Tình trạng dùng lưới giã cào điện, bóng Thái Lan để đánh bắt thủy sản theo kiểu hủy diệt ở đầm Cù Mông (TX Sông Cầu) vẫn chưa được ngăn chặn dứt điểm. Gần đây lại xuất hiện một kiểu đánh bắt mới, đó là dùng bình hơi lặn xuống đáy đầm đào xới đất để bắt các loài thủy sản, gây ô nhiễm nguồn nước và môi trường sống.
Dùng thúng chai để thả bóng Thái Lan trên đầm Cù Mông - Ảnh: T.HIẾU |
Nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản ở đầm Cù Mông từ lâu đã trở thành nguồn thu nhập chính của đa số người dân sống ven đầm. Thế nhưng thời gian qua, một số ngư dân dùng các công cụ đánh bắt mang tính hủy diệt, làm cho nguồn lợi thủy sản trong đầm ngày càng cạn kiệt. Hàng ngày có hàng trăm người dân ở các xã Xuân Hải, Xuân Lộc, Xuân Bình dùng lưới giã cào điện, bóng Thái Lan để đánh bắt thủy sản trong đầm.
Chúng tôi nhờ một ngư dân địa phương dùng xuồng đưa ra giữa đầm và tiếp cận với những người đang thả những dây bóng Thái Lan xuống đáy đầm. Một người đang thả bóng Thái Lan, cho biết: “Trước đây việc đánh bắt theo kiểu này rất ít người làm, nay thì rất nhiều người làm vì nhanh thu lại vốn, có thể kiếm được 300.000 đồng-400.000 đồng/ngày. Mặc dù biết nghề này bị cấm nhưng vì cuộc sống nên đành làm liều…” Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, một dây bóng Thái Lan dài 12m, giá khoảng 100.000 đồng. Để đánh bắt được nhiều và không tốn công, các dây bóng nhỏ được nối lại thành một dây bóng dài từ 800–1.000m, người nào có vốn thì sắm 2-3 dây bóng. Theo Chi cục Khai thác -Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh, bóng Thái Lan là ngư cụ có cấu tạo tương tự như lồng bẫy, khai thác thủy sản theo phương pháp thụ động, đối tượng thủy sản bị bắt giữ một cách ngẫu nhiên, không có tính chọn lọc về kích cỡ, chủng loại và mang tính hủy diệt nên bị cấm sử dụng. Ngoài đánh bắt thủy sản bằng bóng Thái Lan, đầm Cù Mông còn đang “gánh” tình trạng dùng lưới giã cào điện và dùng bình hơi lặn xuống đáy đầm đào xới đất để bắt các loại thủy sản. Làm một cuộc “mục sở thị” quanh đầm, chúng tôi chứng kiến hàng chục thúng chai đựng bình hơi trôi nổi trên mặt nước, còn chủ nhân của chúng thì nằm sâu dưới đáy đầm. Họ ngâm mình từ sáng đến chiều và dùng bay đào xới đáy đầm để bắt những loại thủy sản sống ở tầng đáy như ốc, cua, ghẹ, cá… Việc đào bới tầng đáy của đầm Cù Mông dẫn đến nguồn nước bị khuấy đục, ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thủy sản của nhiều hộ dân, và nghiêm trọng hơn là môi trường sống của các loài thủy sản trong đầm bị ô nhiễm. Ông Trần Quang Thông, Trưởng thôn Diêm Trường (xã Xuân Lộc), bức xúc: “Mỗi ngày có khoảng trên dưới 100 người dùng lưới giã cào điện, bóng Thái Lan và bình hơi đánh bắt thủy sản, chủ yếu ở xã Xuân Hải, Xuân Bình sang địa phận thôn khai thác. Thôn đã lập danh sách những hộ vi phạm gởi xã để xử lý, trong đó bốn hộ dùng lưới giã cào điện, năm hộ đánh bắt bằng bóng Thái Lan và bảy hộ dùng bình hơi. Tình trạng đánh bắt nói trên đã gây ra tranh cãi giữa bà con nuôi trồng thủy sản với những người đánh bắt, gây mất an ninh trật tự”.
Ông Nguyễn Chung Thịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lộc, cho biết: Việc bà con đánh bắt bằng phương tiện có tính hủy diệt trên đầm Cù Mông, xã đã báo cáo thị xã và tăng cường công tác tuyên truyền, vận động những trường hợp vi phạm. Xã đã tổ chức nhiều đợt truy bắt, những người vi phạm cũng đã ký giấy cam kết không tái phạm. Từ năm 2008 đến nay, lực lượng công an xã đã bắt giữ 8 vụ, thu giữ 67 dây bóng Thái Lan. Qua xác minh, những ngư dân này hầu hết ở xã Xuân Hải. Chúng tôi đã thống nhất với hai xã Xuân Bình, Xuân Hải khi phát hiện thì phải xử lý nghiêm, nhưng truy bắt những đối tượng vi phạm rất khó vì không có phương tiện.
ANH NGỌC – TRUNG HIẾU