Hàng nghìn héc-ta lúa hè thu ở Phú Yên vừa được “giải khát” nhờ đợt mưa giữa tháng 7 vừa qua, thì nguy cơ mới lại phát sinh. Nhiều diện tích lúa đang bị nhiễm rầy nâu và rầy lưng trắng.
Tiến sĩ Phạm Hồng Hiển (bên trái) khảo sát mật độ rầy tại cánh đồng ở xã An Thạch (Tuy An)- Ảnh: L.BIẾT |
GIEO SẠ LÚA NHIỄM RẦY, PHÒNG TRỪ KHÔNG ĐÚNG CÁCH
Đúng như dự báo của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh ngay từ đầu vụ, thời tiết nắng nóng cộng với nông dân sử dụng giống lúa bị nhiễm rầy để gieo sạ đã làm cho rầy nâu và rầy lưng trắng phát sinh. Đến nay, toàn tỉnh Phú Yên đã có khoảng 20ha lúa hè thu bị nhiễm rầy nặng, mật độ có nơi lên đến 4.000-5.000 con/m2, xuất hiện trên những diện tích sử dụng hai giống lúa HĐB6 và THR1, tập trung tại huyện Đồng Xuân và Tuy An. Ông Nguyễn Hữu Doãn, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh bức xúc: Mặc dù chúng tôi đã khuyến cáo nhưng các địa phương vẫn cơ cấu giống lúa nhiễm rầy vào sản xuất. Ví dụ như tại xã An Thạch (huyện Tuy An) vẫn đưa vào cơ cấu các giống TBR1 gieo sạ trên 70ha.
Chúng tôi có mặt tại các xứ đồng thuộc thôn Phú Thịnh, xã An Thạch cùng đoàn công tác của Viện Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn) và Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh vào ngày 22/7 để khảo sát số diện tích lúa gieo sạ giống TBR1 và HĐB6, phát hiện đều bị nhiễm rầy nâu và rầy lưng trắng mật độ nhẹ. Tuy diện tích bị rầy chưa lớn nhưng điều đáng lo ngại hơn là khi được hỏi, hầu hết bà con ở đây đều không nắm được các biện pháp phòng trừ rầy. Ông Nguyễn Ngọc Tân, ở thôn Phú Thịnh, xã An Thạch cho biết: “Ở đây ruộng ai làm giống HĐB6 và TBR1 cũng đều bị nhiễm rầy. Gia đình tôi canh tác 1.000m2 lúa, rầy bám đen gốc, dù phun thuốc đến ba lần nhưng vẫn không hết rầy”. Khi hỏi cách phun thuốc như thế nào thì ông Tân lắc đầu, tôi cứ liệu liệu mà phun chứ ai hướng dẫn đâu mà biết!
NHIỀU BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ
Khi khảo sát thực địa tại xứ đồng nhiễm rầy thôn Phú Thịnh, xã An Thạch, Tiến sĩ Phạm Hồng Hiển, Phòng Nghiên cứu côn trùng thuộc Viện Bảo vệ thực vật cho biết: Với mức độ như hiện nay trên đồng ruộng Phú Yên là chưa nguy hiểm lắm. Tuy nhiên, điều đáng lo là nông dân sử dụng nhiều giống lúa nhiễm rầy và phòng trừ rầy không đúng cách. Ngoài ra, rầy lưng trắng là môi giới truyền bệnh lùn sọc đen trên lúa, rất nguy hiểm. Tại Phú Yên, qua điều tra, chúng tôi chưa thấy xuất hiện vi rút bệnh lùn sọc đen. Tuy nhiên, nếu rầy xuất hiện ở mật độ cao thì lúa rất dễ bị bệnh lùn sọc đen. Qua bắt và phân loại rầy trên đồng ruộng Phú Yên cho thấy rầy xuất hiện ở nhiều lứa tuổi khác nhau và khả năng phát sinh trên diện rộng là rất lớn. Vì vậy nông dân phải có biện pháp phòng trừ đúng cách, đúng lúc mới mang lại hiệu quả. Tiến sĩ Phạm Hồng Hiển khuyến cáo: Trong điều kiện thời tiết nóng ẩm như hiện nay, rất thuận lợi cho rầy nâu phát triển. Khi thấy rầy có mật độ cao nên dùng các loại thuốc có khả năng trừ cả rầy trưởng thành và rầy non. Tiến sĩ Hiển cũng lưu ý, các vụ sản xuất sắp đến, nông dân nên sử dụng các giống lúa kháng rầy hoặc ít mẫn cảm với rầy, sạ mật độ thưa để hạn chế rầy và các đối tượng sâu bệnh khác phát sinh. Về những biện pháp phòng trừ rầy nâu, ông Nguyễn Hữu Doãn, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, trong điều kiện hiện nay, nếu thấy rầy đến ngưỡng 1.500-2.000 con/m2 là tiến hành các biện pháp phòng trừ. Trước mắt chi cục sẽ cử cán bộ kỹ thuật xuống “bám” đồng ruộng tại các cánh đồng bị nhiễm rầy để hướng dẫn bà con các biện pháp phòng trừ hiệu quả. Phối hợp với các hợp tác xã tập huấn cho nông dân theo từng nhóm hộ về cách phòng trừ rầy, tiến đến khoanh vùng dập dịch, không để rầy phát sinh gây hại trên diện rộng.
LÊ BIẾT