Thứ Năm, 03/10/2024 18:19 CH
Kỳ vọng vốn tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn phát triển
Thứ Sáu, 16/07/2010 19:00 CH

Hệ thống ngân hàng Phú Yên đang triển khai các giải pháp nhằm tăng cường đầu tư vốn vào khu vực nông nghiệp, nông thôn. Đây được xem là điều kiện tốt để nông dân tiếp cận vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh.

 

thth100716.gif
Nghề nuôi tôm hùm ở TX Sông Cầu có nhu cầu vốn đầu tư rất lớn – Ảnh:  Q.THUẦN

 

TỪ QUYẾT ĐỊNH 67

 

Sau hơn 10 năm triển khai Quyết định 67, tổng doanh số cho vay vào khu vực này tại tỉnh Phú Yên đạt trên 10.000 tỉ đồng, với trên 500.000 lượt hộ vay vốn. Hiện tổng dư nợ của chi nhánh đạt 1.842 tỉ đồng, chiếm 75% dư nợ của chi nhánh, với 68.000 hộ vay, xấp xỉ 1/3 số hộ trên địa bàn tỉnh.

Phát triển tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn là chủ trương, chính sách lớn của Chính phủ, nhằm từng bước thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Ông Trần Minh Mẫn, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (Agribank) tại Phú Yên cho biết, năm 1999 Chính phủ đã ban hành Quyết định 67 nhằm tăng cường đầu tư vốn cho khu vực nông nghiệp, nông thôn. Lần đầu tiên ngân hàng cho hộ gia đình vay đến 10 triệu đồng mà không phải thế chấp tài sản. 

 

Song, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Quyết định 67 không phải không có những bất cập. Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, chính sách cho vay của các tổ chức tín dụng theo Quyết định 67 còn nhiều hạn chế như chưa có sự gắn kết chặt chẽ với chương trình phát triển kinh tế của địa phương với quy hoạch sản xuất, tiêu thụ hàng hóa nông sản. Mức vay của hộ gia đình, cá nhân 10 triệu đồng là quá thấp. Để phù hợp hơn với tình hình thực tế, Chính phủ đã ban hành Nghị định 41/2010 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, cá nhân, hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có thể được xem xét cho vay không có bảo đảm bằng tài sản tối đa đến 50 triệu đồng; các hộ kinh doanh, sản xuất ngành nghề hoặc làm dịch vụ được vay đến 200 triệu đồng; hợp tác xã, chủ trang trại vay tối đa 500 triệu đồng. Đánh giá về vai trò của Nghị định 41, đại diện Hội Nông dân tỉnh cho rằng, Nghị định đã đưa ra các chính sách thông thoáng, phù hợp hơn so với các chính sách tín dụng dành cho nông nghiệp, nông thôn đã triển khai trước đây. Mức cho vay không thế chấp đã tăng lên, đối tượng vay mở rộng. Ông Nguyễn Ngọc Khố, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Phú Yên cho biết, nếu như trước đây chỉ có Agribank là kênh dẫn vốn chủ yếu, thì giờ đây tất cả các tổ chức tín dụng đều có thể tham gia.

 

ĐẾN TẦM NHÌN NĂM 2020

 

Theo các chuyên gia kinh tế, không có đầu tư thì không thể có tăng trưởng. Tín dụng trở thành yếu tố quan trọng giúp ngành nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng 3,8%/năm trong suốt 10 năm qua, và Nghị định 41 được kỳ vọng sẽ tạo động lực trong việc khơi thông nguồn vốn tín dụng cho khu vực nông thôn. Song vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau  bày tỏ sự quan ngại về chính sách này. Ông Nguyễn Văn Toàn, ở xã Hòa Vinh (huyện Đông Hòa) băn khoăn: Mức cho vay không cần thế chấp thực sự là điều kiện tốt cho nông dân chúng tôi. Tuy nhiên, cũng rất nghi ngờ về nguồn vốn cho vay. Thực tế giữa cuối năm 2009, khi tiến hành cho nông dân vay vốn hỗ trợ lãi suất để mua sắm máy móc sản xuất, mặc dù ngân hàng đã có hướng dẫn cho các doanh nghiệp nông thôn vay vốn nhưng rất ít doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp được vay. Vậy thì mục tiêu mà Nghị định 41 đề ra liệu có thể thực hiện được? Ông Đặng Hồng Lĩnh, Trưởng phòng Tín dụng Agribank Phú Yên khẳng định: Là một trong những ngân hàng được Chính phủ giao nhiệm vụ đẩy mạnh cho vay vốn phục vụ “tam nông”, Agribank Việt Nam đã có hẳn đề án về việc mở rộng và nâng cao hiệu quả đầu tư vốn cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Đề án đưa ra mục tiêu dư nợ tín dụng đến cuối năm 2010 của hệ thống Agribank đạt 220.000 tỉ đồng, các năm sau đạt mức tăng trưởng 18% – 20%/năm. Giữ vững tỉ trọng cho vay nông nghiệp, nông dân, nông thôn chiếm 70%/tổng dư nợ của Agribank vào cuối năm 2020, trong đó dư nợ cho vay vốn đối với hộ gia đình, cá nhân chiếm tỉ trọng khoảng 55%.

 

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất khi triển khai chính sách tín dụng này là nguồn vốn. Để có vốn đáp ứng nhu cầu vay của nông dân, các ngân hàng phải tăng cường huy động vốn từ các thành phần kinh tế, nhất là vốn trung – dài hạn. Điều này không phải dễ thực hiện trong điều kiện thị trường tiền tệ cạnh tranh quyết liệt như hiện nay. Ông Nguyễn Ngọc Khố cho biết, để đảm bảo nông dân được tiếp cận nguồn vốn vay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành thông tư hướng dẫn chi tiết thực hiện Nghị định 41 của Chính phủ. Thời gian tới, ngành Ngân hàng Phú Yên sẽ triển khai quyết liệt chính sách này, góp phần đưa kinh tế nông nghiệp phát triển, nông thôn đổi mới.

 

QUANG THUẦN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek