Thương nhân nước ngoài được cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện khi có đủ các điều kiện sau: là thương nhân được pháp luật nước, vùng lãnh thổ nơi thương nhân đó thành lập hoặc đăng ký kinh doanh công nhận hợp pháp; đã hoạt động không dưới 1 năm, kể từ khi được thành lập hoặc đăng ký kinh doanh hợp pháp ở nước của thương nhân.
Đây là một trong những nội dung chính của Nghị định 72 quy định chi tiết thi hành Luật thương mại về văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại VN.
Đối với việc thành lập chi nhánh thì phải hoạt động không dưới 5 năm, kể từ khi thành lập hoặc đăng ký kinh doanh hợp pháp, giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh có thời hạn 5 năm nhưng không vượt quá thời hạn còn lại của Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài trong trường hợp pháp luật nước ngoài có quy định thời hạn Giấy đăng ký kinh doanh của thương nhân nước ngoài.
Nếu thương nhân nước ngoài thay đổi người đứng đầu của Văn phòng đại diện, Chi nhánh; thay đổi địa điểm đặt trụ sở của thương nhân nước ngoài trong phạm vi nước nơi thương nhân thành lập hoặc đăng ký kinh doanh; thay đổi địa điểm đặt trụ sở của Văn phòng đại diện trong phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì phải phải làm thủ tục sửa đổi, bổ sung Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có sự thay đổi.
Nội dung hoạt động của Văn phòng đại diện bao gồm: thực hiện chức năng văn phòng liên lạc; Xúc tiến xây dựng các dự án hợp tác của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam; nghiên cứu thị trường để thúc đẩy cơ hội mua bán hàng hoá, cung ứng và tiêu dùng dịch vụ thương mại của thương nhân mà mình đại diện; theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các hợp đồng đã ký kết với các đối tác Việt Nam hoặc liên quan đến thị trường Việt Nam của thương nhân nước ngoài mà mình đại diện.
(Theo NLĐ)