Biến đổi khí hậu (BĐKH) là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ XXI. Để ứng phó với BĐKH, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 158/2008/QĐ-TTg về Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH. Nhiều bộ, ngành và địa phương đã và đang triển khai các chương trình, dự án nghiên cứu diễn biến và tác động của BĐKH. Phú Yên là một trong những tỉnh dễ bị tác động mạnh bởi BĐKH nên sớm có chương trình ứng phó thích hợp.
Thiệt hại của bão lũ ngày càng gia tăng do tác động của biến đổi khí hậu, rất cần có giải pháp ứng phó hiệu quả hơn - Ảnh: N.TRƯỜNG |
NHỮNG ỨNG PHÓ BAN ĐẦU
Những năm qua, tình hình diễn biến thời tiết trên địa bàn tỉnh diễn ra bất thường, bão lũ thường xuyên, bờ biển bị xâm thực, hạn hán… đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất, đời sống của người dân trong tỉnh. Đặc biệt cuối năm 2009, do tác động của cơn bão số 11 đã tạo ra trận lũ lớn và khủng khiếp nhất trong lịch sử tại các huyện, thị phía bắc tỉnh, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân; gây khó khăn, trở ngại nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống; làm kiềm hãm tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Cũng như nhiều tỉnh, thành trong cả nước, vấn đề nghiên cứu về BĐKH tại tỉnh Phú Yên còn quá mới mẻ và rất hạn chế. Đến nay, chưa có các hoạt động nghiên cứu sâu, tập trung và chi tiết về BĐKH; chưa có các chương trình, đề tài, dự án, kịch bản và chương trình hành động BĐKH cụ thể riêng cho tỉnh. Trong thời gian vừa qua, Sở Xây dựng Phú Yên có các thông báo về hướng dẫn kỹ thuật phòng chống bão cho nhà ở và công trình dân dụng - công nghiệp xây dựng; việc áp dụng một số giải pháp chủ yếu phòng chống bão, lốc cho nhà ở và công trình dân dụng cấp 4, xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Do đặc thù Phú Yên thường xuyên xuất hiện bão lũ, nên hàng năm UBND tỉnh tổ chức tổng kết và xây dựng phương hướng, nhiệm vụ phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, đề ra phương án phù hợp nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần ổn định kinh tế - xã hội. Đồng thời, tỉnh đã đầu tư xây dựng một số công trình đê, kè... để phòng chống lũ, xói lở...; xây dựng một số địa điểm để tàu thuyền lưu trú bão; các khu tái định cư vùng thường xuyên bị thiên tai, triều cường xâm thực để người dân ổn định cuộc sống. Phối hợp các ban ngành trong tỉnh, địa phương thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các kiến thức cơ bản về phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn… nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng để nhân dân chủ động phòng tránh thiên tai.
Hiện tại, một số sở, ngành, tổ chức của tỉnh đang lập kế hoạch và chương trình hành động ứng phó BĐKH như: Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên - Môi trường... Ngày 13/5/2010, UBND tỉnh Phú Yên có văn bản số 960 về việc đề xuất danh mục dự án ứng phó với BĐKH gồm 28 dự án với tổng kinh phí 209,995 triệu USD đăng ký với Bộ Tài nguyên - Môi trường để tìm tài trợ quốc tế. Ngoài ra, Hội Chữ thập đỏ Na Uy và Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức triển khai thực hiện dự án “Giảm nhẹ rủi ro, thảm họa” do thiên tai tại 3 xã Hòa Thịnh (huyện Tây Hòa), Hòa Xuân Đông (huyện Đông Hòa) và An Thạch (huyện Tuy An) với kinh phí khoảng 6 tỉ đồng.
CẦN CÓ CHƯƠNG TRÌNH, KẾ HOẠCH TOÀN DIỆN
Để ứng phó có hiệu quả với BĐKH, đáp ứng với Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó BĐKH, ngành Khoa học - Công nghệ Phú Yên xây dựng chương trình Khoa học công nghệ ứng phó với BĐKH giai đoạn 2011 – 2015 như sau: Xây dựng được hệ thống chính sách, lồng ghép với chương trình từng ngành và các nhiệm vụ cụ thể; Xây dựng kế hoạch hành động và đề xuất chính sách hỗ trợ các vùng chịu ảnh hưởng bất lợi; Xây dựng cơ sở dữ liệu về BĐKH và tác động của BĐKH đến các ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh; Tăng cường năng lực trong các hoạt động nghiên cứu, dự báo ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; Nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên và cộng đồng trong việc giảm thiểu và thích ứng với BĐKH; Nâng cao năng lực phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; Phát triển nguồn nhân lực trong hoạt động các ngành về giảm thiểu và thích ứng với BĐKH.
Trên cơ sở mục tiêu chương trình, xây dựng nhóm các đề tài dự án tập trung vào các nội dung sau:
- Nhóm các đề tài, dự án về xây dựng cơ chế, chính sách, lồng ghép với chương trình từng ngành và các nhiệm vụ cụ thể để giảm thiểu và thích ứng với BĐKH.
- Nhóm các đề tài, dự án xây dựng giải pháp, kế hoạch hành động giảm thiểu và thích ứng với BĐKH đối với các ngành, lĩnh vực.
- Nhóm các đề tài, dự án sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sinh học cải thiện môi trường góp phần giảm nhẹ BĐKH.
- Nhóm các đề tài, dự án nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên và cộng đồng trong việc giảm thiểu và thích ứng với BĐKH, nâng cao năng lực phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai và phát triển nguồn nhân lực trong hoạt động các ngành về giảm thiểu, thích ứng với BĐKH.
Những tác động do BĐKH được thể hiện rõ và cụ thể nhất trên địa bàn tỉnh Phú Yên vừa qua là đợt bão lũ tháng 11/2009. Hậu quả của BĐKH trong thời gian tới sẽ còn lớn hơn, nhiều hơn, nặng nề hơn mà chúng ta khó lường trước được. Để ứng phó với BĐKH, chúng ta cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp là giảm nhẹ, phòng chống và thích nghi. Để đạt mục tiêu này, cần có sự phối hợp chặt chẽ tất cả các sở, ngành, các cấp trong toàn tỉnh và cả cộng đồng trên địa bàn. Vấn đề giải quyết đầu tiên, UBND tỉnh cần có kịch bản, kế hoạch chung để hướng dẫn các sở, ngành, các cấp trong tỉnh xây dựng chương trình hành động phù hợp cho từng lĩnh vực, từng địa phương.
ĐÀO TỨ XUYÊN
Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ Phú Yên