Trong những năm qua, nghề câu cá ngừ đại dương đã mang lại một nguồn thu lớn cho TP Tuy Hòa, sản lượng đánh bắt trung bình khoảng 3.200 tấn mỗi năm. Riêng từ đầu năm đến nay, nhiều ngư dân ở TP Tuy Hòa phấn khởi vì trúng đậm cá ngừ.
Vận chuyển cá ngừ đại dương từ tàu lên bờ. - Ảnh: P.NAM
ĐƯỢC MÙA CÁ NGỪ
Từ đầu năm đến nay, ngư dân hành nghề câu cá ngừ đại dương ở TP Tuy Hòa “trúng đậm” vì sản lượng đánh bắt lớn, giá cả tương đối cao, chất lượng cá đạt tiêu chuẩn xuất khẩu tăng nhiều. Hiện đội tàu đánh bắt xa bờ của TP Tuy Hòa có khoảng 460 chiếc, trung bình một tàu đánh bắt khi cập bến thu được 1,5 – 2,5 tấn cá. Với giá hiện tại dao động trên dưới 100.000 đồng/kg cá loại I, nhiều tàu sau khoảng thời gian từ 20 – 27 ngày đánh bắt, trừ các khoản chi phí cũng kiếm được cả trăm triệu đồng. Ông Võ Đốc, chủ tàu cá PY-92691TS ở phường 6, TP Tuy Hòa, phấn khởi cho biết: “Tàu của tôi có khoảng 10 thuyền viên, từ đầu năm đến nay đã đi được năm chuyến biển. Chuyến đánh bắt hiệu quả nhất chỉ mất 20 ngày, tổng chi phí khoảng 120 triệu đồng, nhưng thu được hơn 2,4 tấn cá. Thời gian của chuyến biển rút ngắn nên phẩm cấp cá đạt yêu cầu, sản lượng đánh bắt lại nhiều, giá cả tương đối ổn định nên trung bình lãi khoảng 60 – 100 triệu đồng/chuyến”.
Nhiều ngư dân chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương ở phường 6 và phường Phú Đông (TP Tuy Hòa) cho biết, năm nay là mùa đánh bắt bội thu nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Ông Lương Công Đông, một chuyên gia trong nghề câu cá ngừ ở khu phố 6, phường Phú Đông, có tuổi nghề trên 15 năm đi biển nhận định: Do đợt mưa bão cuối năm 2009, cá ngừ tập trung vào gần bờ hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân đánh bắt. Năm nay chất lượng cá loại một đạt tỉ lệ khá cao vì chuyến biển rút ngắn hơn bình thường khoảng 7 – 10 ngày, công nghệ bảo quản cá tốt hơn trước, nhờ vậy mà chi phí thấp nhưng đạt hiệu quả cao. Còn ông Lê Văn Lợi, chủ doanh nghiệp tư nhân Lợi Anh chuyên thu mua cá ngừ tại bến cá phường 6 cho biết: “Từ đầu năm đến nay, cơ sở thu mua một sản lượng lớn so với các năm trước. Giá mua cá năm nay tương đối cao và ổn định là do cá đạt tiêu chuẩn xuất khẩu”.
BÍ QUYẾT CỦA NGHỀ CÂU
Ngư trường khai thác cá ngừ đại dương thường cách đất liền từ 200 – 500 hải lý. Ngoài một số trang thiết bị cần thiết như máy bộ đàm, định vị, thúng chai… mỗi tàu trang bị lương thực, thực phẩm đủ cho khoảng 10 người sinh hoạt từ 20 ngày đến một tháng trên biển. Ông Lương Công Đông, ở phường Phú Đông cho biết: “Nghề câu cá ngừ không dễ chút nào, mình phải nắm chắc quy luật của con cá đi hướng nào, vào mùa nào, từ đó tìm cách đón đầu để câu. Theo kinh nghiệm nhiều năm, thường khoảng cuối năm âm lịch, cá di cư vào vùng biển phía bắc nước ta rồi dần dần đi về phía nam. Đầu vụ, đánh bắt ở vùng biển các tỉnh Đà Nẵng – Quảng Trị trở ra, khoảng tháng 2, 3 chạy vào ngư trường Trường Sa, Côn Đảo, đôi khi đến gần Phú Quốc”.
Đặc tính cá ngừ bao giờ cũng vừa chạy vừa ăn mồi, mồi câu mà ngư dân thường sử dụng trước đây là cá tươi, nhưng sản lượng đánh bắt không cao. Thời gian sau, nhiều ngư dân phát hiện ra một loại mồi câu mới mà cá ngừ đại dương rất thích đó là con mực. Hiện nay, trong giới câu cá ngừ đại dương ai cũng phải giấu kín những tọa độ mà mình đánh bắt hiệu quả từ các năm trước để năm sau vào mùa thì họ đến vị trí đó để đánh bắt. Thường thì họ liên kết từ 3 đến 5 chiếc tàu câu cá ngừ là anh em ruột hoặc dòng họ. Khi ra khơi, các tàu tỏa đi tìm cá, nếu phát hiện luồng cá họ gọi nhau qua bộ đàm bằng tần số và những mật mã đã được quy định sẵn để cùng đánh bắt.
Ông Phan Khánh, Trưởng phòng Kinh tế TP Tuy Hòa, cho biết: “Mặc dù từ đầu năm đến nay, sản lượng cá ngừ đại dương mà ngư dân thành phố đánh bắt được đạt nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, song ngư dân cũng còn gặp nhiều khó khăn. Để duy trì và phát triển nghề câu cá ngừ đại dương, hiện nay thành phố đang vận động ngư dân đầu tư nâng cấp công suất máy, mua sắm các trang thiết bị hiện đại để phục vụ cho việc đánh bắt xa bờ. Trong năm 2010, tiếp tục phối hợp cùng các ngành chức năng lập hồ sơ hỗ trợ cho ngư dân theo Quyết định 289 và 965 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ cho ngư dân mua mới, đóng mới, thay máy tàu và hỗ trợ bảo hiểm thân tàu, hỗ trợ bảo hiểm tai nạn thuyền viên. Kiến nghị UBND tỉnh cho xây dựng trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá tại phường 6 và phường Phú Đông, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư các cơ sở chế biến sản phẩm cá ngừ đại dương đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Hình thành các nhóm dịch vụ hậu cần và duy trì các tổ tàu thuyền an toàn trên biển, duy trì sản lượng đánh bắt hàng năm từ 7.000 – 8.000 tấn, trong đó cá ngừ đại dương chiếm từ 65 – 70% tổng sản lượng”.
NGỌC NHƯ