại hàng hóa được hỗ trợ lãi suất vốn vay phải được sản xuất, lắp ráp trong nước. Đây là vấn đề làm cho cán bộ tín dụng chưa thực sự yên tâm khi thẩm định, xét duyệt hồ sơ vay vốn. Trên thực tế, nhiều loại máy móc, thiết bị ngoài thành phần động cơ chính còn có những linh kiện, phụ kiện phải nhập khẩu về trong nước để lắp ráp. Do vậy, phải có danh mục máy móc, thiết bị lắp ráp trong nước có tỉ lệ “nội địa hóa” bao nhiêu phần trăm thì khách hàng được vay vốn hỗ trợ lãi suất. Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đông Hòa cho biết: “Đa số hộ nông dân trong huyện sản xuất nông nghiệp theo mô hình nhỏ lẻ, độc canh cây trồng, vật nuôi nên nguồn thu không lớn. Nếu vay vốn hỗ trợ lãi suất theo quy định hiện nay, thì hầu hết nông dân gặp khó trong việc lập dự án, phương án sản xuất”.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép các ngân hàng thương mại áp dụng cơ chế cho vay vốn theo lãi suất thỏa thuận với mức lãi suất lên tới 14 -15,5%/năm. Trong khi đó, việc hỗ trợ lãi suất được thực hiện theo cơ chế cho vay thông thường tối đa chỉ 12%/năm. Vấn đề đặt ra là, với mức chênh lệch lãi suất giữa hai cơ chế cho vay khá lớn như vậy, nếu không có chế tài, liệu các ngân hàng có nhiệt tình với việc cho vay hỗ trợ lãi suất hay không, trong điều kiện huy động vốn gặp nhiều khó khăn? Ông Nguyễn Ngọc Khố, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Phú Yên cho biết: Việc giải ngân vốn vay hỗ trợ lãi suất là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2010. Tuy nhiên, việc giải ngân vốn tại một số ngân hàng thương mại gặp khó khăn, do nhiều tổ chức, cá nhân thuộc diện được thụ hưởng chính sách này đang còn nợ từ năm 2009. Chi nhánh đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn cân đối nguồn vốn, đẩy mạnh giải ngân vốn hỗ trợ lãi suất phục vụ nhu cầu vốn các thành phần kinh tế trong những tháng còn lại của năm 2010.
QUANG THUẦN