Từ năm 2005 đến nay, kinh tế TP Tuy Hòa có nhiều khởi sắc trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) đã thu được những kết quả rất đáng khích lệ.
Công nghiệp chế biến - một trong những thế mạnh của CN-TTCN TP Tuy Hòa. - Ảnh: T.QƯỚI
Năm 2009 là năm có nhiều biến động; suy giảm kinh tế thế giới đã ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế cả nước, cả tỉnh nói chung và TP Tuy Hòa nói riêng, nhất là lĩnh vực CN – TTCN. Tuy nhiên nhờ sự nỗ lực các cấp, các ngành của thành phố lĩnh vực này tiếp tục có bước tăng trưởng khá. Giá trị sản xuất CN – TTCN năm 2009 thực hiện 1.345 tỉ đồng, đạt 99,9% kế hoạch năm, tăng 17,6% so với cùng kỳ. Trong 6 tháng đầu năm 2010 giá trị CN – TTCN chưa đạt được 50% kế hoạch năm, nhưng so với cùng kỳ cũng tăng 17,7%. Trong đó các nhóm ngành khai thác mỏ tăng 29%, công nghiệp chế biến tăng 17,7%, công nghiệp điện, nước tăng16,1%. Các khu vực kinh tế cũng tăng đều, trong đó khu vực kinh tế nhà nước tăng 12,4%, khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng 20,2%, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 22,4%...
Ông Võ Ngọc, Phó trưởng phòng Kinh tế TP Tuy Hòa cho biết: Thế mạnh của thành phố hiện tại là công nghiệp chế biến (chế biến hạt điều, hải sản), may mặc, sửa chữa cơ khí, sản xuất công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong đó giá trị ngành may chiếm tỉ trọng khá lớn. Hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 700 cơ sở sản xuất nhóm ngành nói trên. Trong đó, có gần 200 doanh nghiệp vừa và nhỏ, còn lại là những cơ sở sản xuất cá thể. 4 công ty may lớn là Cavina, An Hưng, Việt Linh, Bảo Trân. Mỗi năm 4 doanh nghiệp này đạt tổng sản lượng khoảng 5 triệu sản phẩm các loại. Đó là chưa kể những cơ sở may gia công rải rác ở tất cả các phường nội thị. Sau khoảng thời gian khá dài chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc suy thoái kinh tế thế giới, hiện ngành may mặc đã nhanh chóng phục hồi trở lại.
Ông Phạm Thái Hòa, Giám đốc Công ty TNHH may Cavina (04 Lê Lợi, TP Tuy Hòa) phấn khởi cho biết, từ tháng 10/2009 thị trường xuất khẩu hàng may mặc bắt đầu “ấm” trở lại sau khoảng thời gian dài bị ảnh hưởng nặng nề do suy thoái kinh tế thế giới. Từ tháng 1/2010 kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Nhiều đơn hàng với số lượng lớn được các doanh nghiệp kinh doanh may mặc tại TP Tuy Hòa ký kết với các đối tác trong và ngoài nước. Theo tính toán của Công ty Cavina, đến thời điểm hiện tại đơn vị này đã có đủ đơn hàng sản xuất trong suốt thời gian còn lại của năm 2010.
Tình hình sản xuất kinh doanh ở Công ty cổ phần An Hưng những tháng đầu năm 2010 cũng nhộn nhịp hẳn lên. Theo báo cáo của công ty, giai đoạn này là thời điểm “đẹp” nhất của ngành may. Song song với việc có nhiều đơn đặt hàng từ các công ty nước ngoài, thêm một tín hiệu vui nữa là giá gia công năm nay cũng được nâng lên.
Bên cạnh may mặc, thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố ra đời và trụ vững nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ như Đại Hưng Phát, Bình SVC, Lạc Hồng… tạo nên sự phong phú của sản phẩm CN – TTCN, đồng thời giải quyết cho một lượng lớn lao động có việc làm ổn định. Theo ông Võ Ngọc, ngoài những thế mạnh nêu trên, các lĩnh vực sửa chữa ôtô, chế biến máy cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp là những ngành nghề truyền thống tiếp tục được phát huy. Ở góc độ quản lý nhà nước, TP Tuy Hòa tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp mở rộng đầu tư.
Theo UBND thành phố, kết quả tăng trưởng trên là đúng với tinh thần Nghị quyết của Đảng bộ thành phố, phù hợp với tình hình thực tế. Mục tiêu từ nay đến năm 2015 CN – TTCN chiếm tỉ trọng 21,58% trong cơ cấu kinh tế, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010 – 2015 phải đạt 14,87%.
Để thực hiện mục tiêu trên, thành phố sẽ quy hoạch phát triển hợp lý các nhóm ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo; sản xuất phân phối điện nước; dệt may, giầy da, hàng tiêu dùng; sản xuất và chế biến vật liệu xây dựng; chế biến hải sản; ngành nghề TTCN nông thôn đồng thời khuyến khích phát triển sản xuất hành thủ công mỹ nghệ với những nguyên liệu sẵn có để giải quyết lao động nông nhàn. Ngoài ra, TP Tuy Hòa còn tạo điều kiện thu hút đầu tư, phát triển các nhà máy xí nghiệp sẵn có mở thêm nhiều cơ sở sản xuất mới thuộc nhiều ngành nghề khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường…
THẾ NHƠN