Thời gian gần đây, tại các huyện miền núi của Phú Yên rộ lên phong trào trồng dưa hấu cho năng suất, thu nhập cao. Nhiều hộ đã đổi đời chỉ sau vài vụ dưa...
Nông dân xã Xuân Quang 2, (Đồng Xuân) thu hoạch dưa hấu – Ảnh: P.NAM
HỌC TRỒNG DƯA CỦA NGƯỜI BÌNH ĐỊNH
Bắt đầu từ những người dân tỉnh Bình Định đến thuê đất của người dân miền núi Phú Yên để trồng dưa hấu, đến nay, hàng nghìn hộ dân các huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh cũng học cách trồng dưa hấu theo phương pháp, kỹ thuật của nông dân Bình Định. Ông Lê Kim Trọng, ở xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn (Bình Định) trồng dưa hấu trên đất núi Đồng Xuân đã hơn 4 năm, cho hay: “Trồng dưa hấu cho năng suất cao không khó, chỉ cần làm đúng quy trình, sử dụng phân, thuốc trừ sâu hợp lý, đảm bảo nước tưới và thời tiết thuận lợi là được. Vụ dưa hè thu này tôi trồng 1ha, giống TN386, đang chuẩn bị thu hoạch. Với giá bán dưa trái 3.200 – 3.500 đồng/kg như hiện nay, sau khi trừ chi phí lãi từ 70 – 80 triệu đồng”.
Theo kinh nghiệm của những người Bình Định trồng dưa hấu lâu năm trên đất Phú Yên, kỹ thuật được bắt đầu từ khâu xới đất, hàng cách hàng 2,5m, cây cách cây 0,5m. Sau khi làm đất xong thì lấy nước, cân dòng, phủ bạt, đục lỗ, rồi lấy đất mịn trộn với phân chuồng khô qua khâu xử lý thuốc diệt nấm bệnh và gieo hạt. Khi hạt nảy mầm từ 5 – 7 ngày, tiếp tục xử lý thuốc theo hướng dẫn. Lúc cây được 5 lá, tiến hành bấm đọt để lấy ba dây chèo (nhánh) và cho dưa bò theo hướng phù hợp. Trong ba nhánh này, chỉ lấy hai quả trên hai nhánh ở vị trí khoảng lá thứ 12 (tính từ gốc). Trong quá trình phát triển của dưa, cần thường xuyên làm cỏ, bón phân, diệt sâu bệnh và không được để ứ đọng nước. Khi dưa được 45 ngày tuổi thì không cần phải dùng thuốc trừ sâu và chờ đến khoảng sau 20 ngày là thu hoạch.
Theo một số người dân Bình Định có kinh nghiệm trồng dưa trên đất Phú Yên, để có năng suất, quả to, đạt yêu cầu chất lượng, phải tuân thủ trình tự từng khâu, từ làm đất cho đến khi thu hoạch thì mới thành công. Ông Trọng cho biết thêm, qua thực tế trồng dưa tại nhiều địa phương ở Phú Yên, có thể thấy, quỹ đất nhàn rỗi ở các vùng nông thôn là rất lớn, nhiều diện tích bị bỏ hoang do người dân không có vốn, hay chẳng mặn mà với một số loại cây trồng bản địa cho năng suất, hiệu quả kinh tế thấp.
Từ kinh nghiệm trồng dưa của bà con Bình Định, hiện nhiều nông dân ở huyện Đồng Xuân đã chuyển qua trồng dưa hấu, bước đầu cho thu nhập cao như ông Nguyễn Văn Thắng ở Hà Rai, xã Xuân Lãnh. Vụ đông xuân 2009, ông Thắng trồng 0,75ha, giá bán 5.200 đồng/kg, thu lãi gần 150 triệu đồng (đã trừ chi phí), hay vợ chồng ông Nguyễn Quê trước kia làm nghề buôn bán, được ông Trọng hướng dẫn kỹ thuật, nay đã chuyển sang trồng dưa hấu. “Thấy mọi người thu lãi cao từ trồng dưa hấu, vụ hè thu này vợ chồng tôi thuê 0,8ha đất trồng thử, kết quả thu được 35 tấn, lãi hơn 50 triệu đồng ngon ơ”, ông Quê phấn khởi khoe.
Về huyện Đồng Xuân trong những ngày này, sẽ bắt gặp trên những con đường tấp nập xe chở dưa hấu, người bán người mua rộn ràng. Nhờ dưa hấu mà vài năm trở lại đây, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, không ít hộ vươn lên có cuộc sống khá giả.
CẦN NHÂN RỘNG, PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn huyện Đồng Xuân có khoảng 180 – 200 hộ trồng dưa hấu theo phương pháp, kỹ thuật của người Bình Định, hộ ít cũng trồng được 0,5ha, nhiều thì trên 1ha, tập trung nhiều nhất ở hai xã Xuân Lãnh, Xuân Phước. Thời gian từ lúc xuống giống đến khi thu hoạch mất khoảng 65 – 75 ngày. Một năm có thể trồng từ 3 đến 4 vụ, tùy thời tiết. Ông Lê Kim Trọng cho biết: “Sản phẩm làm ra được các thương lái ký hợp đồng bao tiêu theo giá thị trường và tùy thuộc vào phẩm cấp, chất lượng quả. Dưa được xuất đi các tỉnh lân cận, thậm chí ra Hà Nội. Riêng vụ đông xuân phần lớn được xuất sang Trung Quốc vì mùa này dưa chất lượng tốt hơn”.
Thực tế hiện nay, những người trồng dưa hấu ở Phú Yên theo kỹ thuật của người Bình Định phần lớn chỉ mang tính tự phát qua hình thức cầm tay chỉ việc, chứ chưa được tập huấn, hướng dẫn bài bản của ngành chuyên môn. Vì vậy, chưa được nhiều người biết đến để nhân rộng. Mặt khác do vốn đầu tư cao (bình quân từ 60 - 70 triệu đồng/ha), giá cả đầu ra lại phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ, nên nhiều hộ gia đình chưa mạnh dạn hoặc không đủ điều kiện, nhất là về vốn, để chuyển đổi hay trồng thử nghiệm giống dưa này. Vì thế, rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn Nhà nước về kỹ thuật, của ngân hàng trong việc cho vay vốn với lãi suất ưu đãi...
PHƯƠNG